Học trực tuyến: “Bộ phải tổ chức lại, không thể mạnh ai nấy làm”

Cập nhật: 19/03/2020

VOV.VN -PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng Bộ GD-ĐT cần tổ chức lại chương trình học trực tuyến cho cụ thể, bài bản, không thể để nơi học nơi không như hiện nay.

Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường, các địa phương trên cả nước vẫn đang cho học sinh nghỉ học để phòng tránh dịch. Các biện pháp học trực tuyến, học qua truyền hình được nhiều nơi áp dụng, Bộ GD-ĐT cũng đã có văn bản khuyến khích việc học từ xa để đảm bảo an toàn cho học sinh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay không phải 100% học sinh trên cả nước đều tham gia hình thức học này.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã có trao đổi với VOV.VN về vấn đề học trực tuyến của học sinh trong mùa dịch Covid-19.

hoc truc tuyen: "bo phai to chuc lai, khong the manh ai nay lam" hinh 1
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng Bộ GD-ĐT nên tổ chức lại việc học trực tuyến. (Ảnh: VTC News)

PV: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT đã tiếp tục lùi thời gian năm học và cho học sinh học trực tuyến, thầy nghĩ sao về những giải pháp này của Bộ?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Dịch Covid-19 chưa biết khi nào mới kết thúc. Tôi cho rằng, nếu Bộ tiếp tục lùi thời gian năm học thì có thể lùi đến kịch chân tường, có khi đến tận thời gian năm học sau. Việc Bộ lùi thời gian năm học là cách rất bị động, do đó Bộ cần có những biện pháp chủ động hơn.

Trước đó, Hiệp hội các trường cao đẳng, đại học Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ tiến hành dạy học qua truyền hình trong mùa dịch. Phương thức học này đã có từ lâu, nhưng hiện nay cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, giải pháp này càng hiệu quả hơn nữa. Gần đây, Bộ GD-ĐT đã có văn bản khuyến khích việc học từ xa qua internet, truyền hình trong mùa dịch, thế nhưng lại vẫn chưa có một cách tổ chức, thống nhất cụ thể. Các Sở GD-ĐT, các trường vẫn đang tổ chức một cách tự phát, tùy ý, mạnh ai nấy làm, thiếu sự đồng bộ trên cả nước. Việc này là không nên. Tôi cho rằng, Bộ GD-ĐT cần kiến nghị Chính phủ, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để làm việc với các đài truyền hình từ Trung ương đến địa phương, phối hợp cùng các Sở GD-ĐT để có sự phân công cụ thể.

Chúng ta có 12 lớp học, nên sử dụng 12 kênh truyền hình, mỗi kênh sẽ đảm nhiệm dạy một lớp. Điều này cũng sẽ vấp phải trở ngại, khi hiện nay hầu hết các nhà đài đều cần “làm ăn”, nên nếu dành nhiều thời lượng cho giáo dục, thì sẽ bị ảnh hưởng đến nguồn thu. Vấn đề này Bộ GD- ĐT nên kiến nghị Chính phủ để có các giải pháp như giảm thuế, hoặc hỗ trợ một phần kinh phí cho các đài. Bên cạnh đó, cũng cần tích cực kêu gọi sự xã hội hóa của các nhà đài trong cuộc chiến phòng chống dịch.

Bộ GD- ĐT cũng nên xem xét lại chương trình học, nội dung nào không thực sự cần thiết thì có thể giảm bớt. Bộ đã thừa nhận việc học trực tuyến, học qua truyền hình trong mùa dịch, nhưng còn thiếu sự tổ chức chặt chẽ.

Chúng ta vẫn có đủ thời gian để tiến hành tổ chức lại việc học trực tuyến cho bài bản, thống nhất, như vậy, nếu dịch có diễn biến phức tạp hay kéo dài, thì chúng ta vẫn giữ thế chủ động.

Hiện nay có nhiều ý kiến bàn đến chuyện thi THPT quốc gia như thế nào. Nhưng theo tôi, trước mắt cần tính chuyện học qua truyền hình, internet ra sao cho hiệu quả.

PV: Cụ thể, việc học trực tuyến cần thay đổi ra sao để tăng tính hiệu quả, thưa thầy?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Việc học online nên được tổ chức thành từng nhóm nhỏ, từ 4-5 em ở gần nhà nhau để cùng học, giáo viên cũng có thể đi đến tương tác với từng nhóm học sinh. Học sinh cũng có thể nhờ thầy cô giải đáp các thắc mắc.

Thời điểm này, công việc của giáo viên không phải là được cử đến trường lau chùi bàn nghế, vệ sinh trường lớp, mà là hướng dẫn các em học bài. Bộ GD-ĐT cần tổ chức lại các chương trình học qua truyền hình, giảm tải những phần kiến thức không cần thiết. Hơn bao giờ hết, Bộ cần gấp rút, trực tiếp nghiên cứu để đưa ra các giải pháp cụ thể, không để tình trạng tùy nghi di tản, ai muốn dạy thì dạy, muốn học thì học, sẽ không thể có được kết quả.

Bộ cũng nên có hướng dẫn cụ thể với các địa phương, nơi nào có thể học trực tuyến, nơi nào chưa đủ điều kiện có thể học trên truyền hình. Việc học từ xa trong thời gian này là bắt buộc.

Chúng ta chưa biết khi nào dịch sẽ kết thúc nên cần có những giải pháp chủ động. Nếu dịch kết thúc sớm là rất tốt, việc học sẽ lại trở lại như bình thường.

PV: Để học trực tuyến hiệu quả, cần sự phối hợp ra sao giữa nhà trường, phụ huynh và chính bản thân mỗi học sinh, thưa thầy?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Có những học sinh rất chủ động học, nhưng cũng có những em ý thức tự giác chưa cao. Khi học trực tuyến, vai trò của gia đình và thầy cô rất quan trọng. Với cách học trực tuyến như đã nói ở trên, các trường cần cử giáo viên đi đến từng các nhóm nhỏ để kiểm tra, giải đáp những nội dung các em còn thắc mắc, đương nhiên, các thầy cô sẽ phải vất vả hơn trong mùa dịch này. Nhưng đổi lại, việc học của học sinh cũng hiệu quả hơn. Cách dạy cũng nên thay đổi, cần hướng tới việc tăng tính tự trao đổi của học sinh, để học sinh tự nghiên cứu, giải quyết vấn đề.

Nếu học được như vậy, thì toàn toàn có thể kiểm tra, đánh giá và công nhận kết quả đánh giá của phương pháp này.

PV: Nếu học sinh tiếp tục phải học trực tuyến để tránh dịch, kỳ thi THPT quốc gia 2020 sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, thưa thầy?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Nếu học được như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tăng cường kiểm tra đánh giá để nâng cao kết quả, cuối cùng học sinh vẫn thi được. Còn phương thức thi và đề thi sẽ phải tùy thuộc vào tình hình thực tế để có giải pháp cụ thể. Nếu dịch kéo dài, khó dập thì không thể tổ chức thi tập trung như trước đây, lúc đó phải tính đến phương án tổ chức ra sao.

Những ngày gần đây có ý kiến cho rằng nên giảm tải các môn thi THPT quốc gia, nhưng không biết phải giảm tải thế nào, khi môn học nào cũng cần. Nếu chỉ thi 3 môn Toán, Văn, tiếng Anh thì sẽ rất khó vì các trường đại học, cao đẳng không có cơ sở nào để xét tuyển. Quan điểm của tôi là để học sinh tiếp tục học trực tuyến, tổ chức thi THPT quốc gia như bình thường, chỉ khác ở chỗ là nếu có dịch thì phải tìm cách thi sao cho an toàn và đảm bảo công bằng.

PV: Xin cảm ơn thầy!/.

Từ khóa: học trực tuyến, Bộ GD-ĐT, tổ chức lại việc học trực tuyến, dịch Covid-19, thi THPT quốc gia

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập