“Không nên lấy hình ảnh ông vua làm biểu tượng công lý“
Cập nhật: 29/04/2020
Nga tấn công dữ dội Ukraine trên thực địa, sẵn sàng cho mọi kịch bản
Giải mật cuộc đột kích 3 giờ của biệt kích Israel vào nhà máy tên lửa Syria
VOV.VN - TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, không nên lấy hình tượng một vị vua làm biểu tượng công lý.
Mới đây, Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao gửi văn bản đến các đơn vị liên quan lấy ý kiến về việc chọn mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông (1028 - 1054) - để đặt trong khuôn viên làm biểu tượng công lý và tòa án.
Ba mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông được gửi đến các đơn vị trong TAND Tối cao. |
Vua Lý Thái Tông được chọn làm biểu tượng bởi ông là người ban hành luật Hình thư - bộ luật thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, khai mở nền pháp luật thân dân Việt Nam. Ông cũng người nhân từ, cho đúc chuông lớn đặt ngay trước cửa chính điện Thiên An để dân đến đánh chuông nếu có oan ức cần giãi bày.
Nhìn nhận về sự việc trên, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bày tỏ không đồng tình với việc đúc tượng vua Lý Thái Tông đặt trong khuôn viên làm biểu tượng công lý và tòa án.
"Trào lưu xây tượng diễn ra ở nước mình quá nhiều và ở thời điểm này không thuận lợi. Việc xây dựng buộc phải chi tiêu nhiều tiền, tốn kém, xã hội không ủng hộ.
Bên cạnh đó, chúng ta đang trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19, kinh tế đang bị ảnh hưởng rất nhiều. Thời gian tới, việc đảm bảo an sinh xã hội cũng như khởi động lại kinh tế cần rất nhiều nguồn vốn. Việc này là không đúng thời điểm", ông Dũng nói.
Mặt khác, theo TS Dũng, việc lấy hình tượng vị vua thời phong kiến làm biểu tượng công lý là không phù hợp. Bởi vì ông vua bao giờ cũng là biểu tượng của sự độc quyền và đứng trên pháp luật, không có giới hạn phân chia quyền lực, biểu hiện sự độc đoán.
Tòa án giải thích chọn hình tượng vua Lý Thái Tông vì đây là người ban hành đạo luật Hình thư nhưng TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng đạo luật này không công bằng, hoàng tộc mắc tội chỉ phạt tiền; trong luật này cũng có hình phạt chặt cổ, chặt tay rất dã man.
"Nếu luật này lưu truyền trong xã hội hiện đại thì nó không đạt được công lý và không ổn. Bên cạnh đó, Luật Hình thư cũng bị thất truyền, không biết đạt được công lý là bao nhiêu. Vi vậy, nếu lấy biểu tượng này làm công lý thì rất là rủi ro", TS Dũng nói.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, các trụ sở hành chính đều có tượng Bác Hồ; Bác cũng là biểu tượng cho công lý. Vì vậy, ông Dũng cho rằng nếu có một bức tượng công lý nữa là việc không nên làm.
Theo ông, biểu tượng công lý là thứ rất trừu tượng và phải có sự liên tưởng. Ở phương Tây có biểu tượng nữ thần cầm cán cân và kiếm. Sau đó hình tượng này trở thành sự liên tưởng chung lan tỏa sang cả thế giới đến hiện nay.
Đồng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) chia sẻ chưa thấy quốc gia nào lấy một vị vua làm biểu tượng công lý.
"Biểu tượng thần công lý được cả thế giới thừa nhận, chưa thấy có quốc gia nào xây dựng biểu tượng công lý cho riêng mình. Nếu chúng ta lấy hình ảnh một con người nào đó thì có vẻ không hợp lý", luật sư Cường bày tỏ.
Ông Cường cho rằng, việc vua Lý Thái Tông ban hình Bộ luật Hình thư là đóng góp trong lĩnh vực lập pháp và hành pháp chứ không phải lĩnh vực tư pháp của tòa án.
Nếu xét về mặt tư pháp của xã hội phong kiến khi xưa, phải kể đến các vị quan xét xử thanh liêm. Ví dụ như Trung Quốc có nhân vật Bao Công là biểu tượng cho công bằng, nhưng hiện nay Trung Quốc vẫn không lấy vị quan này làm biểu tượng công lý.
"Không thể vì một số vụ án xét xử công bằng của vị quan nào đó mà dùng làm biểu tượng công lý được. Sử dụng hình ảnh của một vị vua hay vị quan thời phong kiến làm biểu tượng công lý cho đất nước ngày nay theo tôi là không hợp lý", luật sư Cường nhấn mạnh.
Theo luật sư, Việt Nam đang xây dựng Nhà nước Xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; chế độ xã hội mà chúng ta hướng đến tốt đẹp hơn rất nhiều so với chế độ phong kiến trước đây, đặc biệt là tính dân chủ, công bằng trong mọi mặt của đời sống.
Pháp luật thời kỳ phong kiến nói chung là rất hà khắc, bất bình đẳng, chưa thể hiện được tính khoan hồng, nhân đạo rõ nét như xã hội hiện nay, cũng không phải là nguyện vọng, ý chí của đại đa số nhân dân lao động. Vì thế, không nên lấy hình ảnh vua quan thời đó làm biểu tượng của công lý./.
Từ khóa: biểu tượng công lý, vua Lý Thái Tông, xây tượng vua Lý Thái Tông
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN