Lao động di cư ẩn chứa nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại Đông Nam Á
Cập nhật: 03/05/2020
VOV.VN - Sự bùng phát số trường hợp mắc Covid-19 trong cộng đồng lao động di cư đang tạo ra làn sóng lây nhiễm thứ 2 tại một số quốc gia Đông Nam Á.
Với những bài học kinh nghiệm từ Thái Lan và Singapore vừa qua, chính phủ các nước khu vực đang lên kế hoạch ngăn chặn những nguy cơ tiềm ẩn từ lực lượng này, trong bối cảnh nhiều nước đang bắt đầu thực hiện các nới lỏng hạn chế.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm một bệnh nhân ở thành phố Depok, Indonesia, ngày 6/4. Ảnh: AFP. |
Singapore và Thái Lan là hai quốc gia chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng nhanh do lực lượng lao động di cư đến từ những khu vực khác làm việc trong lĩnh vực xây dựng hay những ngành công nghiệp có mức lương thấp. Singapore- quốc gia từng được coi như "hình mẫu" chống dịch thành công giai đoạn đầu đã trở thành "điểm nóng" dịch của châu Á thời gian qua, với gần 80% số ca mắc liên quan đến lao động di cư. Thái Lan cũng chứng kiến mức độ gia tăng mạnh các ca nhiễm mới sau khi phát hiện 42 ca nhiễm trong số lao động di cư bất hợp pháp.
Với việc các quốc gia đang bắt đầu nới lỏng biện pháp hạn chế, làn sóng lao động di cư tiếp tục đổ về có thể là nguồn nguy cơ lây nhiễm tiềm ẩn cho khu vực. Giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới Mike Ryan cũng nhấn mạnh, đây là một trong những nhóm nguy cơ có thể tạo ra làn sóng virus thứ 2 tại nhiều quốc gia.
“Chúng ta đã chứng kiến các ca nhiễm bùng phát tại những viện dưỡng lão hay các khu ký túc xá dành cho người di cư tại Singapore. Chúng ta đã kiểm soát được cộng đồng nói chung nhưng vẫn có các nhóm nguy cơ đặc biệt, có thể tạo ra nguy cơ lây nhiễm tiềm ẩn trong cộng đồng. Do đó các nước cần phải có cách tiếp cận thận trọng, hiệu quả và sẵn sàng áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế nghiêm khắc nếu cần thiết”, ông Mike Ryan nói.
Để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm từ lực lượng lao động di cư, các chuyên gia ngoại giao và kinh tế khu vực kêu gọi các nước cần tăng cường sàng lọc lao động di cư, cũng như điều chỉnh chiến lược đối phó với dịch bệnh hiệu quả. Chính phủ Singapore cho biết sẽ triển khai ứng dụng điện tử SafeEntry, đối với du khách và người lao động để giúp truy vết những người có tiếp xúc bệnh nhân. Nước này cũng mở rộng quy mô xét nghiệm, giám sát chặt chẽ các khu nhà ở dành cho lao động di cư. Với các kết quả đạt được, quốc đảo này thông báo sẽ có bước đi thăm dò đầu tiên để chuẩn bị tái mở cửa nền kinh tế trong những tuần tới, nhưng sẽ được thực hiện thận trọng.
Sau Mỹ và châu Âu, Đông Nam Á sẽ trở thành tâm dịch Covid-19 mới?
Bộ trưởng Y tế Singapore khẳng định:“Với số ca lây nhiễm trong cộng đồng giảm, Lực lượng chuyên trách liên ngành sẽ nới lỏng một số hạn chế trong những tuần tới, nhưng chúng tôi cần làm thận trọng. Ngay cả khi chúng tôi thận trọng nới lỏng một số hạn chế, chúng tôi vẫn có thể đưa thêm các biện pháp an toàn nếu cần thiết. Singapore chưa thoát khỏi giai đoạn khó khăn. Các chùm lây nhiễm mới có thể hình thành nếu dỡ bỏ các biện pháp bảo vệ. Cần nỗ lực để duy trì số ca mắc thấp”.
Chính quyền Malaysia cũng đang thực hiện chiến dịch bắt giữ hàng trăm người di cư không có giấy tờ, nhằm ngăn nhóm người này di chuyển đến các khu vực khác. Những người bị bắt sẽ được tập trung về một nơi để giám sát cho đến khi các biện pháp hạn chế lây lan dịch bệnh được dỡ bỏ. Malaysia hiện có khoảng 2 triệu lao động nước ngoài có đăng ký nhưng các nhà chức trách cho biết có nhiều lao động không phép hơn nữa đang sống ở nước này. Thái Lan đang áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ trong các ngành có nhiều lao động di cư nước ngoài.
Ngoài các biện pháp trong nước, sự phối hợp trên toàn khối sẽ hiệu quả hơn khi ASEAN có nhiều cơ chế sẵn có để đối phó với dịch bệnh. ASEAN có thể sử dụng ngân sách từ Quỹ ứng phó với dịch Covid-19 để sàng lọc sức khỏe của các lao động di cư tại những điểm kiểm soát, tiến hành các cuộc tuần tra chung dọc biên giới để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Và quan trọng hơn cả, dịch Covid-19 đang tác động mạnh đến cuộc sống của nhóm các lao động di cư. Bên cạnh sự hỗ trợ tài chính giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn của bệnh dịch, các nước Đông Nam Á cũng cần phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đưa ra những biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhóm lao động dễ đối mặt với nhiều rủi ro này./.
Từ khóa: lao động di cư, Covid-19, Đông Nam Á, dịch bệnh
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN