"Mặt trận sao kê tiền ủng hộ để nhân dân giám sát là khách quan, đổi mới"
Cập nhật: 17/10/2024
Tổng Bí thư: Nghị quyết 57 - NQ/TW như Khoán 10 trong nông nghiệp
Thủ tướng và Phu nhân lên đường thăm Ba Lan, Czech, tham dự Hội nghị WEF
VOV.VN - Nhiều đại biểu dự Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X có chung khẳng định rằng "sao kê" để nhân dân cùng tham gia giám sát, thể hiện sự công khai, minh bạch, khách quan.
Sáng 17/10, tại lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ X của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, với chủ đề "Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển", Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, việc "sao kê" công khai tiền ủng hộ các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc bị thiệt hại do bão số 3 được nhân dân đánh giá cao.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Quỹ Cứu trợ Trung ương đã vận động được trên 2.000 tỷ đồng để ủng hộ các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc bị thiệt hại do bão số 3 (Yagi) gây ra.
"Lần đầu tiên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo việc "sao kê", công khai, minh bạch các nguồn ủng hộ và phân bổ kịp thời tới các địa phương, đã nhận được sự đồng tình, khen ngợi từ các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, nhân lên gấp bội tình dân tộc, nghĩa đồng bào và những tấm lòng thảo thơm, ấm áp", bà Hà cho biết.
Trao đổi với PV VOV.VN, các đại biểu về dự Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X có chung khẳng định rằng "sao kê" để nhân dân cùng tham gia giám sát.
Đại biểu Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ tịch MTTQVN tỉnh Thanh Hóa, cho biết việc công khai, minh bạch kết quả huy động, vận động hay các nguồn đóng góp đã được thực hiện từ trước và được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Việc Trung ương MTTQ Việt Nam công bố sao kê tiền ủng hộ thông qua tài khoản của các ngân hàng cũng là một hình thức công khai, minh bạch về huy động các nguồn lực của nhân dân.
"Tôi nghĩ đây là một trong những kênh để nhân dân và các tập thể, cá nhân và nhân dân có thể theo dõi, biết được sự tham gia đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong các phát động của MTTQ. Đồng thời, cũng thể hiện tính minh bạch trong việc huy động các nguồn lực trong xã hội.
Theo tôi, đây là một kênh rất tốt để nhân dân cũng có thể tham gia cùng với lại Mặt trận trong việc giám sát đóng góp từ các nguồn cho công tác cứu trợ của MTTQ Việt Nam", bà Phương nêu quan điểm.
Với đại biểu Trần Trọng Phúc, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam thành phố Thái Bình, việc công bố sao kê tiền từ thiện cũng là một trong những đổi mới, trong bối cảnh còn những sự việc khiến người dân băn khoăn.
"Việc MTTQ Việt Nam công bố sao kê đã bộc lộ hết sức khách quan. Như vậy, những vấn đề mà dư luận không rõ ràng từ trước đến nay đã được làm sáng tỏ, hoạt động ủng hộ được công khai, minh bạch. Người dân rất phấn khởi", ông Phúc nói.
Cũng theo các đại biểu, trong thời gian qua, thực hiện các quy định này Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức trong tổ chức các hoạt động giám sát, phản biện.
Các nội dung giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng bám sát với đời sống của nhân dân, xuất phát từ chính thực tế của nhân dân, các nhu cầu đang đặt ra ở cơ sở, những vấn đề mà cử tri và nhân dân đang quan tâm, bức xúc, lo lắng, tác động đến nhiều mặt đời sống để giám sát, phản biện. Xuất phát từ các chủ trương, đường lối, chính sách, các dự thảo tới đây sẽ được ban hành và tác động đến đời sống nhân dân để phản biện.
Vai trò, chức năng giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được quy định rất là rõ trong Hiến pháp, trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bộ Chính trị cũng đã ban hành các quy định về việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
MTTQ đã có nhiều đổi mới trong hình thức giám sát. Bên cạnh tổ chức các đoàn giám sát, là việc tiến hành giám sát bằng hình thức như giám sát bằng văn bản, giám sát thông qua vai trò giám sát của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng... Chính vì thế, các nội dung giám sát ngày càng đa dạng và phong phú hơn về chất lượng, các kiến nghị sau giám sát cũng được MTTQ quan tâm để theo dõi và thực hiện.
"Có thể nói, đây là thành công bước đầu của Mặt trận Tổ quốc trong việc phát huy vai trò cũng như đổi mới và nâng cao chất lượng giám sát, phản biện. Tôi hy vọng rằng nhiệm kỳ tới ở Mặt trận Tổ quốc sẽ tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của mình trong công tác giám sát, phản biện xã hội. Đây là một trong những nội dung khẳng định được vai trò của MTTQ", bà Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ tịch MTTQVN tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, về công tác thu thập, nắm tình hình nhân dân, báo cáo chính trị liệt kê: trên 20.000 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân đã được phản ánh tại các kỳ họp của Quốc hội; gần 86.000 hội nghị phản biện xã hội ở các cấp; trên 8,3 triệu lượt ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (chiếm 69% trong tổng số lượt ý kiến trong cả nước); hơn 200.000 cuộc giám sát.
"Đây là những con số biết nói, khẳng định vai trò, vị trí, những đóng góp quan trọng của hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp trong việc thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh", bà Hà nêu rõ.
Với nhiệm kỳ 2024-2029, MTTQ xác định tiếp tục tăng cường vai trò nòng cốt chính trị và sứ mệnh của Mặt trận, tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh của đại đoàn kết của dân tộc và tiếp tục thực hiện các chương trình hành động của nhiệm kỳ trước, đồng thời bổ sung một chương trình hành động.
Từ khóa: sao kê, sao kê, mặt trận công bố sao kê, mttq, đại hội mặt trận tổ quốc, ủng hộ bão số 3
Thể loại: Nội chính
Tác giả: trang lê/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN