Người uy tín giúp xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh
Cập nhật: 09/10/2024
Việt Nam sẵn sàng giúp thúc đẩy phát triển bền vững tại Châu Á - Thái Bình Dương
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân tới thủ đô Warsaw, bắt đầu thăm Ba Lan
VOV.VN - Chiều 9/10, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học "Phát huy vai trò của người có uy tín trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh trên địa bàn tỉnh Gia Lai".
Hội thảo nhằm cung cấp các luận cứ khoa học, hỗ trợ tư vấn và định hướng chính sách cho Đảng và Nhà nước trong việc phát huy vai trò của người có uy tín trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở Tây Nguyên.
Hội thảo nhận được 55 tham luận từ các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, các cơ quan nghiên cứu, các trường chính trị, cùng các tổ chức chính trị - xã hội thuộc tỉnh Gia Lai và các địa phương vùng Tây Nguyên. Các tham luận đều khẳng định vai trò quan trọng của người uy tín trong cộng đồng, từ tuyên truyền, vận động quần chúng đến tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ gìn khối đại đoàn kết dân tộc; duy trì an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Dự hội thảo, già làng Rah Lan Vọng, người uy tín của làng Ngol Le, xã Ia Krel, huyện Đức Cơ đã chia sẻ thực tế về vai trò của mình trong cộng đồng Jarai ở khu vực biên giới: “Đồng bào chưa hiểu chỗ nào thì mình giải thích, động viên bà con tự lực tự cường làm kinh tế. Hiện nay, Nhà nước rất quan tâm, không phải đóng thuế nông nghiệp, bà con làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, giữ lại tích lũy để năm sau tiếp tục phấn đấu, kinh tế ngày càng dồi dào, phát triển hơn".
Về chế độ chính sách, các tỉnh Tây Nguyên đều có những quan tâm thiết thực đối với người uy tín.
Ông Trường Trung Tuyến, Phó Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai cho biết, những năm gần đây, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực để chăm lo đội ngũ này: “Giai đoạn 2021-2023, Trung ương giao cho tỉnh 20 tỷ đồng để thực hiện chế độ chính sách cho người có uy tín. Ngoài ra, trong chương trình mục tiêu quốc gia còn có 10 dự án liên quan đến nhiều lĩnh vực. Những chính sách này giúp người có uy tín cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập, yên tâm thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng và nhân dân".
Bên cạnh sự quan tâm về vật chất, nhiều đại biểu cho rằng, để người có uy tín tiếp tục phát huy vai trò, trong thời gian tới cần tạo điều kiện thuận lợi để họ tham gia vào các hoạt động chính trị - xã hội tại địa phương; đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, nhất là năng lực giám sát, phản biện xã hội và vận động nhân dân ở cơ sở. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa Đảng, chính quyền và người có uy tín, nhằm đảm bảo sự kết nối chặt chẽ trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở.
Ban tổ chức hội thảo sẽ tổng hợp các ý kiến và giải pháp để đề xuất lên các cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương về các chính sách nhằm phát huy vai trò của người có uy tín trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở tại Tây Nguyên trong thời gian tới.
Từ khóa: uy tín, người uy tín, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, tỉnh ủy gia lai, xây dựng đảng
Thể loại: Nội chính
Tác giả: nguyễn thảo/vov-tây nguyên
Nguồn tin: VOVVN