Khai mạc ngày hội văn hóa - thể thao vùng dân tộc thiểu số Lâm Đồng

Cập nhật: 24/10/2024

VOV.VN - Tối 24/10, tại thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng đã khai mạc Ngày hội văn hóa – thể thao vùng dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ VII – năm 2024. Ngày hội thu hút hơn 300 nghệ nhân dân gian đến từ 12 huyện, thành phố trong tỉnh tham gia.

Mở đầu đêm khai mạc Ngày hội văn hóa – thể thao vùng dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ VII – năm 2024 là tiết mục đặc sắc hòa tấu cồng chiêng của 20 đoàn với trên 300 nghệ nhân dân gian đến từ các huyện, thành phố của tỉnh Lâm Đồng tham gia biểu diễn. Cùng với hòa tấu cồng chiêng, diễu hành đám rước vật thiêng của các đoàn nghệ nhân cũng lần lượt được giới thiệu, ra mắt công chúng.

Nghệ nhân K’Niệp, ở thôn Đạ Nghịt, xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi khi được tham gia ngày hội lần này.

“Mỗi điệu cồng chiêng mỗi khác, hôm nay tôi có dịp được nghe các điệu cồng chiêng của K’ho, Churu, Mạ, Chau Mạ... Chúng ta cần phải bảo tồn cồng chiêng, phải dạy, truyền đạt cho con cháu để sau này con cháu chúng ta không bỏ quên nhịp điệu cồng chiêng, bỏ quên các lễ hội. Tôi mong cứ mỗi năm tổ chức một ngày hội như thế này. Đây là dịp để giao lưu học hỏi lẫn nhau”, nghệ nhân K’Niệp chia sẻ.

Ngày hội văn hóa - thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ VII - năm 2024 là sự kiện văn hóa đặc sắc, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đây cũng là hoạt động thiết thực kỷ niệm 19 năm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), hưởng ứng Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X - năm 2024, kỷ niệm 30 năm thành lập huyện Bảo Lâm của tỉnh Lâm Đồng.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Trần Thanh Hoài, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội, Phó Giám đốc sở VHTT&DL tỉnh Lâm Đồng cho rằng, Lâm Đồng sở hữu một kho tàng tài nguyên nhân văn vô cùng phong phú, đặc sắc, với nhiều phong tục tập quán, trang phục, kiến trúc nhà ở, lễ hội văn hoá dân gian độc đáo của đồng bào các dân tộc anh em. Trong đó, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số Lâm Đồng cùng các tỉnh Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là “di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã mở hơn 100 lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống cho gần  3.000 thanh thiếu niên là người đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ cồng chiêng cho 113 đội, trang phục truyền thống cho 186 đội, hỗ trợ 72  trang thiết bị cho mỗi nhà văn hóa tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Đây là điều kiện cơ bản để các buôn, làng trong tỉnh duy trì tốt sinh hoạt văn hóa cồng chiêng, góp phần lưu giữ và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên.

Ông Trần Thanh Hoài, nói: “Với quan điểm xuyên suốt ‘Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, Văn hóa còn thì dân tộc còn’, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thể dục thể thao là một trong những cách thức khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng giàu đẹp. Chúng ta cần cảm tạ những di sản mà cha ông ta đã để lại hôm nay”.

Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ VII - năm 2024 diễn ra các hội thi trò chơi dân gian, ẩm thực dân gian, hội thi diễn tấu cồng chiêng, trình diễn trang phục truyền thống...

Ngày hội kéo dài đến hết ngày 25/10.

Từ khóa: Lâm Đồng, ngày hội văn hóa, dân tộc thiểu số, cồng chiêng, lễ hội cồng chiêng

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả: quang sáng/vov-tây nguyên

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập