Nên uống trà gừng trước hay sau khi ăn sáng?
Cập nhật: 2 giờ trước
VOV.VN - Nhiều người vẫn thường có thói quen uống trà gừng vào buổi sáng, vậy nên uống trà gừng trước hay sau khi ăn sáng?
Báo Lao động dẫn nguồn trang Healthbenefitsof cho biết, trà gừng cung cấp cho cơ thể chất dinh dưỡng và vitamin. Tốt nhất chúng ta nên sử dụng gừng tươi để cơ thể được hấp thụ hết các chất dinh dưỡng. Bạn có thể uống trà gừng trước hoặc sau khi ăn sáng đều sẽ nhận được những lợi ích cho sức khoẻ.
Dưới đây là những lợi ích của việc uống trà gừng vào buổi sáng:
Báo Lao động dẫn nguồn trang Healthbenefitsof cho biết dưới đây là 3 lợi ích sức khoẻ của việc uống trà gừng khi đói bụng:
Chống lão hóa
Gừng có thành phần gọi là gingerol, là chất chống oxy hóa, giảm đau và chống viêm. Gingerol còn bảo vệ da khỏi ô nhiễm, các gốc tự do và thời tiết, để da có thể tái tạo nhanh hơn, loại bỏ nếp nhăn và mụn nhọt.
Uống nước gừng khi bụng đói sẽ giúp giảm các triệu chứng căng thẳng, giúp cơ thể bạn thư giãn mà không lấy đi năng lượng bạn cần.
Gingerol chỉ thu được qua đường uống hoặc nước trái cây vì nếu bạn nấu nó, nó sẽ mất các thành phần này.
Kích hoạt lưu thông
Một đặc tính khác của gừng là kích hoạt và cải thiện tuần hoàn, khiến nhiều oxy đến các tế bào hơn. Nó cũng ngăn ngừa các bệnh về tim.
Uống một chút gừng mỗi ngày vào buổi sáng khi bụng đói, bạn sẽ nhận thấy tốc độ trao đổi chất của bạn tăng lên rõ rệt, cơ thể bạn sẽ tăng nhiệt độ cơ thể, nhờ đó tiêu hóa của bạn sẽ được cải thiện. Nó là chất bổ sung tuyệt vời nếu bạn đang giảm cân.
Bảo vệ hệ thống miễn dịch
Nếu cơ thể và khuôn mặt của bạn bị sưng, uống một ly gừng khi bụng đói sẽ giúp loại bỏ các chất lỏng bị giữ lại trong cơ thể và giúp bạn cảm thấy nhẹ nhàng hơn.
Gừng nổi tiếng trong việc chăm sóc và bảo vệ hệ thống miễn dịch của bạn khỏi bất kỳ cảm lạnh và cảm cúm nào. Nó có thể được tiêu thụ bởi trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn tuổi.
Báo Thanh Niên dẫn nguồn trang Entertainment Times (Ấn Độ) chỉ ra những lợi ích của việc uống trà gừng sau khi ăn sáng như sau:
Giúp giảm viêm và đau
Viêm mạn tính là yếu tố phổ biến của nhiều bệnh, bao gồm viêm khớp và bệnh tim mạch. Các hợp chất hoạt động trong gừng, chẳng hạn như gingerols, shogaols, có tác dụng chống viêm mạnh. Gừng có thể làm giảm đáng kể tình trạng đau cơ và đau nhức, khiến nó trở thành một phương thuốc tự nhiên tuyệt vời cho tình trạng viêm.
Giảm buồn nôn
Gừng còn có tác dụng chống buồn nôn, say tàu xe. Các hợp chất trong nước gừng tươi còn làm dịu niêm mạc dạ dày. Điều này có lợi cho người hay đầy hơi, khó chịu đột ngột sau ăn. Thêm nước gừng vào đồ uống có thể giảm đau nhanh chóng, giúp dạ dày dễ chịu hơn sau khi dùng bữa.
Giảm trào ngược axit
Người dễ bị trào ngược axit hoặc ợ nóng uống nước gừng tươi có thể bớt các triệu chứng này. Gừng làm giảm sản xuất axit dạ dày, thúc đẩy hoạt động bình thường của cơ vòng thực quản dưới - cơ ngăn axit chảy ngược vào thực quản.
Tăng cường trao đổi chất
Đặc tính sinh nhiệt của củ gừng làm tăng tỷ lệ trao đổi chất trong cơ thể. Báo VnExpress dẫn nguồn trang Times of India cho biết, uống nước ấm thêm một vài lát gừng sống sau bữa ăn có thể tăng cường khả năng đốt cháy calo, trao đổi chất. Quá trình trao đổi chất được cải thiện cũng hỗ trợ chuyển thức ăn thành năng lượng tốt hơn, ngăn tích tụ chất béo dư thừa.
Tăng miễn dịch
Gừng cung cấp chất chống oxy hóa mạnh mẽ, có đặc tính chống viêm. Các vitamin và khoáng chất trong nước gừng như vitamin C, kẽm, hỗ trợ cơ thể chống lại nhiễm trùng. Uống nước gừng thường xuyên giúp tăng cường phản ứng miễn dịch, hạn chế nguy cơ mắc cảm lạnh hoặc cúm thông thường.
Thải độc cơ thể
Uống nước gừng tươi thúc đẩy quá trình loại bỏ độc tố, nhờ đó thanh lọc cơ thể. Nó còn có tính lợi tiểu tự nhiên nên có thể loại bỏ các chất thải ra ngoài. Đặc tính chống oxy hóa giúp trung hòa các gốc tự do, hạn chế căng thẳng oxy hóa, hỗ trợ sức khỏe tổng thể.
Cải thiện lưu thông máu
Gừng tăng cường lưu thông máu bằng cách thư giãn, giãn nở mạch máu. Điều này đảm bảo oxy và chất dinh dưỡng được vận chuyển đến các cơ quan trong trên cơ thể tốt hơn. Sau khi dùng bữa, uống một cốc nước gừng ấm có thể tăng lưu lượng máu, tốt cho sức khỏe tim mạch.
Có lợi cho da
Người không quen hoặc không hợp uống nước gừng khi bụng đói có thể chọn cách uống sau khi dùng bữa để có làn da sáng, rạng rỡ hơn. Các chất chống oxy hóa có đặc tính chống viêm trong gừng giúp giảm mụn trứng cá, vết thâm cùng các vấn đề về da khác.
Trên đây là những thông tin giải đáp về băn khoăn "Nên uống trà gừng trước hay sau khi ăn sáng?". Tuỳ vào tình hình sức khoẻ cũng như sở thích bản thân bạn có thể lựa chọn hình thức uống trà gừng cho phù hợp nhất.
Từ khóa: trà gừng, trà gừng, uống trà gừng, trước ăn sáng, sau ăn sáng, gừng buổi sáng
Thể loại: Đời sống
Tác giả: hạ an/vtc news (tổng hợp)
Nguồn tin: VOVVN