Khan hiếm lao động chất lượng cao, Bình Dương tìm kiếm mọi giải pháp
Cập nhật: 15 giờ trước
VOV.VN - Hiện nay, doanh nghiệp ở Bình Dương đang gặp nhiều khó khăn khi thiếu lao động có tay nghề. Do đó, Bình Dương đang đẩy mạnh các giải pháp đào tạo nghề theo nhu cầu doanh nghiệp.
Công ty TNHH bao bì Vĩnh Hưng Đạt, tại KCN Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương hiện đang có nhu cầu tuyển dụng thêm khoảng 500 lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất tăng cao vào năm 2025.
Đã khó tìm kiếm lao động phổ thông, việc tuyển dụng người lao động có tay nghề cao đối với công ty lại càng trở nên khó khăn hơn. Để giải quyết vấn đề này, công ty đã triển khai nhiều hoạt động như đăng tuyển trên các kênh thông tin khác nhau và tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ hiện tại.
Ông Nguyễn Quang Phong, đại diện phòng nhân sự Công ty TNHH bao bì Vĩnh Hưng Đạt cho biết: “Hiện nay, công ty có đội kỹ thuật, họ sẽ đào tạo người cho từng bộ phận, máy móc. Theo đó, mỗi bộ phận sẽ có người kỹ thuật đào tạo kết hợp với việc công ty ưu tiên tuyển dụng những người có trình độ, nhất là phải học hết lớp 12 để đào tạo bài bản hơn”.
Tương tự, Công ty TNHH Far Eastern Việt Nam, ở KCN VSIP I, thành phố Thuận An cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao.
Mặc dù đã triển khai nhiều chính sách tuyển dụng như thưởng cho người giới thiệu và hợp tác với các trường đại học, cao đẳng, công ty vẫn khó tuyển đủ 500 lao động, trong đó 100 người có trình độ cao như mong muốn.
Ông Nguyễn Thanh Tòng, đại diện phòng nhân sự công ty chia sẻ, thiếu lao động là nỗi lo lớn vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất. “Không tuyển dụng được sẽ không đủ nhân lực làm chậm tiến độ đơn hàng, đây là vấn đề băng khoăng mà doanh nghiệp nào cũng lo lắng. Do đó, mong muốn các cơ sở đào tạo có thể phối hợp với công ty tổ chức các chương trình đào tạo phù hợp nhất, đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp”.
Với hơn 60.000 doanh nghiệp, trong đó có 10% là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhu cầu về lao động có kỹ năng cao ngày càng tăng.
Trước những lo ngại của doanh nghiệp về nguồn nhân lực, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, tỉnh Bình Dương đã xác định rõ việc hỗ trợ đào tạo là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư.
Mặc dù tỉnh đã đầu tư mạnh vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp, thế nhưng số lượng người tham gia học nghề và chất lượng đào tạo vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của doanh nghiệp.
Ông Trịnh Đức Tài, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết, mặc dù tỷ lệ lao động qua đào tạo đã đạt 84%, nhưng chất lượng đào tạo vẫn chưa đồng đều và chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao.
Theo ông Tài, các trường nghề phải nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn liền với nhu cầu của thị trường lao động. Các trường nghề tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để thiết kế các chương trình đào tạo phù hợp, trang bị cho người học những kỹ năng thực tế.
“Làm sao đào tạo phải gắn nhu cầu của doanh nghiệp, gắn nhu cầu của xã hội, nếu chúng ta đi chệch hướng sẽ thất bại. Làm sao cho doanh nghiệp đến đây mà đáp ứng được ngành nghề họ mong muốn. Vừa qua, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch phát triển tỉnh Bình Dương giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến 2050, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải tìm hiểu để có định hướng phát triển nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp”, ông Tài nói.
Để giải quyết vấn đề này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp. Ông Lê Ngọc Thức, Chủ tịch HĐQT Trường Trung cấp Nghề Nghiệp vụ Bình Dương, cho biết, nhà trường đã và đang tổ chức các khóa đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, với tỷ lệ học viên được đào tạo theo đơn đặt hàng đạt 1.344 người trong năm 2024. Đặc biệt, trường chú trọng việc đào tạo thực hành trực tiếp tại doanh nghiệp để sinh viên làm quen với môi trường làm việc thực tế.
"Trong thời gian tới, xu hướng của doanh nghiệp là giảm lao động và tăng cường sử dụng máy móc. Do đó, các trường sẽ cập nhật trang thiết bị hiện đại, mới nhất để đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Đồng thời, trường mong muốn tỉnh tổ chức nhiều hội thảo để doanh nghiệp và các trường cùng trao đổi, tháo gỡ khó khăn, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp", ông Thức nói.
Bình Dương hiện có một hệ thống giáo dục nghề nghiệp khá phát triển với 701 cơ sở, bao gồm 6 trường cao đẳng, 10 trường trung cấp, 18 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 36 cơ sở khác. Bên cạnh đó, tỉnh còn có sự tham gia của một số trường cao đẳng, trung cấp liên kết, góp phần đa dạng hóa các chương trình đào tạo.
Để đảm bảo chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức các hội thảo nắm bắt nhu cầu doanh nghiệp. Từ đó, nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, đào tạo đúng ngành, đúng nghề và đáp ứng đủ nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động.
Từ khóa: Bình Dương, Bình Dương, khan hiếm, lao động, doanh nghiệp, khó khăn ,đào tạo, dạy nghề,thiếu lao động, lao động tay nghề cao
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: thiên lý/vov - tp.hcm
Nguồn tin: VOVVN