"Khó kỳ vọng 100% nhân sự đều tốt hết, phần còn lại phải rèn thêm"
Cập nhật: 07/10/2020
VOV.VN - "Trong số hơn 200 Uỷ viên Trung ương sẽ được bầu, hy vọng 180 người là tốt, những người còn lại cần được rèn thêm. Kết quả đó đã là tốt rồi, chứ khó có thể kỳ vọng 100% cán bộ đều tốt hết"
Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 13, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, Bộ Chính trị đã 4 lần phê duyệt nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII với tổng số 227 cán bộ. Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã gửi thư đến các Uỷ viên Trung ương khoá XII, đề nghị từng người đề xuất ý kiến về cá nhân mình và giới thiệu nhân sự đủ tiêu chuẩn, điều kiện để thay thế mình.
Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho biết, cách làm này là việc bình thường được thực hiện trước mỗi kỳ đại hội, nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm, sự tích cực, chủ động của các Ủy viên Trung ương.
Không chỉ riêng Ủy viên Trung ương có thể đề xuất, đề cử mà bất kể đảng viên hay người dân nào đều có thề đề xuất người mình tín nhiệm. Đối với các Ủy viên Trung ương đương nhiệm, người nào thấy mình đủ điều kiện làm tiếp thì có ý kiến, mà xin nghỉ thì giới thiệu người có thể thay thế mình.
Thông tin tại Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng cho biết, quá trình phê duyệt nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã họp nhiều lần, xem xét, thảo luận kỹ lưỡng danh sách dự kiến để giới thiệu ứng cử Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XIII (bao gồm danh sách tái cử và danh sách tham gia lần đầu).
Việc xem xét được thực hiện trên tinh thần “không vì cơ cấu, số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn. Bảo đảm dân chủ, công bằng, công tâm, khách quan, minh bạch; kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong quá trình thực hiện công tác nhân sự, gây dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.
Đồng tình với cách làm này nhưng ông Lê Quang Thưởng vẫn nhấn mạnh rằng “mọi việc đều là tương đối, đề xuất, thảo luận, cho ý kiến 2, 3 lần hay 4, thậm chí 10 lần có thể vẫn chưa hoàn toàn đúng. Thế người ta mới nói là “tự diễn biến”, hôm nay anh tốt nhưng dăm bữa nữa tháng mới “sinh chuyện” thì đương nhiên phải điều chỉnh. Không có gì hoàn hảo cả, con người cũng vậy. Từ nay đến Đại hội, Trung ương còn tiếp tục lấy ý kiến nữa, cho tới tận Hội nghị cuối cùng. Đây cũng là công việc mà kỳ đại hội nào Đảng cũng tiến hành”.
Ông Thưởng cho rằng đảng viên, quần chúng luôn mong Đại hội sẽ đạt kết quả tốt nhưng họ cũng hiểu rằng, mọi việc không phải lúc nào cũng được như mong muốn. Trong số hơn 200 ủy viên trung ương sẽ được bầu, hy vọng 180 người là tốt, những người còn lại cần được rèn thêm. Kết quả đó đã là tốt rồi, chứ khó có thể kỳ vọng 100% cán bộ đều tốt hết. Giống như trong một cơ quan, đơn vị cũng vậy, không phải tất cả các thành viên đều làm tốt cả.
"Cuộc sống luôn có sự chuyển động, không bao giờ đứng yên một chỗ. Anh A đầu nhiệm kỳ có thể tốt nhưng cuối nhiệm kỳ sinh chuyện, điều đó là bình thường. Anh ta cũng có gia đình, họ hàng, có các mối quen biết. Anh ta sinh chuyện trong các mối quan hệ đó. Chúng ta biết được quy luật đó để mà giáo dục, quản lý. Cán bộ Trung ương chịu 3 cấp quản lý: Cấp thứ nhất: các Ủy viên Trung ương quản lý lẫn nhau, trong đó có Bộ Chính trị quản lý các Ủy viên Trung ương; Cấp thứ hai: cơ quan nơi họ làm việc chịu trách nhiệm giám sát, quản lý; Cấp thứ ba: nhân dân nơi họ sinh sống. 3 cấp quản lý đó bổ sung cho nhau, làm cơ sở để đánh giá Uỷ viên Trung ương đó" - nguyên nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương chia sẻ.
Cũng theo ông Lê Quang Thưởng, câu chuyện nhiều Ủy viên Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị của khóa XII bị kỷ luật có thể xem là bài học xương máu. Tất cả họ khi mới được bầu đều phải trải qua một quy trình lựa chọn nghiêm ngặt, “lý lịch” đương nhiên đều phải đạt, phải tốt, nhưng một thời gian sau bắt đầu xảy ra chuyện. Khi đó có quay lại kiểm điểm, quy trách nhiệm thì sai phạm cũng đã xảy ra, không chỉ mất cán bộ mà mất mát lớn nhất là danh dự, uy tín của Đảng.
"Và người ta nhận ra rằng người giới thiệu có khi cũng không biết hết được ưu khuyết điểm của người mình đề cử, đến khi được bầu vào mới bộc lộ hạn chế, thiếu sót; cũng có khi hiểu đầy đủ nhưng cố tình bao che, phe nhóm. Tuy nhiên, dù hiểu theo cách nào, thì rõ ràng việc quản lý, giáo dục theo 3 cấp đối với mỗi Ủy viên Trung ương còn lỏng lẻo, dẫn đến những sai phạm của họ đã vượt ra khỏi khuôn khổ của sự quản lý" - ông Lê Quang Thưởng phân tích.
Vậy phải chăng chúng ta cần thay đổi cách thức quản lý, giáo dục? Theo quan điểm của ông Lê Quang Thưởng, không cần thay đổi bởi đó là quy luật vận động của cuộc sống. Trong gia đình, bố mẹ phải có trách nhiệm với con cái, con cái hư có trách nhiệm của bố mẹ, đó là lẽ tất nhiên không thể tránh được. Ngoài bố mẹ, gia đình, là nhà trường cũng có trách nhiệm, sau nữa là tác động của xã hội.
"Có khi ở nhà với bố mẹ rất ngoan, ra ngoài xã hội giao du với bạn xấu, bố mẹ sao có thể quản lý được hết. Dẫn chứng như vậy để nói rằng, nguyên nhân dẫn tới sai phạm của một con người là tổng hợp của nhiều yếu tố, nhiều quan hệ. Nếu giải quyết tốt các mối quan hệ thì không có gì phải bàn cãi; nhưng chỉ một quan hệ bị lệch lạc, lỏng lẻo, sai phạm là điều khó tránh khỏi"- nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh./.
Từ khóa:
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN