Ngân hàng OCB nợ xấu tăng, chi phí dự phòng rủi ro tăng

Cập nhật: 22/08/2024

VOV.VN - Lợi nhuận giảm so với cùng kỳ, dự phòng rủi ro tăng, nợ xấu tăng là bức tranh tài chính của Ngân hàng TMCP Phương Đông.

Theo báo cáo tài chính quý 2 năm 2024 của Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) lãi thuần đạt gần 1.987 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 40% còn hơn 150 tỷ đồng; lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh giảm 69%, chỉ còn hơn 245 triệu đồng; và mua bán chứng khoán đầu tư lỗ gần 105 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của OCB cũng tăng gấp 3 lần, lên gần 419 tỷ đồng.

OCB báo lãi trước thuế hơn 898 tỷ đồng và sau thuế là gần 717 tỷ đồng trong quý 2 năm 2024, cùng giảm 43% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng năm 2024, OCB ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt hơn 3.887 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này là 2.113 tỷ đồng và sau thuế hơn 1.670 tỷ đồng, giảm 17% và 18% so với cùng kỳ năm trước. So với mục tiêu OCB đặt ra lợi nhuận trước thuế cho năm 2024 là 6.885 tỷ đồng, thời điểm này mới chị hoàn thành 31%.

Tính đến 30/6, tổng tài sản của OCB đạt hơn 238.883 tỷ đồng, giảm hơn 1.231 tỷ đồng. Tổng nợ xấu của ngân hàng OCB lại tăng 22%, lên hơn 4.767,2 tỷ đồng, với tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,65% (ngày 31/12/2023) lên đến 3,12% (ngày 30/6/2024).

Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nhóm nợ 5) của OCB chiếm gần 50% tổng số nợ xấu, tính đến ngày 30/6 là 2.314 tỷ đồng, tăng 633,1 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Nợ nghi ngờ hơn 1.456,9 tỷ đồng, tăng 201,3 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn 996,3 giảm 29,1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong thuyết minh báo cáo tài chính của Ngân hàng OCB có “Các khoản nợ chờ xử ký đã có tài sản gán xiết nợ, gán nợ và nợ đọng có tài sản bảo đảm” là 1.316,2 tỷ đồng (tính đến ngày 30/6/2024) và 2.979,3 tỷ đồng (tính đến ngày 31/12/2023). Nếu trừ khoản nợ chờ xử này thì nợ xấu của OCB tính đến hết Quý 2 năm 2024 là 2,25% còn nợ xấu thời điểm đầu năm 0,62%.

Theo quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-NHNN và Công văn số 6561/NHNN-TTGSNH của Ngân hàng Nhà nước thì các tổ chức tín dụng cần duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Vượt quá tỷ lệ này bị coi là không an toàn và là “lằn ranh đỏ” đối với kiểm soát chất lượng cho vay.

Từ khóa: OCB, OCB, Ngân hàng TMCP Phương Đông, nợ xấu, dự phòng rủi ro

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: pv/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập