Lo tụt hậu trước Nga và Trung Quốc, Mỹ “xốc lại” chương trình vũ khí siêu thanh

Cập nhật: 24/03/2021

VOV.VN - Mỹ đã đầu tư hàng tỷ USD vào việc nghiên cứu và phát triển các loại vũ khí siêu thanh có tốc độ cao, khả năng cơ động lớn để có thể đánh bại các hệ thống phòng không và hệ thống chống tên lửa hiện có.

Văn phòng thẩm định trách nhiệm chính phủ Mỹ (GAO) vừa hối thúc Bộ Quốc phòng Mỹ xem xét lại chương trình phát triển vũ khí siêu thanh hiện đại của cơ quan này, đồng thời cảnh báo rằng, nhiều nguy cơ mang tính hệ thống có thể cản trở việc nghiên cứu của Mỹ đối với các loại vũ khí có thể định hình các cuộc chiến trong tương lai.

Mỹ đã đầu tư hàng tỷ USD vào việc nghiên cứu và phát triển các loại vũ khí siêu thanh có tốc độ cao, khả năng cơ động lớn để có thể đánh bại các hệ thống phòng không và hệ thống chống tên lửa hiện có.

Báo cáo của GAO công bố ngày 22/3 cảnh báo rằng, cách tiếp cận hiện tại của Mỹ có nguy cơ “cản trở tiến trình phát triển vũ khí siêu thanh”, đồng thời hối thúc Lầu Năm Góc xem xét lại cách sắp xếp nhân sự và tổ chức các chương trình liên quan đến vấn đề này.  GAO cho rằng, vấn đề nói trên xuất phát từ tình trạng các công nghệ chưa hoàn thiện và lịch trình gấp gáp, sự thiếu rõ ràng chi phí và hạn chế về nguồn nhân lực. GAO cho biết, có khoảng 70 dự án vũ khí siêu thanh hoặc dự án liên quan, với kinh phí đầu tư khoảng 15 tỷ USD từ năm tài chính 2015 đến 2024.

Mỹ đang triển khai hai chương trình phát triển vũ khí siêu thanh phòng thủ và nghiên cứu các ứng dụng của vũ khí này để chống lại các cuộc tấn công từ bên ngoài.

Hải quân và Lục quân Mỹ đã hợp tác nghiên cứu và phát triển thiết bị lượn siêu vượt âm thế hệ mới (Common-Hypersonic Glide Body) và đã có chuyến bay thử nghiệm thành công vào tháng 3. Trong khi đó, không quân Mỹ đang thực hiện dự án phát triển vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không (ARRW). Việc thử nghiệm dự kiến bắt đầu vào tháng 10/2021.

Báo báo của GAO được đưa ra trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đã triển khai vũ khí siêu thanh, làm dấy lên lo ngại rằng Mỹ bị tụt hậu trong cuộc đua này.

Nga đã biên chế 2 loại vũ khí siêu thanh cho quân đội. Trước đó vào năm 2018, Tổng thống Nga Putin mô tả vũ khí siêu thanh của nước này là “bất khả chiến bại” và cho biết chúng sẽ đánh bại tất cả các tên lửa đạn đạo hiện có.

Trung Quốc đã triển khai tên lửa siêu thanh DF-17 vào năm 2019 và được cho là đang phát triển các phương tiện bay siêu thanh phóng từ trên không, có thể được phóng từ máy bay ném bom./.

Từ khóa: Mỹ, Nga, Trung Quốc, vũ khí siêu thanh, cuộc đua siêu thanh, chế tạo vũ khí, Bộ Quốc phòng Mỹ

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập