Ngôi trường mang tên Bác: Điểm sáng của tình hữu nghị Việt Nam-Ukraine
Cập nhật: 25/09/2019
Thái Lan xử nặng một công dân Singapore dọa đánh bom giả tại sân bay
Ông Medvedev cảnh báo kịch bản leo thang xung đột tại Ukraine
VOV.VN - Trường Trung học phổ thông chuyên số 251 mang tên Chủ Tịch Hồ Chí Minh là điểm sáng của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Ukraine và Việt Nam.
Trường Trung học phổ thông chuyên số 251 mang tên Chủ Tịch Hồ Chí Minh tại quận Desnhianski, thủ đô Kiev, Ukraine vừa long trọng tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Lễ khai giảng năm nay trùng với ngày Quốc Khánh Việt Nam (2/9) và cũng là dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ kính yêu. Ngôi trường được coi là điểm sáng của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Ukraine và Việt Nam.
Tới dự lễ khai giảng, về phía Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine có ông Hồ Trung Thanh - Trưởng phòng Tham tán Thương Mại, bà Lê Thu Phương, Bí thư thứ nhất phòng chính trị đối ngoại, được sự ủy nhiệm của Đại sứ Nguyễn Anh Tuấn đã tặng lẵng hoa và gửi thư chúc mừng của Đại sứ tới nhà trường.
Lễ khai giảng đã diễn ra ngắn gọn, nhưng vô cùng trang trọng, vui tươi, phấn khởi. Tất cả tập thể cán bộ giáo viên, các học sinh từ lớp 2 đến lớp 11 cũng như tất cả các phụ huynh đã tập trung để chào đón và chúc mừng các học sinh năm đầu tiên tựu trường.
Trường Trung học phổ thông số 251 là thành viên của Hội Hữu Nghị Ukraine - Việt Nam. |
Trường Trung học phổ thông số 251 được thành lập vào ngày 2/9/1985 nhân kỷ niệm 40 năm Quốc Khánh Việt Nam và vào năm 1990 trường vinh dự được đặt theo tên Chủ Tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người, sau sắc lệnh của Hội Đồng Bộ Trưởng Ukraine.
Trường luôn là điểm sáng trong quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Đã gần 30 năm qua tập thể giáo viên nhà trường luôn tâm huyết trong việc đào tạo học sinh, trong đó có tương đối đông con em cộng đồng người Việt nam đang làm ăn sinh sống trong khu vực Troeshina, Kiev. Những năm qua, đã có nhiều thế hệ học sinh người Việt tốt nghiệp tại đây với thành tích tốt, tạo nền tảng vững chắc cho các em bước chân vào giảng đường đại học. Do có thành tích trong công tác đào tạo, nên từ năm 2016 trường được công nhận là trường chuyên.
Bà Hiệu trưởng Sulga Larixa Panchilevna khẳng định, luôn cố gắng tạo điều kiện cho các học sinh tổ chức lễ hội cả của Việt nam và Ukraine, thường vào dịp đón năm mới hoặc Tết Trung Thu. Các em học sinh trình diễn văn nghệ, tiết mục vui cổ truyền tạo nên sự giao thoa giữa hai nên văn hóa, và chung niềm vui hội nhập.
Lễ khai giảng đã diễn ra ngắn gọn, nhưng vô cùng trang trọng, vui tươi, phấn khởi. |
Nhà trường cũng phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam trong nhiều hoạt động, giới thiệu nhiều thông tin về Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và phát triển.
Nhà trường không chỉ mang tên Hồ Chí Minh, mà còn xây dựng một bảo tàng "Hữu nghị Việt Nam - Ukraine" với nhiều hiện vật, tư liệu quý, mà rất nhiều trong đó là tranh ảnh về Hồ Chủ Tịch.
Xuất phát từ tình cảm đối với Chủ Tịch Hồ Chí Minh, vinh dự được mang tên Người, trường phổ thông chuyên số 251 được coi là điểm sáng của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Ukraine và Việt Nam. |
Bà Ekaterina Nhikolaievna phụ trách nhà bảo tàng cho biết: “Nhiều đoàn đại biểu của Hội Hữu nghị Việt Nam – Ukraine đã sang thăm trường. Chủ tịch Trần Đức Lương cũng đã từng tới thăm trường, khi ông thăm Ukraine và nhà trường rất vui mừng được gặp ông vào dịp đó. Nhiều nghệ sỹ, nhà khoa học và cả nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Việt Nam là Phạm Tuân cũng đã tới thăm trường. Tại bảo tàng có lưu giữ rất nhiều hiện vật quý, có cả những giấy tờ của các nhân vật nổi tiếng với chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có ảnh khi Người thăm Ukraine...".
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông số 251 hy vọng sẽ thúc đẩy mối quan hệ hiện có, cố gắng tạo nên một địa chỉ tin cậy cho cộng đồng người Việt Nam trong khu vực gửi gắm con em đến học ở trường, góp phần vun đắp cho tình đoàn kết giữa hai dân tộc Ukraine - Việt Nam./.
Từ khóa: trường trung học chủ tịch hồ chí minh, trường chuyên số 251, chủ tịch hồ chí minh, ukraine
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN