Nghiên cứu vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh

Cập nhật: 26/09/2023

VOV.VN - Ngày 11/9, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị triển khai đề tài thuộc Chương trình KH&CN đặc biệt cấp quốc giai đoạn 2021-2025 về Nghiên cứu vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng chủ trì hội nghị.

Chương trình có mã số KX.02/21-25; tập trung nghiên cứu, làm rõ: Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay.

Nghiên cứu toàn diện, hệ thống và sâu sắc nội dung, giá trị, ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh và tổng kết, đánh giá thực tiễn nghiên cứu, vận dụng và phát triển tư tưởng của Người trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ năm 1986 đến nay; chỉ rõ thành tựu, hạn chế và nguyên nhân, đúc kết bài học kinh nghiệm và xác định những vấn đề đặt ra.

Đề xuất quan điểm, phương hướng, giải pháp, kiến nghị tiếp tục vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Sau thời gian triển khai, Học viện đã hoàn thiện thuyết minh chương trình, khung chương trình; ban hành các quyết định về tổ chức bộ máy và tổ chức triển khai các hoạt động của chương trình.

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta, phải kiên định vận dụng phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác- Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới, các nguyên tắc xây dựng Đảng. Đây là vấn đề mang nguyên tắc sống còn đối với chế độ ta, nền tảng vững chắc của Đảng ta, nên Ban Bí thư và sau đó Chính phủ phê duyệt Chương trình này với kỳ vọng lớn đó. 

Nêu quan điểm đường lối đổi mới tính từ năm 1986 tới nay gần 40 năm cần có những nghiên cứu mang tính tổng thể về tầm nhìn, định hướng phát triển của đất nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, con người, khoa học công nghệ, lĩnh vực về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, vấn đề quốc phòng, an ninh đối ngoại… đều bắt đầu nghiên cứu từ tư tưởng Hồ Chí Minh, những quan điểm chủ trương của Đảng ta trong suốt các giai đoạn các chặng đường lịch sử cách mạng, những vấn đề lý luận căn cốt nhằm hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới.

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, trong quá trình triển khai chương trình, các nhà khoa học cần chắt lọc dựa trên kết quả nghiên cứu để kiến nghị cho Đảng, Nhà nước trong việc tổng kết 40 đường lối đổi mới của Đảng; Thứ hai chuẩn bị xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng; Thứ ba trên cơ sở đó đặt những nền tảng đầu tiên suy nghĩ về cương lĩnh xây dựng đất nước khi Đảng ta tròn 100 năm tuổi.

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: "Khái quát rút ra được những vấn đề lý luận căn cốt để chúng ta hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới, đây là nhiệm vụ rất lớn đối với chương trình này. Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, rút ra được những bài học mang tính lý luận, những kinh nghiệm có giá trị lý luận, những tư tưởng, quan điểm đột phá mang tầm lý luận. Cần phải có cách làm thế nào để đúng vào hoạch định và tiếng nói của người dân phản ứng thông qua chính sách để chúng ta biết lý luận đó đi vào cuộc sống" - ông Nguyễn Xuân Thắng nói.

Từ khóa: Tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu tư tưởng hồ chí minh, Chủ tịch hồ chí minh, đề tài khoa học, Học viện chính trị quốc gia, Nguyễn Xuân Thắng

Thể loại: Nội chính

Tác giả: nguyễn thúy hằng/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập