Khánh thành tu bổ Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Cập nhật: 21/08/2024

VOV.VN - Sáng 9/8, tại tỉnh Thái Nguyên, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Lễ khánh thành và bàn giao Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Cách đây 75 năm (ngày 4/4/1949), giữa núi rừng ATK Việt Bắc, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của Báo chí Cách mạng Việt Nam và cũng là cơ sở đào tạo duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Hơn 40 học viên là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước tham dự.

Hơn 30 giảng viên tham gia giảng dạy là những đồng chí lãnh đạo giàu kinh nghiệm về chính trị, phong phú về lý luận, thực tiễn và là những nhà hoạt động văn hóa văn nghệ, trí thức cách mạng có tên tuổi như: Đồng chí Trường Chinh, đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Hoàng Quốc Việt, đồng chí Lê Quang Đạo, đồng chí Tố Hữu, đồng chí Nguyễn Thành Lê, nhà báo Quang Đạm…. Năm 2019, nơi đây được xếp hạng Di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Năm 2024, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBND và các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên triển khai tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia Địa điểm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Sau gần 7 tháng thi công, việc tu bổ Di tích đã hoàn thành cơ bản các hạng mục chính gồm: Nhà trưng bày - Bảo tàng thu nhỏ về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng dưới hình thức căn nhà cấp 4 rộng 80m2 xây trên đồi cao, phỏng dựng theo tài liệu ghi chép và một số hình ảnh tư liệu để lại, xưa là nhà tre nứa, nay là nhà khung gỗ, mái lá nhân tạo chống cháy; Nhà sàn - Bảo tàng thu nhỏ trưng bày về Báo chí Chiến khu Việt Bắc 1946-1954, rộng 80m2, phỏng dựng từ ngôi nhà sàn của Tổng bộ Việt Minh, nơi chỉ đạo trực tiếp các hoạt động báo chí kháng chiến và cũng là nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam năm 1950; Phù điêu với 48 chân dung các thành viên Ban Giám hiệu, giảng viên và học viên của Trường; Hội trường trong lòng đồi phục vụ hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác, có sức chứa trên 150 người và Quảng trường mini phục vụ tổ chức sự kiện…

"Đây là công trình văn hóa, lịch sử quan trọng nhằm tôn vinh di sản báo chí to lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà báo cách mạng tiền bối đã để lại cho các thế hệ nhà báo hôm nay và mai sau", Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Phát biểu tại Lễ khánh thành, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao Hội Nhà báo Việt Nam và tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp để tu bổ, tôn tạo Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Công trình thể hiện sâu sắc ý thức trách nhiệm, lòng tự hào, sự tri ân công lao của các thế hệ tiền bối đã tận hiến vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì khát vọng độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân; đồng thời tôn vinh truyền thống vẻ vang, sứ mệnh cao cả và những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế. 

Phó Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, cùng với rất nhiều di tích lịch sử quốc gia đã được công nhận, Di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sẽ góp thêm một “địa chỉ đỏ” trên con đường di sản cách mạng đầy tự hào ở nơi từng là “thủ đô kháng chiến”, làm phong phú hơn mạng lưới các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh của vùng Chiến khu Việt Bắc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị: "Sau khi nhận bàn giao Di tích, các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên sẽ phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Hội Nhà báo Việt Nam triển khai những hoạt động hữu ích, khai thác, sử dụng thật hiệu quả công năng của những hạng mục đã được tu bổ, tôn tạo để tiếp tục gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị bền vững của một Di tích quốc gia có tầm vóc và ý nghĩa thiêng liêng là nơi kết nối lịch sử, hiện tại và tương lai của nền báo chí cách mạng Việt Nam, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu, tham quan, du lịch “về nguồn” của nhân dân".

Di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sau khi tu bổ, tôn tạo dự kiến sẽ được khai thác, tổ chức đón tiếp các đoàn khách tham quan, các nhà báo về nguồn, các sinh viên và học sinh học tập và trải nghiệm về lịch sử báo chí.

Vui mừng khi những người làm báo trẻ nói riêng, thế hệ trẻ nói chung có thêm một điểm đến ý nghĩa trên bản đồ báo chí Việt Nam, ông Lê Quốc Trung, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: "Đây là địa điểm thể hiện truyền thống của giới báo chí Việt Nam, để cho những người làm báo ghé về cội nguồn ôn lại tinh thần mà Bác Hồ đã dạy những người làm báo ngày xưa luôn phải học hỏi, phải rèn luyện. Trong thời kỳ kháng chiến khó khăn như thế những người làm báo vẫn quyết tâm học tập, ngày nay những người làm báo không có điều gì mà không cản trở người làm báo không học tập được, phải hết sức quan tâm đến rèn luyện nâng cao hiểu biết của mình cả về chuyên môn cũng như đạo đức, chính trị để làm thế nào ngày càng phục vụ tốt hơn".

Dịp này, Hội nhà báo Việt Nam, UBND tỉnh Thái nguyên đã tặng Bằng khen cho các đơn vị có đóng góp tích cực trong quá trình tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia Địa điểm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Từ khóa: làm báo, trường dạy làm báo, huỳnh thúc kháng, di tích lịch sử, di tích lịch sử quốc gia, thái nguyên, hội nhà báo

Thể loại: Xã hội

Tác giả: phương thoa/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập