Lộ diện người thay thế Soleimani lãnh đạo lực lượng Quds đối đầu Mỹ
Cập nhật: 07/01/2020
Tổ quốc luôn dang rộng vòng tay để kiều bào gánh vác việc nước (22/1/2025)
Ngày cuối cùng của Tổng thống Biden ở Nam Carolina trước khi kết thúc nhiệm kỳ
VOV.VN - Lãnh tụ tối cao Iran đã công bố tên người sẽ thay thế Soleimani (vừa bị ám sát) để lãnh đạo lực lượng tinh nhuệ Quds thuộc Vệ binh Cách mạng.
Một vị tướng Iran mới đã bước ra khỏi bóng tối để lãnh đạo lực lượng viễn chinh Quds của Iran. Ông Esmail Ghaani sẽ chịu trách nhiệm về các nhóm ủy nhiệm của Tehran ở khắp Trung Đông trong bối cảnh Cộng hòa Hồi giáo Iran đe dọa trả thù Mỹ về vụ sát hại cựu tư lệnh Quds, tướng Qassem Soleimani, vào ngày 3/1/2020.
Tướng Esmail Ghaani vừa được bổ nhiệm làm người đứng đầu lực lượng Quds của Iran vào hôm 3/1. Ảnh: Văn phòng Lãnh tụ Tối cao Iran. |
Lực lượng Quds nằm trong lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đông tới 125.000 người. Vệ binh Cách mạng Iran là tổ chức bán quân sự chỉ trả lời duy nhất trước Lãnh tụ Tối cao Iran, Giáo chủ Ali Khamenei. Lực lượng này giám sát chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và có cả lực lượng hải quân riêng.
Giống người tiền nhiệm, tướng Esmail Ghaani đã kinh qua cuộc chiến tranh đẫm máu Iran-Iraq vào thập niên 1980 và sau đó gia nhập lực lượng Quds mới thành lập.
Ghaani, 62 tuổi, ít được biết đến. Phương Tây cho rằng ông đã từ lâu nắm vị trí quyền lực trong tổ chức Quds. Và một trong những nhiệm vụ đầu tiên của ông trên cương vị mới sẽ là giám sát hoạt động trả thù của Iran đáp trả vụ Mỹ không kích sát hại người bạn lâu năm của ông là tướng Soleimani.
Theo hãng tin IRNA của nhà nước Iran, tướng Ghaani từng nói về quan hệ giữa mình và Soleimani như thế này: “Chúng tôi là những đứa con của chiến tranh… Chúng tôi là đồng đội trên chiến trường và trở thành bạn bè trong chiến đấu”.
Trong các thập kỷ gần đây, Vệ binh Cách mạng Iran gia tăng mạnh ảnh hưởng của mình cả về quân sự và chính trị. Và một động lực quan trọng cho ảnh hưởng đó đến từ lực lượng Quds tinh nhuệ - lực lượng này hoạt động trong khu vực với các nhóm đồng minh nhằm tạo ra mối đe dọa bất đối xứng trước các vũ khí tiên tiến của Mỹ và đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Các đối tác của Quds bao gồm dân quân Iraq, lực lượng du kích Hezbollah ở Lebanion, và các phiến quân Houthi của Yemen.
Khi công bố người thay thế Soleimani để lãnh đạo Quds, Giáo chủ Ali Khamenei đã gọi ông là “một trong các chỉ huy nổi bật nhất” đang phục vụ Iran.
Người tiền nhiệm Soleimani đã từ lâu được coi là gương mặt của Quds. Danh tiếng của ông nổi lên sau khi các quan chức Mỹ bắt đầu tố ông chịu trách nhiệm về các vụ đánh bom ven đường nhằm vào binh sĩ Mỹ ở Iraq.
Trong khi đó Ghaani mới chỉ thi thoảng xuất hiện trên truyền thông phương Tây và cả Iran. Tuy nhiên cuộc đời của Ghaani có nhiều điểm tương đồng với Soleimani.
Ghaani sinh ngày 8/8/1957 ở thành phố Mashhad, đông bắc Iran. Ông gia nhập Vệ binh Cách mạng Iran vào thời điểm một năm sau Cách mạng Hồi giáo Iran 1979. Giống Soleimani, ông ban đầu được huy động trấn áp cuộc nổi dậy của người Kurd ở Iran sau khi Quốc vương Iran bị lật đổ.
Sau đó Iraq xâm lược Iran, phát động cuộc chiến tranh kéo dài 8 năm khiến 1 triệu người thiệt mạng. Nhiều người tử trận là các thành viên vũ trang hạng nhẹ của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, trong đó có một số thanh niên bị chết khi tham gia các cuộc xung phong kiểu biển người vào các vị trí của Iraq.
Ghaani sống sót sau cuộc chiến đẫm máu này và gia nhập Quds chỉ một thời gian sau khi tổ chức này ra đời. Ông sát cánh bên Soleimani và tham gia hoạt động phản gián tại Vệ binh Cách mạng. Các nhà phân tích cho rằng Soleimani tập trung vào các quốc gia nằm về phía tây Iran còn Ghaani tập trung vào các nước phía đông như là Afghanistan và Pakistan.
Năm 2012, Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt Ghaani, coi ông này là có thẩm quyền đối với các “giải ngân tài chính” cho các bên ủy nhiệm gắn liền với lực lượng Quds. Các lệnh trừng phạt này gắn Ghaani với vụ chuyển vũ khí bị chặn ở một cảng tại Nigeria vào năm 2010. Trong vụ này, giới chức phát hiện rocket Katyusha, đạn súng trường và các loại vũ khí khác giấu bên trong các container dán nhãn hàng dân dụng.
Cũng trong năm 2012, Ghaani bị Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích sau khi ông này được cho là đã phát biểu như sau: “nếu Cộng hòa Hồi giáo [Iran] không có mặt ở Syria, việc thảm sát người dân sẽ xảy ra ở quy mô lớn hơn nhiều”.
Vào tháng 1/2015, Ghaani gián tiếp nói rằng Iran gửi tên lửa và vũ khí cho người Palestine chiến đấu chống lại Israel.
Ghaani cũng từng nói, “nếu không có Cộng hòa Hồi giáo, Mỹ có lẽ đã đốt cháy cả khu vực”./.
Từ khóa: Tướng Iran, Ghaani, lực lượng Quds, viễn chinh, thay thế Soleimani
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN