Thái Nguyên: Lấy đầu tư công dẫn dắt, thu hút đầu tư xã hội

Cập nhật: 1 ngày trước

VOV.VN - Để đạt mục tiêu tăng trưởng 10,5% trở lên trong năm 2025, tỉnh Thái Nguyên đã đề ra nhiều giải pháp. Trong đó, có giải pháp gắn trách nhiệm của chủ đầu tư trong giải ngân vốn đầu tư công; cùng với đó, tỉnh nỗ lực thực hiện chủ trương lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút đầu tư xã hội.

Tính đến hết ngày 31/5, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Thái Nguyên đạt hơn 40% - là 1 trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao của cả nước.

Dự án đường Vành đai V đi qua tỉnh Thái Nguyên có chiều dài hơn 18 km, tổng kinh phí thực hiện hơn 1.780 tỷ đồng, quy mô 6 làn xe. Dự án được tỉnh chú trọng triển khai với 3 tuyến: Đoạn tuyến từ sông Cầu đến nút giao Yên Bình, kết nối huyện Phú Bình, QL.37 với tỉnh Bắc Giang. Tuyến đường khi hoàn thành không chỉ giúp tỉnh Thái Nguyên hoàn thiện hệ thống giao thông theo hướng liên kết, đồng bộ, mà còn mở ra những tiềm năng, hiện thực hóa khát vọng “đại lộ - đại phú” của tỉnh Thái Nguyên. Bên cạnh đó góp phần hình thành trục kết nối giao thông của 3 tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc: Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc với vùng Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong khu vực, thúc đẩy giao thương, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh trong khu vực nói chung.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên – Chủ đầu tư dự án cho biết, với quyết tâm “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, thi công “3 ca 4 kíp” xuyên ngày, xuyên đêm, cùng tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”, chủ đầu tư và nhà thầu thi công đang dồn lực để đẩy nhanh tiến độ dự án đường Vành đai V (đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang). Đến nay, tiến độ giá trị khối lượng hoàn thành đạt hơn 90% và dự kiến hoàn thành trong Quý III năm nay.

“Chúng tôi phấn đấu đến 30/6 sẽ đạt tiến độ giải ngân 60%. Hiện nay, chúng tôi vẫn đang rất nỗ lực để triển khai đẩy nhanh tiến độ. Khi thời tiết thuận lợi chúng tôi sẽ tăng ca tăng kíp để đẩy nhanh tiến độ thi công của dự án lên”, Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết.

Năm 2025, Ban Quản lý dự án các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh được giao tổng kế hoạch vốn là hơn 400 tỷ đồng phân bổ cho 13 dự án. Với sự chỉ đạo quyết liệt của chủ đầu tư, công tác giải ngân vốn đầu tư công đối với một số dự án đạt kết quả khá cao, trong đó có 1 số dự án trọng điểm của tỉnh như: dự án Sân vận động Thái Nguyên, trụ sở Khối các cơ quan tỉnh,… đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành trong quý II/2025.

Thái Nguyên phát triển kinh tế bền vững bằng sản phẩm OCOP

VOV.VN - Những năm qua, các sản phẩm nông nghiệp đạt chứng chỉ OCOP đã trở thành sản phẩm nông nghiệp mang tính hàng hóa cao của tỉnh Thái Nguyên. Qua đó giúp người nông dân từng bước xóa đói giảm nghèo và thực sự làm giàu trên vùng đất quê hương mình.

“Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện các bước lựa chọn nhà thầu chuẩn bị đầu tư cho 2 gói thầu. Đối với các gói thầu này, chúng tôi sẽ hoàn thành trước ngày 10/6. Sau khi ký hợp đồng, chúng tôi giải ngân ngay các nguồn vốn theo hợp đồng đã ký tạm ứng cho các nhà thầu và đẩy nhanh khối lượng thanh quyết toán của các gói thầu có liên quan; đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu mà đã có mặt bằng, có tiến độ thi công để thực hiện sớm nghiệm thu, thanh quyết toán để đảm bảo tiến độ của cấp trên giao”, ông Vũ Quang Dũng, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Thái Nguyên thông tin.

Tính đến hết ngày 31/5, tỉnh Thái Nguyên đã giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 50% so với vốn Trung ương giao và là 1 trong 10 địa phương giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước. Trong khi đó, tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong quý I/2025 đạt gần 14.300 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Qua số liệu này cho thấy, nhờ thực hiện tốt giải ngân vốn đầu tư công đã giúp nguồn lực được khơi thông, Thái Nguyên là điểm đến của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước.

Tính riêng trong quý I năm nay, toàn tỉnh Thái Nguyên cấp mới đăng ký đầu tư cho 4 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký hơn 100 triệu USD. Kết quả trên là minh chứng sống động cho việc đầu tư công có trọng điểm về hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, giao thông, đô thị… đã dẫn dắt, kích hoạt và thu hút đầu tư xã hội trên địa bàn tỉnh.

“Nhằm thúc đẩy các dự án có tiến độ nhanh, chúng tôi sẽ áp dụng giải pháp điều chuyển nguồn vốn của các dự án đầu tư có tiến độ chậm, không đạt kế hoạch để ưu tiên vốn cho các dự án, tiến độ thi công nhanh và giải ngân được nhanh. Với các giải pháp đồng bộ cùng sự cố gắng của các chủ đầu tư và các đơn vị thi công, chúng tôi tự tin sẽ hoàn thành được kế hoạch mà Chính phủ giao và hoàn thành vượt mức”, ông Mai Trọng Tấn, PGĐ Sở Tài chính tỉnh Thái Nguyên khẳng định.

Năm nay, vốn đầu tư công của tỉnh Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ giao là hơn 5.580 tỷ đồng, vốn đầu tư công được HĐND tỉnh, UBND tỉnh giao là 6.620 tỷ đồng. Tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu đến ngày 30/6, các dự án chuyển tiếp phải giải ngân tối thiểu 60% kế hoạch vốn, phấn đấu đạt 80% kế hoạch vốn; các dự án khởi công mới phải giải ngân tối thiểu 50% kế hoạch vốn, phấn đấu đạt 70% kế hoạch vốn; nghiêm túc thực hiện triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.

Từ khóa: Thái Nguyên, Thái Nguyên, đầu tư công, giải ngân đầu tư công, thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế, Dự án đường Vành đai V

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: quang huy/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan