Khoảng lặng bên những phần mộ “chưa rõ tên”
Cập nhật: 1 giờ trước
Ngang nhiên khai thác đất trái phép ở Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu
Công an Hà Nội hợp luyện, chuẩn bị cho những ngày lễ lớn của đất nước
VOV.VN - 50 năm sau ngày đất nước thống nhất vẫn còn nhiều anh hùng liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, chưa xác định được thông tin. Nhiều gia đình liệt sỹ vẫn âm thầm đi tìm hài cốt người thân.
Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, phường Đông Hà, tỉnh Quảng Trị những ngày tháng 7 đón rất nhiều đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và du khách gần xa đến dâng hương. Từng cơn gió phơn Tây Nam khô hanh xào xạc lướt qua không gian tĩnh lặng nơi nghĩa trang.
Từng đoàn người chầm chậm bước chân giữa những hàng bia mộ, nhẹ nhàng đặt nhành hoa, thắp nén hương thơm lên từng phần mộ các anh hùng liệt sĩ.
Nhiều năm rồi, mỗi dịp ngang qua đất Quảng Trị, chị Nguyễn Thị Liên ở thành phố Hà Nội cùng người thân luôn dành thời gian viếng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 để thắp nén nhang tưởng nhớ ông ngoại và các đồng đội của ông. Ông của chị Liên là liệt sĩ Phùng Minh Chung, từng chiến đấu và anh dũng hy sinh trên chiến trường Quảng Trị năm 1972.
Sau thời gian dài yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, liệt sĩ Phùng Minh Chung được gia đình đón về quê nhà an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Thạch Đà, nay là xã Yên Lãng, thành phố Hà Nội.
Mỗi lần đến đây, chị Nguyễn Thị Liên đều đến thắp nhang lên ngôi mộ ông ngoại mình đã từng nằm, nán lại thật lâu bên phần mộ của các liệt sĩ chưa xác định được thông tin.
“Thật sự tôi rất xúc động, cảm thấy biết ơn ông, biết ơn tất cả đồng đội của ông đã hy sinh để cho chúng ta có cuộc sống như ngày hôm nay. Gia đình rất may mắn đã tìm được ông, đã đưa ông về với quê nhà. Tôi rất mong muốn những ngôi mộ chưa xác định được thông tin sẽ sớm được các gia đình tìm được thông tin, sớm đưa các liệt sĩ về với gia đình”, chị Liên chia sẻ.
“Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin” chỉ có số mộ, hàng chữ đỏ khắc trên bia đá của mỗi phần mộ. Không tên tuổi, không quê quán, không đơn vị…, nhưng các liệt sĩ không hề bị lãng quên. Những đoàn người đến viếng hương ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 có những cựu chiến binh, những người mẹ, người vợ, thanh niên, học sinh… Khi ngang qua những hàng mộ “không rõ tên”, ai cũng cảm thấy lòng nặng trĩu, đôi chân chậm bước hơn.
Từ sớm mai đến mỗi chiều hoàng hôn, đêm tối, trên những phần mộ ấy vẫn có những bàn tay lặng lẽ đặt nén hương thơm, nhành hoa tươi sưởi ấm linh hồn người nằm lại.
Sau khi dâng hương các phần mộ anh hùng liệt sĩ đồng hương, bà Nguyễn Thị Hà, 67 tuổi ở phường Thục Phán, tỉnh Cao Bằng lặng lẽ đến bên các phần mộ chưa xác định danh tính, dành phút mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.
“Khi thắp hương các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, chúng tôi có cảm giác như là đã gặp những người thân quen trong gia đình nhà mình, kể cả những người quê hương ở những nơi khác xa xôi so với đất Cao Bằng nhưng chúng tôi cũng cảm thấy như là những người thân thiết trong gia đình mình, quê hương mình. Chúng tôi vô cùng biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho đất nước Việt Nam mình được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc. Con cháu được thừa hưởng những thành tựu tươi đẹp nhất của đất nước Việt Nam ta”.
Nhiều năm rồi, cựu chiến binh Nguyễn Hà ở tỉnh Hải Dương cũ không nhớ đây là lần thứ mấy ông trở lại thăm chiến trường xưa Quảng Trị. Ông nay đã hơn 76 tuổi, tay chống nạng, chân khập khiễng nhưng nhớ rất rõ vị trí của từng đồng đội ở Sư đoàn 308 đang yên nghỉ ở nghĩa trang rộng lớn này.
Trong khói hương nghi ngút, đôi mắt đỏ hoe, ông Hà đưa tay sửa lại những chân nhang, dựng lại chiếc bình hoa bị gió thổi ngã trên mộ phần liệt sĩ chưa xác định thông tin.
Ông Nguyễn Hà bảo rằng, những chiến sĩ ấy không còn được sống đến ngày đất nước hòa bình nhưng ở đâu đó, các anh, các chị vẫn dõi theo sự chuyển mình của quê hương, đất nước hôm nay…
“Chúng tôi trở lại thăm chiến trường xưa, nhất là nơi những chiến sĩ, những bạn bè, đồng đội của tôi nằm lại ở các Nghĩa trang quốc gia Đường 9, Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, rất cảm động… Chúng tôi chỉ mong rằng, những thế hệ sau nhớ lại những người đã hy sinh để làm tốt hơn nữa trong công cuộc xây dựng và sự nghiệp đổi mới đất nước”, theo ông Hà.
Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, nơi yên nghỉ của gần 11 ngàn anh hùng liệt sĩ khắp mọi miền Tổ quốc, hơn một nửa số mộ ở đây chưa xác định được thông tin.
Ông Nguyễn Thế Lâm, cán bộ Ban Quản lý nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 chia sẻ, mỗi cán bộ, nhân viên đơn vị đảm nhận chăm sóc khoảng 1.000 ngôi mộ, trong đó có nhiều phần mộ chưa rõ thông tin. Ban Quản lý thường xuyên phối hợp với các đơn vị, địa phương, thân nhân để xác định thông tin, đảm bảo tốt công tác chăm sóc, hương khói các anh hùng liệt sĩ.
“Hướng đến kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, anh em Ban Quản lý phục vụ tất cả các đoàn ngoài tỉnh và trong tỉnh. Chúng tôi phục vụ từ 5h sáng đến đêm khuya. Nếu các đoàn đến muộn thì anh em phải ở lại để trực phục vụ các đoàn và thân nhân gia đình các liệt sĩ từ công tác vệ sinh đến việc tổ chức lễ dâng hương của các đoàn. Vì mục đích chung, nhiệm vụ chung, anh em thu xếp công việc gia đình cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ”, ông Lâm nói.
Tỉnh Quảng Trị có 157 nghĩa trang liệt sĩ, nơi an nghỉ của hơn 79 ngàn anh hùng liệt sĩ. Trong đó, hàng vạn ngôi mộ đến nay chưa xác định rõ thông tin.
Chiến tranh đã đi qua, công tác đền ơn đáp nghĩa, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ luôn được Đảng, Nhà nước và toàn dân chăm lo chu đáo. Nhưng đâu đó trên đất nước này, hài cốt của nhiều anh hùng liệt sĩ vẫn chưa được tìm thấy để lại những khoảng lặng trong nỗi đau của gia đình, người thân và đồng đội.
Từ khóa: Quảng Trị, Quảng Trị, nghĩa trang, phần mộ, liệt sĩ
Thể loại: Xã hội
Tác giả: vinh thông/vov-miền trung
Nguồn tin: VOVVN