"Không có Điện Biên Phủ trên không thì làm sao có Hiệp định Paris"
Cập nhật: 16/01/2023
Phát hiện điểm bất thường trên tên lửa Kh-55SM Nga vừa tấn công Ukraine
"Hành trình vì hòa bình" của những người lính Mũ nồi xanh Việt Nam
VOV.VN - Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan phân tích: "Không có Điện Biên Phủ làm sao có Hiệp định Geneve. Tương tự như vậy, không có Điện Biên Phủ trên không, làm gì có Hiệp định Paris đầu năm 1973".
Được bắt đầu từ năm 1968 và kết thúc vào đầu năm 1973, cuộc đàm phán ở Hội nghị Paris bàn về hòa bình ở Việt Nam là cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử đấu tranh ngoại giao của nhân loại. Trong vòng 4 năm 9 tháng, cuộc đàm phán đã diễn ra với hơn 200 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo và 1.000 cuộc phỏng vấn.
Trải qua quá trình đấu tranh kiên trì, khi kiên quyết, khi mềm dẻo, chúng ta đã buộc siêu cường Mỹ, lần đầu tiên phải chấp nhận thất bại, trong lịch sử 200 năm, từ ngày lập nước. Với Hiệp định này, con đường đi tới hòa bình của chúng ta ngày càng được rộng mở. Thắng lợi trong cuộc đấu trí ngoại giao này, trở thành bài học sinh động, mẫu mực trong lịch sử của nền ngoại giao non trẻ Việt Nam.
Đêm giao thừa Tết Mậu Thân năm 1968, 4 thành phố lớn, 37 thị xã và hơn 100 thị trấn, chi khu quân sự do Mỹ-ngụy chiếm đóng đồng loạt bị tấn công. Toàn miền Nam rung chuyển, tiếng súng, pháo và chớp lửa xuất hiện khắp nơi. Đài Phát thanh Sài Gòn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Sài Gòn và Tòa Đại sứ Mỹ, những nơi được cho là tuyệt mật, bất khả xâm phạm bị đánh phá. Các cơ quan đầu não của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn rung lên liên hồi.
Sự kiện này đã gây chấn động thế giới. Quân viễn chinh Mỹ và quân đội, chính quyền tay sai Sài Gòn hoang mang cực độ. Nhà Trắng, Lầu Năm Góc bàng hoàng, sửng sốt. Chúng ta đã giáng một đòn sét đánh cực mạnh và bất ngờ vào thẳng đô thị. Sự kiện này, khiến người Mỹ bừng tỉnh nhận ra rằng, họ không còn giữ được thế thượng phong của một siêu cường nữa. Tiếng "sét" Mậu Thân đã buộc họ phải xuống thang chiến tranh. Ngoại trưởng Mỹ Kissinger đã phải tuyên bố: Sự kiện Mậu Thân đã làm cho toàn bộ chiến lược đang lên của Hoa Kỳ bị lật nhào.
Đúng như thế, ngày 31/3/1968, Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố, đơn phương chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, sẵn sàng cử đại diện đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Đại tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà nhận định: Đòn tiến công vào Tết Mậu Thân 1968 là bản lề mang tính quyết định, mở đường cho cuộc đàm phán hòa bình tại Hội nghị Paris.
"Tết Mậu Thân là một mốc rất quan trọng với đất nước ta. Ý nghĩa chiến lược là rất lớn, nó làm thay đổi cục diện chiến tranh. Cũng như Bác Hồ nói dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải quyết giành cho được độc lập, tự do. Trung ương Đảng quyết định là phải có một cuộc tấn công lớn, toàn diện để đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ, làm cho nước Mỹ phải rung động. Từ đó mới có Hiệp định Paris về Việt Nam", nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà nhấn mạnh.
Trên cơ sở tạo đà chiến thắng của Tết Mậu Thân, ngày 13/5/1968, Hội nghị hai bên giữa Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Hoa Kỳ chính thức họp phiên đầu tiên. Mặt trận ngoại giao chính thức được mở, song song với mặt trận quân sự. Tuy nhiên, đến với bàn đàm phán Paris, người Mỹ vẫn đang trông chờ, ảo tưởng vào một thắng lợi quyết định trên chiến trường, để ép chúng ta phải ký vào Hiệp định, theo những điều khoản mà họ đã định sẵn. Vì thế, con đường đi đến hòa bình trên bàn đàm phán Paris, không đơn giản và thuận lợi như lúc đầu chúng ta hình dung.
Tiến sĩ Trần Xuân Trí, Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, cũng một phần do trong suốt hơn 4 năm đàm phán, chúng ta chưa giành được những thắng lợi mang tính quyết định, nên chưa đủ sức đè bẹp, áp đảo người Mỹ trên chiến trường và trên bàn đàm phán. Chỉ khi, chúng ta giành thắng lợi mang tính quyết định, đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ trên bầu trời Hà Nội năm 1972, đế quốc Mỹ mới nhìn nhận về Hội nghị Paris một cách nghiêm túc.
"Trong thời gian diễn ra hội nghị, mặc dù chúng ta đã giành được những thắng lợi quân sự đánh bại lần lượt các chiến lược chiến tranh của Mỹ, tuy nhiên, từ năm 1968 đến khoảng năm 1971 và đầu năm 1972, những thắng lợi quân sự của ta chưa có ý nghĩa quyết định đánh bại hoàn toàn ý chí và hành động xâm lược của Mỹ. Chính vì thế Mỹ vẫn tỏ ra ngoan cố. Thực tế, chỉ từ năm 1972, khi chúng ta đã giành được thắng lợi quyết định, đó là trận Điện Biên Phủ trên không vào tháng 12/1972, mới buộc Mỹ phải nối lại đàm phán, chấp nhận ký kết Hiệp định Paris", Tiến sĩ Trần Xuân Trí phân tích.
Nói về ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng, chiêng có to, tiếng mới lớn. Nếu chiếu theo tư tưởng của Người, thì đòn tấn công sấm sét vào đêm giao thừa Tết Mậu Thân là một minh chứng cho thấy thực lực của chúng ta đã có những lớn mạnh. Liên tiếp sau đó, những thắng lợi ở chiến trường Nam Lào năm 1971, Chiến trường Quảng Trị năm 1972 và đặc biệt là thắng lợi trong Chiến dịch Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972, chính là quá trình chúng ta tạo ra một chiếc chiêng to, có đủ khả năng để tạo ra tiếng vang lớn trên bàn đàm phán ngoại giao. Và thực tế chiến trường đã cho thấy, khi chiêng đủ to, tiếng đủ lớn thì người Mỹ phải lắng nghe và chấp nhận thực tế.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan phân tích: "Không có Điện Biên Phủ làm sao có Hiệp định Geneve. Tương tự như vậy, không có Điện Biên Phủ trên không, làm gì có Hiệp định Paris đầu năm 1973. Do đó, có chiến thắng trên chiến trường, mới có thể thắng lợi ngoại giao được. Làm sao họ chấp nhận ngồi vào bàn thương lượng, nếu không có Tổng tiến công Mậu Thân, làm sao họ chịu ký Hiệp định Paris, nếu không có thắng lợi Điện Biên Phủ trên không. Điều đó chứng tỏ triết lý của Bác Hồ là phải trông ở thực lực, thực lực mới là quyết định, còn kết quả ngoại giao chỉ là phản ảnh thực lực".
Để kết thúc chiến tranh bằng một hiệp định là điều không dễ dàng, nhất là khi hai bên đều đặt những lợi ích, toan tính của mình vào trong đó. Vấn đề mấu chốt và quyết định nhất, chính là kết quả của cuộc đối đầu giữa hai bên trên chiến trường.
Lịch sử các cuộc chiến tranh đã cho thấy, bên nào chiếm ưu thế trên chiến trường sẽ có quyền áp đảo, ép buộc đối phương phải ký vào những bản hiệp ước, hiệp định. Thực dân Pháp ép buộc Triều đình nhà Nguyễn phải ký vào Hiệp ước đầu hàng, nhượng lại vùng Nam Kỳ cho Pháp, công nhận Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp. Đến chiến tranh thế giới thứ hai, khi là nước bại trận, Nhật Bản buộc phải chấp nhận đầu hàng theo tuyên bố của Hội nghị Potsdam. Nhưng với người Mỹ, họ chưa bao giờ chịu thất bại trong các cuộc chiến tranh. Vì lẽ đó, thất bại ở Việt Nam, chịu đau sau những đòn quyết định của quân dân Việt Nam, Mỹ không còn lựa chọn nào khác, buộc phải ký trong tư thế của người chiến bại. Đây cũng là nhận định của Thiếu tướng Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam.
"Hội nghị Paris được mở ra ngay giữa Thủ đô nước Pháp, ngay giữa trung tâm thông tin truyền thông của quốc tế lớn nhất Châu Âu. Điều đó hết sức có lợi. Ở đây chúng ta đã có sự kết hợp rất tuyệt vời giữa thực lực về quân sự trên chiến trường, đặc biệt là chiến trường Sài Gòn. Rõ ràng, toàn miền Nam nổi dậy tấn công Sài Gòn là trọng điểm. Hội nghị Paris sau đó buộc Mỹ phải ngồi vào đàm phán với Việt Nam. iều đó là gì, điều đó có nghĩa là trên thực tế Mỹ công nhận một sự thật là người Việt Nam chống xâm lược", Thiếu tướng Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự phân tích.
Cùng chung quan điểm, Tiến sĩ Hà Minh Hồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ: "Một hiệp định để kết thúc chiến tranh, thì hiệp định đó phải giải quyết những lợi ích của mỗi bên trong cuộc chiến này. Nên nhớ rằng đây là hai bên của cuộc chiến mà nó rất khác biệt với nhau. Một bên là mục tiêu, mục đích, lợi ích của một đế quốc toàn cầu. Họ không thể thua, họ chưa bao giờ thua, thậm chí họ chưa bao giờ hòa, suốt từ năm 1776 cho đến thời điểm đó. Hiệp định kết thúc chiến tranh đã là điều chưa từng có với họ rồi. Cho nên làm sao để có thể đảm bảo được là họ không thua. Nhưng mà đến với chiến tranh Việt Nam và đến khi mà phải nghĩ đến việc một Hiệp định, thì thắng như thế nào? Câu hỏi đó, bài toán đó rất khó với người Mỹ. Bởi vì họ phải giải bài toán đó suốt từ năm 1968 cho đến tháng 1/1973, thậm chí đến tháng 12/1972, họ còn chưa giải xong".
Như vậy, với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Hội nghị Paris được thiết lập. Với trận quyết chiến chiến lược trên không năm 1972, Hiệp định Paris được ký kết. Nhưng trong suốt chặng hành trình 4 năm 9 tháng dai dẳng giữa Thủ đô Paris hoa lệ, cuộc đấu trí của nền ngoại giao non trẻ Việt Nam với siêu cường ngoại giao nước Mỹ, không hề trải đầy hoa hồng, mà đó là cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt không kém gì ngoài trận địa./.
Từ khóa: 50 năm Hiệp định Paris, Hiệp định Paris, yếu tố quyết định dẫn tới thắng lợi Hiệp định Paris
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN