Mỹ tăng cường hiện diện ở vùng Vịnh: Không chỉ vì dầu mỏ?
Cập nhật: 25/09/2019
Người đẹp Malaysia đăng quang Miss Charm 2024, Việt Nam đạt Á hậu 2
Gia đình bé Pam được vinh danh tại Lễ trao giải Quảng cáo Sáng tạo Việt Nam
VOV.VN - Mỹ không còn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ như trước, Trump cũng tuyên bố sẽ rời Trung Đông nhưng vì sao tới nay Mỹ vẫn tăng cường hiện diện ở vùng Vịnh?
Vụ tấn công vào cuối tuần trước vào các cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia - sự việc mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo miêu tả là "một hành động chiến tranh" đã khiến các quan chức Mỹ và Saudi Arabia "đau đầu" tính toán các biện pháp đáp trả.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, sự việc lần này cũng đặt ra một câu hỏi rằng: Liệu Mỹ có phải tiếp tục duy trì sự hiện diện ở đây nhằm bảo vệ các dòng chảy dầu mỏ ở vịnh Ba Tư nữa hay không khi mà Tổng thống Trump nhiều lần khẳng định rằng Washington gần như đã độc lập về nguồn năng lượng?
Sứ mệnh 4 thập kỷ bảo vệ vùng Vịnh
Vụ tấn công vào 2 cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia mà cả Washington và Riyadh đều đổ lỗi cho Tehran đã khiến căng thẳng giữa Mỹ và Iran ngày càng leo thang. Giữa lúc Mỹ đang cân nhắc các biện pháp đáp trả Iran, sự việc trên đã xảy ra trong bối cảnh ngày càng nhiều nghi vấn được đặt ra về cam kết hàng thập kỷ của Mỹ tại khu vực này, rằng Washington sẽ làm mọi thứ để đảm bảo dòng chảy dầu mỏ tự do trên Vịnh Ba Tư.
Cam kết đó được đưa ra từ Thế chiến II, khi Tổng thống Mỹ Franklin D.Roosevelt khẳng định việc bảo vệ Saudi Arabia và nguồn cung dầu mỏ dồi dào của vương quốc này là một cách để bảo vệ nước Mỹ. Tổng thống Harry S.Truman cũng tái khẳng định lời hứa trên một vài năm sau đó. Tuy nhiên, Mỹ thực sự "dấn thân" vào sứ mệnh bảo vệ nguồn cung năng lượng ở vùng Vịnh là vào năm 1980, khi Tổng thống Jimmy Carter đưa ra học thuyết của mình, tuyên bố rằng Mỹ sẽ bảo vệ khu vực Vịnh Ba Tư và nguồn dự trữ dầu khổng lồ ở đây khỏi sự can thiệp từ bên ngoài với các hành động quân sự sẽ được sử dụng trong trường hợp cần thiết.
Vào thời điểm đó, cam kết này thực sự có ý nghĩa với nước Mỹ. Chỉ riêng Mỹ đã nhập khẩu khoảng 2 triệu thùng dầu/ngày của Vịnh Ba Tư vào năm 1980 và các đồng minh của Washington như EU hay Nhật Bản thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn vào dòng chảy dầu thô từ Saudi Arabia, Iraq và những nước khác ở vùng Vịnh.
Một thập kỷ sau, vùng Vịnh vẫn có vai trò quan trọng với Mỹ khi mà nửa triệu quân Mỹ được cử tới đây để bảo vệ Saudi Arabia. Thậm chí, một thập kỷ sau nữa, khi cuộc khủng bố 11/9 xảy ra khiến Mỹ sa lầy vào những cuộc chiến ở Trung Đông, quốc gia này thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn vào dầu mỏ Vịnh Ba Tư.
Vì sao Mỹ vẫn tăng cường hiện diện ở vùng Vịnh?
Ngày nay, bức tranh đã thay đổi đáng kể sau 1 thập kỷ Mỹ tăng cường sản xuất dầu trong nước. Hiện Mỹ nhập khẩu chỉ chưa tới 1 triệu thùng dầu/ngày từ khu vực này, chưa bằng một nửa so với lượng dầu mà Mỹ từng nhập khẩu khi Tổng thống Carter tuyên bố sẽ bảo vệ các dòng chảy dầu mỏ vùng Vịnh. Châu Âu, hiện cũng giảm sự phụ thuộc vào dầu thô Vịnh Ba Tư. Hiện nay, cứ 4 thùng dầu rời Eo biển Hormuz thì 3 thùng trong số đó là tới châu Á, chủ yếu là tới Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
"Học thuyết Carter thuộc về những năm 1970 khi Mỹ phụ thuộc lớn vào dầu mỏ Trung Đông. Câu hỏi đặt ra là liệu học thuyết này có còn áp dụng được nữa hay không?", Vali Nasr - một học giả Trung Đông tại Trường Johns Hopkins chuyên nghiên cứu về các vấn đề quốc tế nhận định.
Tổng thống Trump dường như không nghĩ vậy. Khác với hầu hết các Tổng thống Mỹ, ông Trump chưa bao giờ cho rằng Mỹ phải bảo vệ phần còn lại của nguồn cung dầu mỏ thế giới.
"Tại sao chúng ta phải bảo vệ các quốc gia trong nhiều năm nay mà không được đền đáp bất kỳ điều gì. Chúng ta thậm chí không cần ở đây để làm việc đó và Mỹ đã trở thành nhà sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới", Tổng thống Trump viết trên Twitter.
Tổng thống Trump dường như không mấy thay đổi quan điểm này, thậm chí cả sau khi những cuộc tấn công ở 2 cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia xảy ra, khiến Saudi Arabia và phần còn lại của khu vực này nhận định rằng Mỹ không còn mặn mà với Trung Đông như trước đây nữa. Mặc dù vậy, quan điểm của Tổng thống Trump khi phản đối việc chỉ Mỹ chịu trách nhiệm bảo vệ nguồn cung năng lượng toàn cầu, trên thực tế lại rất gần với ý tưởng ban đầu của Tổng thống Carter, rằng việc bảo vệ dòng chảy dầu mỏ Vịnh Ba Tư nên là một nỗ lực đa phương, liên quan đến mọi quốc gia phụ thuộc vào dầu mỏ ở khu vực này.
Mặc dù không còn phụ thuộc vào dầu mỏ ở Vùng Vịnh như trước đây song Mỹ vẫn đang và sẽ tiếp tục duy trì ảnh hưởng tại khu vực này. Thứ nhất, việc đảm bảo dầu mỏ Vịnh Ba Tư đến thị trường có thể giữ giá dầu ổn định và giúp ích cho nền kinh tế toàn cầu. Thứ hai, sự hiện diện lâu dài của Mỹ tại khu vực này, theo các chuyên gia có thể cho Mỹ những lợi ích nhất định.
"Trách nhiệm này phải trả giá nhưng cũng đem đến lợi ích trong việc định hình khu vực này theo những cách có lợi cho Mỹ", ông Scott Savitz tại Rand Corp nhận định.
"Nếu chúng ta rời khỏi khu vực này, tình hình sẽ rất phức tạp. Có vô số nhân tố đang muốn tìm kiếm những vai trò lớn hơn trong khu vực này. Nga sẽ làm gì? Liệu Trung Quốc có được những cơ hội lớn hơn hay những rủi ro khi khẳng định vai trò trong khu vực?", ông Savitz cho biết.
Một phần của lý do nữa là Mỹ vẫn tiến hành các hoạt động ở khu vực này mà hầu như có rất ít hải quân của các quốc gia khác có thể thực hiện. Hải quân EU, thậm chí cả hải quân của Anh và Pháp đều không có đủ tàu thuyền để thực hiện các hoạt động hộ tống tàu thuyền ở đây. Ấn Độ dường như quan tâm đến phía đông nhiều hơn là hướng về Vịnh Ba Tư. Nhật Bản cũng hiện đại hóa hải quân song hầu như vẫn còn những hạn chế để sử dụng quân đội xa lãnh thổ của mình.
Những điều đó khiến lực lượng hải quân Trung Quốc đang ngày càng tăng cường sức mạnh để trở thành một trong những nhân tố thay thế Mỹ tiềm năng nhất hiện nay ở Vịnh Ba Tư.
Chiến lược đối phó với Trung Quốc
Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, nguồn tiêu thụ dầu Vịnh Ba Tư lớn nhất châu Á nhập khoảng 40% lượng dầu thô từ khu vực này.
Trong hơn 1 thập kỷ qua, Trung Quốc tăng cường khả năng quân sự ngoài lãnh thổ, đặc biệt ở Vịnh Ba Tư. Trong hơn 10 năm đó, các tàu thuyền Trung Quốc đã tham gia nhiều cuộc tuần tra chống cướp biển ở bờ biển Somalia. Trung Quốc cũng xây dựng các chuỗi cảng trên danh nghĩa là cảng dân sự ở Ấn Độ Dương nhưng thực chất về lâu dài là để hải quân nước này có thể cập cảng lâu hơn. Ngoài ra, căn cứ quân sự của Bắc Kinh ở Djibouti cũng giúp nước này củng cố khả năng quân sự của mình.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng mặc dù Trung Quốc có khả năng hoặc có động cơ chính trị để duy trì sự hiện diện ở Trung Đông song Bắc Kinh vẫn rất thận trọng với sự can dự vào khu vực này.
Trong khi đó, chuyên gia Nasr cho rằng mặc dù Trung Quốc không hứng thú can dự vào Trung Đông nhưng do nhu cầu về dầu mỏ, Bắc Kinh vẫn đầu tư vào cả Saudi Arabia và Iran, cũng như tăng cường ảnh hưởng địa chính trị trong khu vực.
Đó là lý do tại sao kể cả khi Mỹ ít phụ thuộc vào vào dầu mỏ ở Vịnh Ba Tư nhưng nhiều chuyên gia về an ninh vẫn cho rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ vẫn là điều quan trọng. Thay vì chỉ bảo vệ dòng chảy dầu mỏ cũng như giữ ổn định nền kinh tế toàn cầu, Mỹ còn có thể biến nhiệm vụ này thành một phần của chiến lược kiềm chế Trung Quốc.
"Trung Quốc có lẽ đang tìm cách củng cố lực lượng trong toàn bộ khu vực này nên duy trì sự hiện diện của Mỹ tại đây chính là một cách để giám sát các hoạt động của Bắc Kinh", Steven Wills, một cựu quan chức hải quân và chuyên gia tại think tank CNA nhận định.
Ông Wills cũng cho biết thêm: "Vì thế, về mặt chiến lược, ít nhất điều này đáng để cân nhắc, nó không chỉ liên quan đến dòng chảy dầu mỏ mà còn vì những mục tiêu chiến lược của Mỹ".
Tuy nhiên, giữa bối cảnh Mỹ đang tìm cách thoát khỏi Trung Đông và tập trung hơn đối phó với những đối thủ ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, việc bố trí lực lượng thực hiện các nhiệm vụ quân sự cho hợp lý không phải là điều đơn giản.
"Một con tàu ở vùng Vịnh tức là nó sẽ không ở Tây Thái Bình Dương. Đây chính là bài toán về cân bằng lực lượng của Hải quân Mỹ", chuyên gia Wills khẳng định thêm./.
Từ khóa: Mỹ hiện diện ở vùng Vịnh, khủng hoảng dầu mỏ, đối phó với Trung Quốc, vụ tấn công ở Saudi Arabia, vũng lầy Trung Đông
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN