Một số nơi đang hiểu không đúng về khái niệm “vùng có dịch bệnh”
Cập nhật: 07/02/2021
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
VOV.VN - Trong trường hợp lạm dụng các biện pháp phòng dịch không đúng quy định pháp luật, ảnh hưởng đến việc đi lại, cư trú, làm việc của công dân thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế xã hội.
Dịch Covid-19 đã xuất hiện ở 12 tỉnh, thành phố. Nhiều tỉnh, thành phố khác cũng đã yêu cầu người trở về từ các vùng dịch phải cách ly tập trung 14-21 ngày hoặc cách ly tại nhà. Hiện đang có những cách hiểu khác nhau về việc người dân ở những địa phương có ca mắc Covid-19 về quê đón Tết phải cách ly, khai báo y tế...
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính pháp cho biết, pháp luật quy định chỉ có người cư trú tại “vùng có dịch bệnh” hoặc đi qua vùng có dịch đã được cơ quan có thẩm quyền công bố thì mới bắt buộc phải cách ly y tế. Còn những người sinh sống ở địa phương có vùng dịch nhưng vùng có dịch đó không bao trùm toàn bộ địa phương đó, nơi sinh sống không thuộc vùng có dịch thì không bắt buộc phải cách ly y tế.
“Có thể nói rằng, đối với các bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm cho người (từ người sang người) thì việc “cách ly y tế” là biện pháp phòng dịch đầu tiên và hữu hiệu nhất để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Với bệnh truyền nhiễm covid-19 thì việc cách ly y tế đã được nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam thực hiện ngay từ khi dịch mới bùng phát và sẽ phải tiếp tục duy trì biện pháp này cho đến khi nào khống chế hoàn toàn được loại dịch bệnh này”- luật sư Cường nói.
Theo luật sư Cường, đây là biện pháp được tất cả các nước có dịch áp dụng chứ không gì riêng gì Việt Nam. Tuy nhiên, áp dụng biện pháp cách ly y tế phải trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật, việc cách ly phải căn cứ vào quy định của pháp luật để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về kinh tế, xã hội, phiền hà cho người dân và đảm bảo hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Ở Việt Nam hiện nay, hoạt động phòng chống dịch được thực hiện trên cơ sở Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Nghị định 101/2010/NĐ-CP, của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật phòng chống bệnh truyền nhiễm về cách ly y tế, cách cưỡng chế cách ly y tế... Nghị định số 103/2010/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành khác có liên quan”.
“Để thực hiện hoạt động cách ly y tế thì phải căn cứ vào các trường hợp bắt buộc phải cách ly y tế theo quy định của luật phòng chống bệnh truyền nhiễm và nghị định hướng dẫn thi hành. Đối với những người di chuyển từ vùng có dịch đã được cơ quan có thẩm quyền công bố sang khu vực khác bắt buộc phải cách ly. Tuy nhiên một số nơi đang hiểu không đúng về khái niệm “vùng có dịch bệnh” và khái niệm “địa phương có dịch bệnh” nên có thể sẽ đưa ra những quyết định không đúng đắn”- Luật sư Cường thông tin thêm.
Như vậy, với những văn bản pháp luật nêu trên thì có thể hiểu rằng “vùng có dịch” là vùng có người mắc bệnh dịch covid-19 và đã được công bố là khu vực nguy hiểm, cần phải thực hiện các biện pháp phòng dịch như; Phong tỏa, cách ly, phun khử trùng, khử khuẩn... Những người đi qua vùng này, sinh sống ở vùng này mà di chuyển đến nơi khác (trước khi có lệnh phong toả) thì bắt buộc phải cách ly y tế tập trung hoặc cách ly tại nhà.
Việc “công bố dịch” thuộc nhóm A như covid-19 này sẽ được thực hiện ở từng cấp hành chính như cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh theo thẩm quyền pháp luật quy định.
Bởi vậy nếu địa phương nào hiểu sai tinh thần của văn bản pháp luật thì cần phải xem xét lại. Ví dụ: khi mà Cơ quan có thẩm quyền chưa công bố toàn tỉnh Hải Dương có dịch, chưa thực hiện các biện pháp phong tỏa toàn tỉnh thì chỉ có những người ở các xã, quận, huyện đã được công bố có dịch, đã thực hiện các biện pháp phong tỏa, cách ly (như thành phố Chí Linh hoặc một số phường, tổ dân phố thuộc tỉnh Hải Dương..) thì mới được xác định là vùng dịch và những người ở những vùng dịch đi đến nơi khác mới phải áp dụng các biện pháp khai báo y tế, cách ly y tế theo quy định.
Còn những khu vực (xã, huyện..) mà chưa được cơ quan có thẩm quyền theo Điều 38 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm công bố là có dịch, chưa áp dụng các biện pháp chống dịch là cách ly y tế thì người dân vẫn được đi lại, tiếp xúc nhưng phải khai báo y tế khi cơ quan nhà nước có yêu cầu. Bởi vậy, hiện nay các địa phương có những thông báo và các mức độ chống dịch khác nhau tuy nhiên phải phù hợp với quy định của pháp luật.
Việc yêu cầu những người dân từ Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh hoặc một số địa phương khác đến địa phương mình phải cách ly y tế tập trung hoặc cách ly y tế tại nhà là thiếu cơ sở pháp lý, vi phạm quyền tự do đi lại của công dân, ảnh hưởng đến đời sống của công dân và không đạt được hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh. Việc đưa ra các biện pháp phòng chống dịch bệnh phải trên cơ sở Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, các Nghị định của Chính phủ, các Quyết định, Thông tư, Chỉ thị của Bộ y tế và các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Việc công bố dịch bệnh được thực hiện theo quy định của pháp luật. Việc áp dụng các biện pháp để phòng và chống dịch cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép mà chính phủ đã đưa ra là phòng chống dịch bệnh hiệu quả và phát triển kinh tế xã hội.
Trong trường hợp lạm dụng các biện pháp phòng dịch không đúng quy định pháp luật, ảnh hưởng đến việc đi lại, cư trú, làm việc của công dân thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế xã hội. Bởi vậy, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và các cơ quan chức năng cần kiểm tra rà soát những quy định ở các địa phương để thống nhất áp dụng trên cơ sở pháp luật, đảm bảo phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả và hạn chế thấp nhất những thiệt hại, phiền hà có thể xảy ra đối với người dân./.
Từ khóa: cách ly y tế, phòng chống dịch covid-19, cách ly ở địa phương
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN