Khơi thông các dự án để các địa phương tăng trưởng và phát triển
Cập nhật: 07/11/2024
Cận cảnh khu vực thu hồi đất làm Khu đô thị Hiệp Hoà tại Đồng Nai
Sóc Trăng: Đóng điện và đưa vào vận hành công trình lắp đặt MBA T2 - 40MVA
VOV.VN - Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án có ý nghĩa rất quan trọng, nếu khơi thông hiệu quả sẽ đóng góp lớn cho tăng trưởng và phát triển của các các địa phương và cả nước, góp phần quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, năm 2025 và cả giai đoạn sau.
Cuối buổi chiều 7/11, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.
Khai mạc phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, Ban chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án. Hiện còn nguồn lực rất lớn đang bị lãng phí, tồn đọng trong nhiều dự án tại các địa phương trên cả nước. Có dự án đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được xử lý, tháo gỡ, bao gồm cả dự án đầu tư công, dự án đầu tư tư nhân, bất động sản và dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Phó Thủ tướng cho biết, các dự án này liên quan đến tất cả các lĩnh vực như các dự án đất đai, BOT, năng lượng tái tạo, bệnh viện, giao thông: “Những dự án này đã đang đầu tư có dự án đầu tư dang dở, nhưng có dự án đã đầu tư xong, thế nhưng vì nhiều lý do khác nhau chưa tiếp tục được và chưa đưa được vào phục vụ đời sống xã hội, gây ra bức xúc lớn trong người dân và lãng phí các nguồn lực của đất nước. Nhiệm vụ chúng ta là phải rà soát, đánh giá lại thực trạng những dự án này, rồi tham mưu cho Đảng và cho Chính phủ để tháo gỡ những khó khăn của dự án này. Hoặc là tiếp tục đầu tư hoặc là đưa dự án phục vụ cho đời sống”.
Ban Chỉ đạo ra đời nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, tổng hợp các dự án đang gặp vướng mắc, xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từ đó giải quyết theo từng nhóm vấn đề cụ thể, báo cáo cấp có thẩm quyền khi cần thiết.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, các dự án tồn đọng đã kéo dài 5 năm, 10 năm, thậm chí 20 năm, gây lãng phí lớn. Nếu tập trung tháo gỡ được thì sẽ khơi thông nền kinh tế, tăng thu ngân sách, cứu được doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là nội dung có phạm vi rộng, tính chất phức tạp cần một cách làm khác.
“Trước hết là chúng ta phải tổng rà soát tất cả các bộ, ngành, các địa phương, các lĩnh vực, xem thực trạng hiện nay thế nào, nằm ở đâu. Chúng ta phân loại bóc tách thành từng nhóm vấn đề. Từ đó thì mới xem trách nhiệm thuộc ai, thẩm quyền giải quyết thuộc ai. Nếu mà thẩm quyền giải quyết thuộc các bộ, ngành, địa phương thì ta có thể hướng dẫn, nếu mà của Thủ tướng thì báo cáo với Thủ tướng, hoặc Chính phủ thì báo cáo Chính phủ ra một nghị quyết để hướng dẫn chung cho tất cả các bộ, ngành, địa phương. Có những cái nó vượt ra ngoài cái đó mà có thể phải lên đến tận Quốc hội, chúng ta phải tham mưu báo cáo với Chính phủ để báo cáo với Quốc hội”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, nghiên cứu các ý kiến của các thành viên ban chỉ đạo để tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch hành động của Ban chỉ đạo và các nhiệm vụ triển khai thời gian tới, đảm bảo hiệu quả, khả thi trong việc rà soát, khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án theo các nhóm vấn đề cụ thể, xác định thẩm quyền xử lý của các cấp có liên quan; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc tháo gỡ... Kế hoạch sẽ lập theo thứ tự ưu tiên.
Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo tuân thủ Quy chế hoạt động, phối hợp chặt chẽ theo đúng các nguyên tắc và phương thức hoạt động đã đề ra.
Theo quyết định Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm Trưởng ban; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng là phó trưởng ban. Các Thành viên Ban chỉ đạo gồm: Bộ trưởng Bộ Tài chính; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy; Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Dũng; Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Thế Tùng; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy; Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (chỉ đạo công tác kiểm sát thi hành án dân sự) và Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Minh Khương.
Từ khóa: tăng trưởng, tăng trưởng, phát triển địa phương, phó thủ tướng nguyễn hòa bình, gỡ rối các dự án
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: nguyên nhung/vov1
Nguồn tin: VOVVN