Mua nợ xấu Khách sạn Hoàng Cung – Quyền chủ nợ bị gây khó dễ

Cập nhật: 22/09/2020

VOV.VN - Nghị quyết 42 ra đời là pháp luật hóa chính sách huy động tiền nhàn rỗi trong nhân dân tham gia giải quyết nợ xấu, bảo vệ hệ thống ngân hàng.Việc các tổ chức, cá nhân tham gia xử lý nợ xấu được Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện.

Theo số liệu báo cáo, tại thời điểm tháng 5/2015, tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ là 17,21%, gấp nhiều lần tỉ lệ cho phép là dưới 3% và được coi là “cục máu đông”, kìm hãn nền kinh tế phát triển. Do đó, để kinh tế phát triển thì cần phải đánh tan, làm biến mất “cục máu đông” này. Chính vì thế, Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được ban hành và chính thức có hiệu lực với mục đích để đánh tan cục máu đông” nợ xấu trong nền kinh tế, thu hút các nguồn lực trong xã hội vào tái cấu trúc lại nền kinh tế và tỉ lệ nợ xấu.

Kỳ vọng đánh tan “cục máu đông”...

Nghị quyết 42 banh hành đã tháo gỡ nhiều vướng mắc trong xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD). Đó là khẳng định quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng và Công ty mua bán tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC); cho phép mua bán nợ xấu và tài sản đảm bảo theo giá thị trường; cho phép Tòa án áp dụng thủ tục để giải quyết tranh chấp liên quan đến và tài sản đảm bảo; Mở rộng đối tượng mua bán nợ xấu…

Trước khi VAMC cũng như các tổ chức tín dụng rốt ráo triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu theo tinh thần của Nghị quyết 42, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng từng đưa ra nhận định, nếu Nghị quyết được triển khai tốt trong thực tiễn sẽ tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, khả thi để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Nhiều điểm tích cực của Nghị quyết đã được lãnh đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) và chuyên gia kinh tế nhìn nhận.

Còn theo Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC Nguyễn Tiến Đông, bên cạnh quy định về mua bán nợ xấu, một trong những quy định được coi là ý nghĩa nhất đối với VAMC cũng như các tổ chức tín dụng là khẳng định quyền của chủ nợ và việc xử lý tài sản bảo đảm.

Cùng với đó, các văn bản hướng dẫn thực hiện của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao… được ban hành đã giúp Nghị quyết đi vào thực tiễn. Tiêu biểu là Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 của Thống đốc NHNN; Văn bản số 3022/TCTHADS-NV1 ngày 15/8/2017 của Tổng cục Thi hành án dân sự hướng dẫn một số nội dung liên quan đến triển khai Nghị quyết 42; văn bản số 609/NHNN -TTGSNH ngày 24/1/2018 của NHNN về việc tăng cường xử lý nợ xấu, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Nghị quyết 42; Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu tại TAND…

Với những văn bản này, hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu của Việt Nam đã có bước tiến lớn so với trước đây và đã tương đối hoàn thiện, tiến gần hơn với các quy định chung thường thấy tại các quốc gia có hệ thống pháp lý phát triển trên thế giới; phần nào đã thể hiện được nỗ lực vào cuộc của các cấp, ngành và địa phương. Đặc biệt, nhận thức, thiện chí của bên vay trong việc giải quyết nợ xấu đã được tăng lên, góp phần đáng kể vào kết quả xử lý nợ xấu.

Mua nợ xấu, quyền chủ nợ bị gây khó dễ

Những kết quả xử lý nợ xấu thời gian qua là rất tích cực, nhưng vẫn còn một số vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ để Nghị quyết 42 phát huy hiệu quả cao hơn.

Cụ thể là nhiều tổ chức, cá nhân đã tham gia đấu giá thành công các món nợ xấu, để kế thừa các quyền lợi và nghĩa vụ của các ngân hàng đối với “con nợ”. Tuy nhiên, sau khi giao dịch mua bán thành công, đã có những vụ bên mua nợ không được bên nợ giao lại quyền kiểm soát tài sản đảm bảo, dẫn đến phải đưa nhau ra tòa.

Gần đây nhất là bà Nguyễn Thị Định (thường trú ở Tổ 25, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) nguyên đơn đã có đơn khởi kiện ra TAND TP Huế yêu cầu bảo vệ quyền chủ nợ trong vụ kiện Công ty CP Khách sạn Hoàng Cung (gọi tắt là Công ty Hoàng Cung) tại số 8 Hùng Vương, TP Huế.

Cụ thể, theo hồ sơ VOV.VN có được, Công ty cổ phân Khách sạn Hoàng Cung là chủ đầu tư Dự án xây dựng khách sạn Hoàng Cung - Imperia Huế tại số 8 Hùng Vương, TP Huế.

Để thực hiện dự án, từ ngày 11/03/2003 đến ngày 23/12/2011, Công ty Hoàng Cung đã tiến hành vay nợ và được ba ngân hàng: Ngoại Thương Việt Nam(Vietcombank), Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) và Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (Agribank) chi nhánh tỉnh Thừa Thiên -Huế, đồng thuận tài trợ cho vay thông qua các hợp đồng tín dụng và các hợp đồng thế chấp tài sản đảm bảo khoản vay hơn 200 tỷ đồng.

Quá trình thực hiện, các ngân hàng đã giải ngân đầy đủ, đúng hạn. Nhưng nhiều năm sau đó, Công ty Hoàng Cung “chây ì” không trả nợ, khoản vay được xếp vào nợ xấu của ba ngân hàng.

Để xử lý món nợ xấu này, ba ngân hàng đồng thuận phương án tổ chức bán đấu giá để thu hồi tài sản, bà Nguyễn Thị Định tham gia và trúng đấu giá với số tiền mua lại khoản nợ trên.

Ngày 21/02/2018, bà Định và 3 ngân hàng nói trên đã ký Hợp đồng mua bán khoản nợ thông qua đấu giá công khai. Ngày 12/03/2018, bà Định thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng. Ngày 13/03/2018, các ngân hàng có thông báo chủ nợ mới là bà Nguyễn Thị Định đến Công ty Hoàng Cung; Đồng thời thông báo số tiền nợ gốc và lãi của Công ty Hoàng Cung tính đến thời điểm 31/12/2017 là 255.709.068.795 đồng và 6.660.762, 47 USD, tương đương 405.076.667.185 đồng.

Theo qui định của pháp luật, sau khi giao dịch mua bán xong bà Định được thế quyền chủ món nợ của 3 ngân hàng đối với món nợ hơn 400 tỷ đồng của Công ty Hoàng Cung.

Tuy nhiên, từ thời điểm nhận thông báo (13/03/2018) đến tháng 8/2019, Công ty Hoàng Cung lại thể hiện không hợp tác trong việc trả nợ, né tránh, cản trở việc thẩm định tài sản của chủ nợ mới là bà Nguyễn Thị Định.

Bà Định sau nhiều lần trực tiếp đàm phán với “con nợ” Hoàng Cung nhưng vẫn chưa thể “chốt” được thời điểm để kiểm kê tài sản đảm bảo cho khoản vay (Khách sạn Imperial (còn gọi Khách sạn Hoàng Cung) – số 8 đường Hùng Vương, TP. Huế), chứ chưa nói đến việc thu hồi khoản nợ này.

Phía “con nợ” nại ra nhiều lý do cản trở chủ nợ thực hiện quyền về tài sản đảm bảo của mình, như “việc kiểm tra kiểm soát tài sản thế chấp phải theo sự hướng dẫn của các tổ chức và cơ quan nhà nước”. Luật sư phía bà Định cho biết: “Đây là điều hết sức vô lý, có dấu hiệu con nợ chây ì trong việc bà Định thực hiện các quyền kiểm tra, kiểm soát tài sản đảm bảo được quy định rất rõ trong hợp đồng thế chấp tài sản với ngân hàng. Theo Điều 7 về quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp tại hợp đồng thế chấp tài sản, quy định: bên nhận thế chấp có quyền kiểm tra tài sản định kỳ hoặc đột xuất; bên nhận thế chấp có quyền áp dụng các biện pháp cần thiết, kể cả phải ngừng khai thác tài sản thế chấp”.

Trước đó, Công ty Hoàng Cung đã từng chây ì trả nợ đến mức khiến các ngân hàng phải tiến hành khởi kiện “con nợ”. Sau gần ba năm theo đuổi vụ kiện tại tòa án, việc thu hồi nợ lại xảy ra tình huống oái oăm khi nội bộ cổ đông Khách sạn Hoàng Cung lại kiện nhau về người đại diện và giao dịch cổ phần.

Vụ việc tiếp tục kéo dài thêm vài năm nữa khi tòa án yêu cầu chờ kết quả giải quyết tranh chấp nội bộ cổ đông. Điều đáng nói, trong thời gian này, việc trả nợ, trả lãi không được tiến hành, trong khi giới chủ vẫn kinh doanh khách sạn bình thường.

Bà Trần Châu Hạnh, Trưởng phòng Công nợ của Ngân hàng Ngoại thương phải thốt lên: “Khi ký hợp đồng vay thì hai bên tay bắt mặt mừng, nhưng đến kỳ trả nợ thì vô cùng khó khăn, thậm chí có cả nước mắt”.

Và sự bất ngờ từ phía...“con nợ”

Theo luật sư Nguyễn Đức Quang-Công ty Luật TNHH Key Việt Nam, Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng chính là một trong  những căn cứ pháp lý tạo niềm tin cho bà Định khi tham gia mua bán nợ xấu Hoàng Cung. Qua báo chí và tham vấn luật sư, bà tin, có Nghị quyết 42, việc bà mua món nợ xấu Hoàng Cung càng được pháp luật bảo vệ. Bởi, Nghị quyết 42 là pháp luật hóa chính sách huy động tiền nhàn rỗi trong dân tham gia giải quyết nợ xấu, bảo vệ hệ thống ngân hàng, bảo vệ quyền lợi của hàng triệu người dân gửi tiết kiệm, nên việc làm của bà sẽ được Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện.

Một điểm mới trong Nghị quyết 42 là cùng với qui định tại Thông tư 09/2015/TT-NHNN ngày 17/7/2015 của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán xử lý nợ xấu được bán nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu theo giá thị trường có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ cho pháp nhân, cá nhân bao gồm cả pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua bán nợ. Nghị quyết cũng qui định Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về  nghĩa vụ giao tài sản đảm bảo hoặc tranh chấp về quyền xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu.

Chính vì thế, khi “con nợ” Hoàng Cung tìm mọi lý do để gây khó dễ cho bà trong việc thực hiện quyền chủ nợ, bà Định đã làm đơn khởi kiện ra Tòa và tin quyền và lợi ích chính đáng của bà với tư cách chủ nợ sẽ được bảo vệ.

Ngày 19/9/2019, TAND TP Huế đã thụ lý giải quyết vụ án. Theo yêu cầu khởi kiện, số tiền Công ty Hoàng Cung phải trả cho bà Định cả gốc lẫn lãi  theo các Hợp đồng tín dụng tạm tính đến ngày 30/6/2019 là: 297.901.065.1496 đồng và hơn 7.160.319 USD, tương đương 463.304.434.046 đồng.

Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng sơ thẩm, Công ty Hoàng Cung bất ngờ có đơn phản tố. Theo nội dung phản tố, “con nợ” Hoàng Cung từ chỗ chây ì, cản trở việc nguyên đơn thực hiện quyền chủ nợ trước đây, thì nay công khai bác bỏ toàn bộ kết quả bán đấu giá món nợ, bác bỏ tư cách chủ nợ của bà Định. Lý do bác bỏ của bị đơn là vụ bán đấu giá món nợ xấu Hoàng Cung của 3 ngân hàng đã làm trái Nghị quyết 42 của Quốc hội!?

Theo Luật sư Nguyễn Đức Quang, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: “Đây là vụ kiện đầu tiên một cá nhân mua nợ xấu của ngân hàng phải khởi kiện ra Tòa để bảo vệ quyền chủ nợ của mình. Bởi vậy, vụ kiện càng có ý nghĩa về pháp lý và kinh tế trong bối cảnh chúng ta đang thực  hiện Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu”.

“Để tránh tình trạng chây ì trong vấn đề nợ xấu, các cơ quan chức năng cần tao điều kiện tối đa cho chủ nợ trong các vấn đề xử lý tài sản đảm bảo, để tránh tình trạng các con nợ biến nợ xấu thành nợ không thể đòi”, Luật sư Nguyễn Đức Quang kiến nghị./.

Từ khóa:

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập