Người trẻ tìm về thú chơi hoa thủy tiên vang bóng một thời của Hà Nội
Cập nhật: 17/01/2020
Đà Nẵng tổ chức 3 điểm bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Ất Tỵ 2025
Tuyển sinh lớp 6 chỉ xét tuyển: Các trường chất lượng cao tuyển sinh thế nào?
VOV.VN - Dịp Tết, trong các gia đình Hà Nội xưa đều có bát hoa thủy tiên. Người xưa quan niệm rằng, nhà nào có hoa nở đúng thời khắc giao thừa sẽ may mắn cả năm.
Thủy tiên là thú chơi cầu kỳ của người Hà Nội mỗi dịp Tết đến xuân về, theo thời gian, thú chơi này dần bị mai một. Thế nhưng, sau những thăng trầm của lịch sử, vẫn có những con người yêu Hà Nội âm thầm cất giữ và lưu truyền nét văn hóa này, trong đó có cả những người trẻ. Anh Nguyễn Việt Bắc là một người như thế!
Những ngày cuối năm, trong góc quán trà nhỏ tĩnh lặng trên phố Tông Đản, (Hoàn Kiếm, Hà Nội) anh Nguyễn Việt Bắc lại say xưa kể những câu chuyện về loài hoa đặc biệt này, chia sẻ cách tạo ra một bát thủy tiên đẹp với những bạn trẻ có cùng sở thích.
Anh Bắc chia sẻ, bản thân vốn là người sâu nặng với văn hóa truyền thống, luôn khao khát tìm về những vẻ đẹp nay chỉ còn vang bóng một thời, cũng bởi vậy mà thú chơi hoa thủy tiên đầy tao nhã đã khiến người thanh niên thế hệ 8x mê mẩn.
Từng dành nhiều năm tìm hiểu về thú chơi này, anh Nguyễn Việt Bắc say mê kể: Thủy tiên là loài hoa quý phái, được ví như chén ngọc đĩa ngà, khi nở có mùi hương tinh khiết, quyến rũ, cao sang. Một bát hoa thủy tiên đẹp phải có sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có bộ rễ trắng như ngọc, làn lá xanh xum xuê, mềm mại, ngồng hoa nhiều tầng nhiều tán. Đặc biệt một bông hoa đẹp nhìn phải sáng, khi nở nhụy màu vàng. Cánh hoa phải có màu trắng tinh khôi tức là nhìn thấy độ trong của màu trắng và trên cánh hoa có độ lấp lánh nhất định giống như kim tuyến. Chính sự tinh khôi, sang trọng mà hoa thủy tiên không chỉ phục vụ thú chơi hoa mà còn sử dụng để thờ cúng dịp Tết. Người xưa quan niệm rằng, nhà nào có được bát hoa thủy tiên nở đúng thời khắc giao thừa, năm đó sẽ được may mắn, bình an, vạn sự như ý.
Anh Nguyễn Việt Bắc chia sẻ cách gọt thủy tiên cho những bạn trẻ có cùng sở thích. |
Theo nghệ nhân trẻ này, thủy tiên là loài hoa rất khó tính, chưa kể đến quá trình gọt tỉa, việc chăm sóc để ra hoa đẹp cũng lắm công phu, tỉ mỉ, đòi hỏi người chơi không chỉ tỉ mẩn mà còn cần có tình yêu như chăm một đứa trẻ. Từng chiếc lá, cọng rễ của cây cũng dễ thay đổi theo từng giờ, từng ngày, nhạy cảm với cả ánh sáng.
Anh Bắc chia sẻ, bản thân đã may mắn được học thú chơi thủy tiên từ những vị cao niên nhiều năm gắn bó và lưu giữ thú chơi cổ của Hà Nội.
Để gọt được thủy tiên đẹp, người chơi cần hiểu và làm bạn với hoa. Thủy tiên là họ nhà hành, củ có nhiều lớp lá bẹ. Để có được giò thủy tiên đẹp, trước tiên cần chọn củ. Người sành chơi khi mua củ sẽ thường bóp nhẹ hai bên hông củ, những củ có nhiều gồ cứng, tức là đã bắt đầu có mầm nhú, không tốt. Tốt nhất là nên lựa những củ hai phần bên cạnh xốp. Anh Bắc cũng cho biết, những năm gần đây, do thời tiết thay đổi, cây trồng bị tác động nên để chọn được củ thủy tiên đẹp rất khó.
Mầm thủy tiên đẹp là khi không quá dài và không bị gãy dập... Người tỉa nhẹ nhàng bóc từng lớp áo ngoài đã khô, chuyển màu nâu tới khi thấy lớp áo trắng muốt bên trong. Công đoạn này cần sự tỷ mẩn bởi khi càng vào trong, sẽ có những lớp áo chỉ khô một phần, người chơi phải dùng nhíp, tỉa từng chút một mà không được làm tổn thương phần áo còn tươi, bởi đây chính là nguồn dinh dưỡng để nuôi hoa sau này.
Trong công đoạn gọt thủy tiên, việc vệ sinh phần rễ cũng rất quan trọng, người chơi phải kỹ lưỡng, nhẹ nhàng để không làm tổn thương củ. Dao để gọt thủy tiên phải là loại dao nhỏ, sắc để vết gọt được ngọt.
Ngoài kỹ thuật gọt, việc chăm sóc thủy tiên cũng lắm công phu, phải thay nước, chải rễ hàng ngày.
“So với những thú vui khác, thú chơi hoa thủy tiên có tính tố cáo người chơi khá cao. Chỉ cần nhìn vào bát thủy tiên, người sành chơi sẽ biết được chủ nhân là người sang, hèn, cầu kỳ, tỉ mỉ hay cẩu thả”, anh Bắc nói.
Nghệ nhân trẻ Nguyễn Việt Bắc cho rằng, thủy tiên sau khi gọt cũng giống như một người vừa bị thương, nếu không chăm chút chữa lành, làm sạch các vết thương, hoa dễ bị hỏng. Ví thủy thiên như một cô gái đẹp, kiêu sa nhưng cũng rất đỏng đảnh khó chiều, bởi vậy nếu không có tình yêu thì rất khó gắn bó với thủy tiên.
Tự tìm hiểu, và muốn lưu giữ, lan truyền thú chơi tao nhã của Hà Nội, vài năm trở lại đây, anh Nguyễn Việt Bắc đều tổ chức những buổi chia sẻ, dạy cách gọt thủy tiên cho người trẻ. Anh Bắc tâm sự, có nhiều người trẻ đến học, không phải ai cũng có thể duy trì được thú chơi này sau đó. Dẫu vậy, việc có ngày càng nhiều người trẻ tìm về thú chơi xưa cũ này cũng là một tín hiệu đáng mừng.
Những ngày cuối năm, xếp lại bao bộn bề của cuộc sống chị Nguyễn Thị Thùy Minh (Đại Từ, Hà Nội) cũng đến tham gia buổi hướng dẫn gọt hoa thủy tiên của anh Nguyễn Việt Bắc. Chị Minh tâm sự, bản thân mới biết và tìm đến với thú hoa thủy tiên được hơn 1 năm nay, nhưng chị đã sớm “phải lòng” loài hoa này. “Gọt thủy tiên cầu kỳ, công phu, tốn công sức, tốn cả thời gian, nhưng khi ngắm thủy tiên nở đẹp, thấy sắc xuân như tràn về. Tỉa thủy tiên không chỉ là cách để rèn luyện sự kiên trì, nhẫn nại, khả năng tập trung mà còn là khoảng thời gian tĩnh lặng, một nốt trầm để con người lấy lại năng lượng sau một năm bận rộn, chuẩn bị sẵn sàng tâm thế để chào đón năm mới”.
Chị Ngô Thị Hương Trà (30 tuổi, Hà Nội) năm nay cũng tham gia học lớp gọt hoa thủy tiên, mong có thể tự tay tỉa được chậu hoa đẹp đón Tết. Chị Trà cho biết, năm nào Tết đến xuân sang, gia đình chị cũng cố tầm cho được một bát thủy tiên đẹp về để trên bàn thờ cúng gia tiên và đặt trên bàn trà.
Với chị Hương Trà, hoa thủy tiên không chỉ mang đến không khí Tết mà còn gợi nhớ về tuổi thơ: “Ngày con bé, cứ khoảng mùng 10 tháng Chạp, ông nội lại đi tìm củ hoa thủy tiên về gọt, hồi ấy, tôi vẫn hay theo ông đi mua từ con dao gọt hoa, chăm chú ngắm nghía ông tỉa từ khi củ còn bám đầy đất khô, đến khi trắng muốt, đặt vào bát nước. Tết náo nức hơn bởi nồi bánh chưng và háo hức bởi cả cảm giác ngóng chờ từng bông hoa thủy tiên nở. Năm nào hoa nở vào đúng thời khắc giao thừa, ông vẫn bảo năm ấy sẽ có nhiều may mắn lắm. Sau này, cuộc sống bộn bề, ông mất đi, gia đình cũng không còn giữ được thú chơi ấy nữa, nhưng năm nào cũng lên phố hàng Lược mua cho được một bát thủy tiên đẹp về dâng lên bàn thờ gia tiên. Hoa thủy tiên mang đến một không khí Tết rất riêng của Hà Nội mà không phải loài hoa nào cũng có được”.
Là một người trẻ, chị Trà mong rằng thú chơi tao nhã của mảnh đất kinh kỳ xưa sẽ tiếp tục được lưu truyền và gìn giữ./.
Từ khóa: thú chơi thủy tiên công phu ngày Tết, Hà Nội, giao thừa, hoa thủy tiên, nghệ nhân Nguyễn Việt Bắc
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN