Mỹ và Triều Tiên nhận định trái chiều về kết quả đàm phán ở Thụy Điển
Cập nhật: 07/10/2019
VOV.VN - Triều Tiên cho rằng đàm phán đã thất bại nhưng theo phía Mỹ thì cánh cửa đối thoại vẫn còn để ngỏ.
Cuộc đàm phán hạt nhân chính thức đầu tiên giữa Mỹ và Triều Tiên kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tại Hà Nội hồi đầu năm nay đã diễn ra hôm qua (5/10) tại thành phố Stockholm, Thụy Điển. Dù có những nhận định trái chiều về kết quả cuộc gặp, song cả Mỹ và Triều Tiên đều khẳng định sẽ tiếp tục đàm phán.
Đặc phái viên Mỹ Stephen Bieguen. Ảnh: Wall Street Journal. |
Phát biểu với báo chí sau cuộc gặp với Đặc phái viên Mỹ Stephen Bieguen, Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Kim Myong Gil tuyên bố, cuộc đàm phán lần này đã không đáp ứng được mong đợi của Bình Nhưỡng. Mỹ đã tạo ra kỳ vọng, song cũng chính Mỹ lại gây thất vọng khi không mang đến bàn đàm phán bất kỳ điều gì.
Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiêm Kim Myong Gil nói: “Thất bại của đàm phán, với việc không đạt được bất kỳ bước tiến nào hoàn toàn là do việc Mỹ không chịu từ bỏ lập trường và quan điểm cũ.Họ đã tạo ra kỳ vọng khi gợi ý những đề xuất về một cách tiếp cận mới linh hoạt hơn và các giải pháp sáng tạo hơn, song thực tế họ đã làm chúng tôi thất vọng rất nhiều và làm giảm nhiệt tình đàm phán của chúng tôi khi không mang đến bàn đàm phán bất kỳ điều gì”.
Trái ngược với “sự không hài lòng” của Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày tuyên bố nước này đã có “các cuộc thảo luận tốt đẹp” với Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho rằng những bình luận sớm từ phái đoàn Triều Tiên không phản ánh nội dung hoặc tinh thần của cuộc thảo luận kéo dài 8 tiếng rưỡi vừa qua. Mỹ đã đưa ra những ý tưởng sáng tạo và có những cuộc thảo luận tốt với các đối tác Triều Tiên.
Tuy nhiên, cả Mỹ và Triều Tiên đều không đóng sập cánh cửa đàm phán. Trong khi bà Ortagus cho biết Mỹ sẽ tiếp tục đàm phán với Triều Tiên trong 2 tuần nữa, thì đại diện phía Triều Tiên Kim Myong Gil cũng tuyên bố có thể tham gia thảo luận về “giai đoạn tiếp theo” của các biện pháp phi hạt nhân hóa, nếu Mỹ hồi đáp một cách “chân thành” những biện pháp mà nước này đã chủ động thực hiện.
Đây là cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa hai nước kể từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 2 vừa qua không đạt được thỏa thuận do bất đồng giữa hai bên về yêu cầu của Mỹ muốn một lộ trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng, với các yêu cầu của Bình Nhưỡng liên quan tới dỡ bỏ trừng phạt và bảo đảm an ninh.
Thực tế là việc cuộc gặp có thể diễn ra cũng đã là vượt quá kỳ vọng của dư luận. Bởi hôm 3/10, tức là chỉ 2 ngày trước đàm phán, Triều Tiên đã tiến hành vụ phóng thử tên lửa đạn đạo từ tầu ngầm đầu tiên kể từ năm 2016, với tầm bắn có thể vượt quá 1.000km, sau một loạt vụ phóng tên lửa tầm ngắn thời gian qua. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ tiến hành họp kín vào đầu tuần tới theo yêu cầu của Pháp, Anh và Đức nhằm thảo luận về vụ phóng tên lửa mới nhất này của Triều Tiên./.
Từ khóa: Đàm phán Mỹ-Triều Tiên, đàm phán hạt nhân, thử tên lửa, đàm phán cấp chuyên viên
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN