VOV.VN - Những ngày đầu năm mới, vùng biên giới Sông Mã, Sơn La rực rỡ sắc màu với Lễ hội dâng hương Đền thờ Hai Bà Trưng. Đây không chỉ là nét đẹp trong đời sống văn hoá tâm linh mà còn là cơ hội để Sông Mã quảng bá di tích lịch sử, điểm đến hấp dẫn, cùng bản sắc của đồng bào các dân tộc vùng biên.
Sáng 9/2 (tức 12 tháng Giêng), Lễ hội Dâng hương Đền thờ Hai Bà Trưng đã diễn ra tại bản Thống Nhất, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, Sơn La.
Đây là nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh, thể hiện tấm lòng thành kính, hướng về nguồn cội, tri ân công đức của hai vị nữ tướng anh hùng dân tộc có công với nước, với dân.
Nguyên gốc đền thờ Hai Bà Trưng được xây dựng năm 1852 tại thôn Nại Tử, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (cũ).
Năm 1975, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc đưa nhân dân lên xây dựng kinh tế mới ở Tây Bắc, bà con thôn Nại Tử đã chuyển đến bản Thống Nhất, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã và xây dựng Đền thờ Hai Bà Trưng.
Từ đó, ngôi Đền đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân xã Chiềng Khương và du khách thập phương.
Ngày 11/11/2011, Đền thờ Hai Bà Trưng được UBND tỉnh Sơn La xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngôi đền được trùng tu, tôn tạo khang trang với diện tích hơn 520m2.
Lễ hội Dâng hương Đền thờ Hai Bà Trưng là một sự kiện văn hoá quan trọng của huyện biên giới Sông Mã.
Lễ hội mở đầu với Lễ rước nước từ Sông Mã về Đền thờ Hai Bà Trưng, với mong muốn cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, người người mạnh khỏe, an khang, gia đình ấm no, hạnh phúc...
Những màn biểu diễn trống hội, biểu diễn võ thuật, múa lân sư rồng...
Dâng hương tưởng nhớ, tri ân các vị tướng lĩnh tài ba, các nghĩa binh trung liệt của Hai Bà Trưng - những người đã viết nên trang sử vàng của Việt Nam trong thời kỳ đầu dựng nước và giữ nước.
Rộn ràng, sôi nổi và rực rỡ sắc màu là các hoạt động văn hóa, thể thao, các cuộc thi đấu vật, thi nấu cơm...
Các trò chơi kéo co, cờ tướng, đẩy gậy, tung còn...trong phần hội.
Các thanh niên thi đấu vật dân tộc.
Người dân và du khách còn được tham dự các trò chơi như bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đập niêu, bịt mắt đánh trống...
Đây là lần thứ 2 Lễ hội được tổ chức, tạo không khí rộn ràng, phấn khởi dịp đầu năm mới trên vùng biên cương của Tổ quốc.
VOV.VN - Từ những nghi lễ cầu mưa của người Thái, lễ hội Gầu Tào của người Mông cho đến những điệu múa xòe đầy sắc màu, tất cả đã tạo nên một không gian đậm đà bản sắc, thu hút du khách đến Lai Châu tận hưởng và khám phá.
Từ khóa: Biên giới, Sơn La, khai hội, lễ hội, dâng hương, đền thờ, hai bà trưng, Biên giới, Lễ hội, những ngày, đầu năm mới, Sông Mã