Lan truyền thông tin bệnh nhân Covid-19 đi karaoke có “tay vịn” là vi phạm pháp luật

Cập nhật: 05/02/2021

VOV.VN - Theo ý kiến của luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VP Luật sư Tinh thông luật thì việc chia sẻ, bình phẩm về thông tin người bệnh Covid-19 đi karaoke “tay vịn” là trái pháp luật.

Những ngày qua, Sở TT&TT Hà Nội đã xử phạt hành chính một số người vì chia sẻ thông tin sai sự thật về bệnh nhân Covid-19 đi massage, karaoke “tay vịn” trên mạng xã hội. Điều này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Ranh giới nào giữa việc chia sẻ thông tin về Covid-19 đúng pháp luật và vi phạm pháp luật? Bên cạnh đó, người dân cũng có nhiều thắc mắc về việc có cần thiết phải cách ly tập trung khi trở về từ những tỉnh, thành phố có dịch trong dịp Tết hay không. Phóng viên VOV.VN đã có cuộc phỏng vấn với luật sư Diệp Năng Bình, trưởng VP Luật sư Tinh thông Luật.

PV: Gần đây, có một số ý kiến của người nhà bệnh nhân Covid-19 cho rằng việc công khai thông tin cá nhân dẫn đến nhiều bất cập. Chẳng hạn như việc công khai sai thông tin, ảnh hưởng đến đời tư cá nhân, hoặc bị suy diễn về lối sống (như đi karaoke, massage). Ý kiến của luật sư về vấn đề này như thế nào?

Luật sư Diệp Năng Bình: Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Luật khám chữa bệnh thì các nguyên tắc trong hành nghề khám chữa bệnh là bình đẳng, công bằng và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh. Tôn trọng quyền của người bệnh; giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 8, khoản 1 Điều 11 và khoản 4 Điều 59 của Luật này. Bệnh nhân được quyền giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án.

Thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư chỉ được phép công bố khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh, giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định. Hoặc được cung cấp thông tin tóm tắt về hồ sơ bệnh án nếu có yêu cầu bằng văn bản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác...

Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm cũng nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.

Như vậy có thể thấy pháp luật nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm. Vậy nên khi chia sẻ thông tin chúng ta cần phân biệt thế nào là tích cực, thế nào là tiêu cực. Lấy ví dụ trường hợp một công chứng viên vừa qua.

Khi chúng ta chia sẻ thông tin đính kèm nghề nghiệp của họ là chúng ta đang vi phạm pháp luật. Hơn nữa, nếu họ đi karaoke, massage trong thời gian không bị cấm thì đó là quyền cá nhân của họ. Việc bình phẩm về vấn đề “tay vịn” hay đi massage là sai với pháp luật...

PV: Theo luật sư, nên xử lý theo hướng nào để vừa đảm bảo quyền tự do cá nhân, vừa chống dịch tốt?

Luật sư Diệp Năng Bình: Đối với bệnh truyền nhiễm thì chúng ta lấy phòng bệnh là chính. Trong đó thông tin, giáo dục, truyền thông, giám sát bệnh truyền nhiễm là biện pháp chủ yếu. Kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế với các biện pháp xã hội, hành chính trong phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Bên cạnh đó, cần thực hiện việc phối hợp liên ngành và huy động xã hội trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; lồng ghép các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Công khai, chính xác, kịp thời thông tin về dịch. Chủ động, tích cực, kịp thời, triệt để trong hoạt động phòng, chống dịch.

Trên cơ sở các nguyên tắc trên và thực tiễn cho thấy việc chia sẻ thông tin về hành trình di chuyển, tiếp xúc cũng có mặt tích cực của nó, giúp chúng ta chủ động trong công tác phòng chống dịch.

Theo tôi thì đã đến lúc cần có văn bản hướng dẫn những thông tin nào được chia sẻ, những thông tin nào không để cùng chủ động trong công tác phòng chống dịch một cách hiệu quả.

PV: Sắp tới là Tết Nguyên đán, một số địa phương yêu cầu người về từ vùng dịch phải cách ly tập trung, khiến nhiều người hoang mang. Dựa trên những quy định của pháp luật, luật sư có thể giải thích rõ hơn điểm này để người dân nắm rõ?

Luật sư Diệp Năng Bình: Trước hết cần phân biệt 2 khái niệm "vùng có dịch" và "tỉnh có dịch" (địa phương có dịch). Pháp luật chỉ quy định những người đến từ vùng có dịch, đi qua vùng dịch mới bị cách ly y tế bắt buộc. Còn những người đi qua tỉnh, địa phương có dịch nhưng không phải là vùng có dịch thì không thuộc trường hợp bắt buộc phải cách ly y tế. Vùng có dịch là vùng được xác định trong quyết định công bố dịch của cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 38 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Do đó, địa phương nào hiểu sai hai khái niệm này và áp dụng biện pháp cách ly y tế đối với những người không ở vùng có dịch là không đúng pháp luật. Hiện nay, các địa phương có những thông báo và các mức độ chống dịch khác nhau, tuy nhiên phải phù hợp với quy định của pháp luật. Việc yêu cầu những người dân từ Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh hoặc một số địa phương khác đến địa phương mình phải cách ly y tế tập trung hoặc cách ly y tế tại nhà là thiếu cơ sở pháp lý, vi phạm quyền tự do đi lại của công dân, ảnh hưởng đến đời sống của công dân và không đạt được hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh.

PV: Xin cảm ơn luật sư./.

Từ khóa: Covid-19, tung tin Covid, Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội, cách ly, tư vấn luật

Thể loại: Pháp luật

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập