Mìn Hammerhead - Vũ khí không thể xem thường trong chiến tranh trên biển
Cập nhật: 28/10/2020
VOV.VN - Theo Chương trình mìn Hammerhead, Hải quân Mỹ đang tìm kiếm các nhà thầu chế tạo một loại mìn có thể được tàu ngầm robot bí mật cài đặt dưới đáy biển để phục kích chờ tấn công tàu ngầm đối phương.
Mìn Hải quân Mỹ
Về bản chất, mìn biển (hay mìn nước, mìn thủy, mìn hải quân) là các thiết bị nổ được cài đặt trong nước để sát thương hay phá hủy tàu mặt nước, tàu ngầm. Với chi phí thấp, mìn được sử dụng làm vũ khí tấn công hoặc phòng thủ, phong tỏa sông, hồ, cửa sông, cửa biển, các tuyến vận chuyển đường thủy quan trọng, hay cản trở các hoạt động của đối phương, đồng thời, cũng có thể làm công cụ chiến tranh tâm lý. Trong tác chiến, các bãi mìn phòng thủ bảo vệ bờ biển có thể khiến tàu mặt nước và tàu ngầm của đối phương tránh xa các khu vực nhạy cảm, dạt về các khu vực dễ phòng ngự và có hỏa lực dày đặc hơn để tiêu diệt.
Những sát thủ thầm lặng này có thể được kích hoạt bằng nhiều nguyên lý khác nhau; việc vô hiệu hóa chúng rất khó và tốn nhiều thời gian. Ước tính, chi phí sản xuất và đặt mìn tương đương từ 0,5-10% chi phí để rà phá và có thể mất tới 200 lần thời gian để dọn sạch một bãi mìn. Mìn biển đã được Hải quân Mỹ sử dụng hiệu quả từ Chiến tranh Cách mạng, Nội chiến và cả hai Thế chiến. Trong Thế chiến II, máy bay Mỹ đã ném hơn 12.000 quả mìn xuống các tuyến đường vận tải và đường vào bến cảng, đánh chìm 650 tàu, phá vỡ hoàn toàn việc vận chuyển hàng hải của Nhật Bản.
Trong chiến dịch Starvation năm 1945, và cuối Thế chiến II, mìn đã đánh chìm nhiều tàu Nhật Bản hơn các tàu ngầm của Mỹ.
Trong Chiến tranh Lạnh, Hải quân Mỹ đã có được một lượng lớn mìn Mark 60 CAPTOR (enCAPsulated TORpedo), dựa trên ngư lôi Mark 46 cũ. Được sản xuất vào những năm 1970-1980, CAPTORS được thả từ trên không để tạo các bãi mìn dưới nước nhằm ngăn chặn tàu ngầm Liên Xô tiếp cận tuyến Greenland-Iceland-Anh. CAPTOR ngừng hoạt động vào năm 2001 khi không còn nhu cầu. Trong biên chế của Hải quân Mỹ hiện có 2 loại mìn thủy là Quickstrike (Marks 62, 63 và 65) và mìn di động phóng từ tàu ngầm (Submarine Launched Mobile Mine - SLMM) Mark 67.
Quickstrike là dòng mìn nước nông, do máy bay rải để chống tàu mặt nước và tàu dưới mặt nước. Phiên bản Quickstrike Mark 62 được chuyển đổi từ bom thường loại 500 pound; Mark 63 - từ bom loại 1.000 pound; Mark 65 là mìn 2.000 pound có vỏ mỏng. SLMM là mìn nước nông, về thực chất là ngư lôi được cải biên gắn thiết bị phát hiện mục tiêu (Target Detecting Device - TDD). Tất cả các mìn Quickstrike MK 63/64/65 đều sử dụng TDD MK57; dòng mìn đáy của Quick Strike (QS) được cải tiến bằng cách tích hợp TDD MK71.
Các hướng phát triển mới
Gần đây, Hải quân Mỹ đã phát triển một số mìn mới, được thiết kế để rải bằng tàu ngầm nhằm loại trừ hoặc hạn chế việc lưu thông tàu nổi và tàu ngầm tại các khu vực mà các phương tiện rải mìn khác không thể tiếp cận hoặc bị đối phương khống chế. Mìn lượn (hay mìn bay) mới của Hải quân Mỹ là sự kết hợp các hệ thống vũ khí khác nhau vào một nền tảng mìn, có khả năng bay. Ý đồ đằng sau các hệ thống mìn là giúp các tàu của Hải quân có thêm khoảng cách, đồng thời có khả năng tạo ra các “vùng cấm” gần các khu vực mà tàu Mỹ đang hoạt động, làm phức tạp khả năng di chuyển theo ý muốn của các hạm đội ngày càng phát triển của Hải quân Trung Quốc và Nga.
Mìn Quickstrike sử dụng bộ đuôi của Vũ khí Tấn công Trực tiếp (Liên quân) - Tăng tầm (Joint Direct Attack Munition - Extended Range - JDAM-ER), và một bộ cánh xòe, cho phép các lực lượng Mỹ tạo ra các bãi mìn từ xa hiệu quả hơn và nhanh hơn. Vũ khí mới có ký hiệu là GBU-62B (V-1)/B Quickstrike-ER có tầm bay 40 hải lý khi được phóng từ độ cao 35.000 feet. Khi căng thẳng gia tăng, các điểm nóng như Biển Đông hoặc Vịnh Ba Tư có thể là nơi tiềm năng để Mỹ tạo các bãi mìn.
Phòng thí nghiệm mìn và rải mìn của Hải quân Mỹ coi các loại mìn thông minh thế hệ tiếp theo là những yếu tố quan trọng trong chiến tranh trên biển, do mìn có thể được thả bằng phương tiện không người lái độc lập cũng như máy bay có người lái, tàu mặt nước và tàu ngầm; được điều khiển từ xa thông qua liên lạc an toàn không dây; và phân biệt được một loạt mục tiêu mở rộng - ví dụ, tàu điện diesel yên tĩnh, tàu ngầm nhỏ, tàu tuần tra tốc độ cao, tàu đệm khí…
Chương trình mìn Hammerhead
Đặc biệt, hướng tới một kiểu chiến tranh mới với Chương trình mìn Hammerhead (Hammerhead Program), ngày 2/3/2020, Bộ Tư lệnh Hệ thống Biển Hải quân (Naval Sea Systems Command - NAVSEA) thông báo tìm nhà sản xuất mìn Hammerhead (vốn được bắt đầu nghiên cứu từ 2018) dùng cho độ sâu từ trung bình đến sâu, được đặt bí mật dưới đáy biển bằng tàu ngầm robot, có khả năng phát hiện, phân loại và tiêu diệt các tàu ngầm, mà theo báo chí Mỹ, để phục vụ chiến lược của Mỹ ở Biển Đông, các khu vực của Thái Bình Dương, Bắc Đại Tây Dương…, sẽ trao hợp đồng thiết kế và thử nghiệm cho tối đa 30 nguyên mẫu vào năm tài chính 2021 và các nguyên mẫu sẽ được chọn vào cuối năm tài chính 2023.
Hammerhead bao gồm một số mô-đun - mô-đun neo giữ (gắn chặt vào đáy biển); mô-đun năng lượng (cung cấp năng lượng); mô-đun cảm biến (là một thiết bị sonar để phát hiện các tàu ở gần); mô-đun chỉ huy, điều khiển, xử lý tín hiệu và quyết định (có tấn công mục tiêu cụ thể hay không); và một mô-đun liên lạc (dựa trên một modem âm, để liên lạc với các tàu ngầm gần đó, các cảm biến và có thể là các mìn Hammerhead khác, sẽ giúp kích hoạt hoặc hủy kích hoạt mìn sau khi nó đã được cài đặt); các phương tiện, thiết bị hỗ trợ và các container vận chuyển.
Vũ khí, về bản chất là một phiên bản sửa đổi của ngư lôi Mark 54 Lightweight, nặng 600 pound với tầm hoạt động ít nhất 6 dặm, được Hải quân Mỹ và các lực lượng khác sử dụng rộng rãi để chống tàu ngầm. Thiết kế mô-đun cho phép dễ dàng nâng cấp vũ khí, cảm biến hoặc hệ thống liên lạc và điều khiển.
Hammerhead khác với CAPTOR ở hai điểm quan trọng - khả năng điều khiển từ xa, có nghĩa là nó có thể được định vị hợp pháp trong các vùng biển quốc tế trong thời bình khi không kích hoạt cơ chế kích nổ (không bị cấm bởi các điều khoản của luật pháp quốc tế); và được cài đặt từ dưới nước chứ không thả từ trên không. Theo một nghiên cứu năm 1997 của Viện Phân tích Quốc phòng (Mỹ), những điều này sẽ giúp loại mìn tấn công có được sự linh hoạt trong việc kiểm soát chuyển động của tàu ngầm đối phương trong thời điểm căng thẳng và các bãi mìn có thể được đặt tại các điểm “độc đạo” chiến lược hoặc bên ngoài các căn cứ tàu ngầm mà không bị phát hiện.
Phương tiện rải mìn sẽ là các phương tiện dưới nước không người lái (Unmanned Underwater Vehicles - UUV), cụ thể là Orca Extra Large UUV, dự kiến sẽ được đưa vào trang bị vào năm 2022 và Snakehead Large Diameter UUV - vào năm 2023. Phương tiện không người lái dưới biển Squadron One (UUVRON-1) đã phát triển các chiến thuật và quy trình tác nghiệp ở tiểu bang Washington, với hai phương tiện thử nghiệm mô phỏng Snakeheads và người ta đang chuẩn bị bắt đầu sử dụng nguyên mẫu XLUUV. Orca XLUUV có trọng tải 8 tấn, có thể đặt hàng chục quả mìn trong một lần được phái đi làm nhiệm vụ.
Sau khi XLUUV giải phóng Hammerhead, mô-đun neo giữ mìn dưới đáy biển, nơi nó có thể đợi lệnh kích hoạt trong vài ngày, vài tuần hoặc thậm chí vài tháng. Khi mô-đun chỉ huy và điều khiển nhận được lệnh kích hoạt, mô-đun cảm biến sẽ lặng lẽ “lắng nghe” âm thanh của tàu ngầm đối phương đang đến gần, phân tích tiếng động nghi ngờ và so sánh với các tín hiệu đã biết của các loại tàu ngầm đối phương. Nếu xác nhận có tàu của đối phương, Hammerhead có thể phóng ngư lôi có lái dẫn Mk-54 để tiêu diệt mục tiêu và thông báo cho mô-đun điều khiển.
Cuối tuần trước, Hải quân Mỹ đã đưa ra bản thảo yêu cầu đề xuất cho các thiết kế cuối cùng (Proposal For Final - RFP), cùng một số chi tiết cụ thể của chương trình Hammerhead. Việc sản xuất Hammerhead đang được ưu tiên thông qua cả sáng kiến Mua sắm Cấp tốc của Hải quân (Navy Maritime Accelerated Acquisition initiative) và Chương trình Tạo mẫu Nhanh (Acquisition Rapid Prototyping Program). Mìn này cần được triển khai rộng rãi với số lượng lớn gấp vì nó là một phần quan trọng của Chiến lược Quốc phòng về cạnh tranh hải quân tay đôi, khi Hải quân Mỹ đang đối diện với các thách thức lớn.
Theo các chuyên gia quân sự, một nhiệm vụ quan trọng của Hammerhead có thể là ngăn chặn ngư lôi hạt nhân Poseidon chạy bằng năng lượng nguyên tử, dài 65 foot với đầu đạn 2 megaton của Nga, được thiết kế để tấn công các cảng và các mục tiêu ven biển trong chiến tranh hạt nhân. Poseidon nhiều khả năng sẽ được phóng từ tàu ngầm Hải quân Nga được sửa đổi đặc biệt và di chuyển dưới nước với tốc độ 56 hải lý/giờ nên rất khó bị đánh chặn. Một bức “tường” mìn Hammerhead đặt trên các tuyến đường vận chuyển Poseidon có khả năng đánh chặn vũ khí của ngày tận thế này trên đường di chuyển của nó.
Những bãi mìn Hammerhead dưới nước được các tàu ngầm không người lái đặt bí mật có thể thông qua tàu không người lái mặt nước kết nối với vệ tinh, cũng như các cảm biến bổ sung chuyên theo dõi tàu ngầm, đều có thể vận hành từ xa... Tương lai của chiến tranh mìn sẽ giống như chiến tranh bằng máy bay không người lái hiện nay - được thực hiện từ xa với các hệ thống không người lái, liên lạc vệ tinh và các cảm biến tinh vi. Người ta dễ dàng quên rằng trong Thế chiến II, mìn đánh chìm nhiều tàu hơn là pháo, ngư lôi hay bom, nhưng với sự ra đời của vũ khí Hammerhead, người ta có thể chờ đợi một kết cục tương tự trong một cuộc chiến hải quân đỉnh cao trong tương lai./.
Từ khóa: Mỹ phát triển mìn Hammerhead để sử dụng ở Biển Đông, Chương trình mìn Hammerhead, mìn Hải quân, mìn nước, mìn thủy, Quickstrike, ngư lôi Mark 54 Lightweight, phương tiện dưới nước không người lái
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN