Giáo sư, NGND Đinh Xuân Lâm - người thầy mẫu mực, nhà sử học chân chính
Cập nhật: 2 giờ trước
VOV.VN - Nhân dịp Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm, sáng nay (25/2), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức: “Triển lãm và Tọa đàm Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư sử học, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm”.
Thuộc thế hệ những nhà sử học tiên phong của nước Việt Nam độc lập, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm đã để lại những dấu ấn sâu sắc về lịch sử Việt Nam thời cận-hiện đại, góp phần tạo nên một trường phái Sử học-trường phái Đại học Tổng hợp, được đồng nghiệp và các thế hệ học trò mến mộ, tôn vinh là một trong “tứ trụ” huyền thoại “Lâm - Lê - Tấn - Vượng” (GS Đinh Xuân Lâm, GS Phan Huy Lê, GS Hà Văn Tấn, GS Trần Quốc Vượng) của nền sử học Việt Nam hiện đại.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: “Hơn 90 năm tuổi đời, 70 năm theo đuổi sự nghiệp trồng người, hơn 60 năm nghiên cứu, GS.NGND Đinh Xuân Lâm đã để lại một di sản đồ sộ. Đó là hơn 500 nghiên cứu đã công bố, bao trùm nhiều vấn đề của khoa học Lịch sử, đặc biệt là lịch sử Việt Nam cận đại (từ khi thực dân Pháp xâm lược đến Cách mạng tháng Tám thành công); Đó là hàng nghìn học trò, trong đó không ít người đã thành danh, giữ những trọng trách trong môi trường giáo dục, đào tạo và khoa học của đất nước cũng như trong các tổ chức chính trị, xã hội ở Trung ương và các địa phương; Đó là dấu ấn tại nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu ở trong và ngoài nước với tư cách là chuyên gia, giáo sư thỉnh giảng, v.v.
Năm 1988, khi được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, GS Đinh Xuân Lâm đã tâm sự: Huân chương vô giá, đối với tôi, đó chính là thế hệ các anh và những thế hệ sau các anh mà tôi đã góp phần đào tạo, những thế hệ đã và đang đóng góp lao động có ích cho xã hội ở nhiều lĩnh vực". Hơn tất cả, di sản GS.NGND Đinh Xuân Lâm để lại chính là tình cảm và sự tiếp nối con đường của ông của nhiều thế hệ học trò.
GS.TS Nguyễn Văn Khánh, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Trong lĩnh vực Sử học, đề tài nghiên cứu của GS.NGND Đinh Xuân Lâm rất đa dạng nhưng đều hướng vào lịch sử Việt Nam cận –hiện đại, với những đóng góp nổi bật như: làm rõ lịch sử đấu tranh chống Pháp xâm lược, nhất là các cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân Việt Nam nhằm bảo vệ và giành lại nền độc lập dân tộc từ nửa sau thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20; Các nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh- anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới; nghiên cứu phát hiện về các nhân vật lịch sử và phong trào yêu nước và cách mạng thời kì từ cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20…
Cũng theo GS.TS Nguyễn Văn Khánh: Đối với các nhân vật lịch sử, nhất là những nhân vật đang còn những tồn nghi hoặc có những ý kiến trái chiều như Phan Thanh Giản, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường…các nghiên cứu của GS Đinh Xuân Lâm đã tập trung khai thác các nguồn tư liệu mới, đồng thời sử dụng phương pháp tiếp cận đa chiều, đặt trong bối cảnh và điều kiện lịch sử cụ thể để phân tích từ các quan điểm đến hành động của nhân vật, từ đó rút ra ý kiến nhận xét khách quan. Đó là những đóng góp riêng biệt, rất nổi bật và quan trọng của GS.NGND Đinh Xuân Lâm trong việc tháo gỡ những điểm rối, “nút thắt” trong nghiên cứu sử học, góp phần đưa đến nhận thức khoa học phù hợp và tiệm cận với thực tế lịch sử.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Xưa & Nay kể lại: Là sinh viên khóa 9 của Khoa Sử, vào học là đi xơ tán. Tuy ông không có nhiều thời gian nghe thấy giảng nhưng lại được học thầy suốt đời, trong công việc gắn bó với Sử học cũng như học tập nhân cách sống mẫu mực, không ngừng học tập và kiên quyết bảo vệ các quan điểm đúng đắn. Ông cho rằng: “Giáo sư Đinh Xuân Lâm là người uyên bác và có sự thuyết phục bằng cách thể hiện quan điểm của mình. Cách đặt vấn đề của thầy đúng mực, không cực đoan, cụ thể về những nhân vật Trương Vĩnh Ký, Phan Thanh Giản, phân tích thuyết phục với mong muốn làm sao cho thế hệ trẻ biết cách để nhìn nhận những vấn đề đó”.
Nhân dịp này, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức trưng bày hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến của Giáo sư Đinh Xuân Lâm, tập hợp hàng ngàn bức ảnh khác nhau từ các lưu trữ của gia đình và nhiều tổ chức, cá nhân…
Ban Tổ chức lựa chọn giới thiệu 127 bức hình và bố cục thành 4 phần: Phần 1: Chân dung GS. NGND Đinh Xuân Lâm gồm 18 khoảnh khắc đặc tả chân dung một nhân cách sử học qua từng giai đoạn khác nhau, từ khi là nhà sử học trẻ với nhiều hoài bão cho đến khi trở thành một cây đại thụ của nền sử học Việt Nam hiện đại; Phần hai: Những đóng góp của GS.NGND Đinh Xuân Lâm với sử học Việt Nam; Phần ba: GS.NGND Đinh Xuân Lâm trong ký ức thầy cô, đồng nghiệp và học trò gồm 37 khung hình khắc họa hình ảnh thân thương và đầy cảm xúc giữa Thầy và học giới. Trong đó có sự hiện diện của các bậc danh sư thuộc thế hệ “Tam Anh” Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu... và thế hệ “Tứ kiệt” huyền thoại Lâm - Lê - Tấn - Vượng cùng biết bao thế hệ đồng nghiệp, học trò trong và ngoài nước; Phần bốn: Hoạt động của Quỹ Sử học Đinh Xuân Lâm gồm 22 bức ảnh thể hiện một chặng đường 8 năm qua 8 mùa trao giải cho 152 sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ, nhà khoa học trẻ của 12 đơn vị đào tạo và nghiên cứu sử học trong cả nước.
GS.NGND Đinh Xuân Lâm sinh ngày 4/2/2025 trong một gia đình quan lại triều Nguyễn, quê ở Hà Tĩnh. Cuối năm 1954, ông được cử ra Hà Nội học tại Trường Đại học Sư Phạm Văn khoa, ngành Sử-Địa. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông được giữ lại làm giảng viên ngành Lịch sử ở Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội). Ông từng đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Cận-hiện đại Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử trong nhiều năm. Đánh giá cao những đóng góp và cống hiến khoa học trong lĩnh vực Sử học, GS Đinh Xuân Lâm đã được Đảng và nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất (2006), Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2016) và truy tặng ông Giải thưởng nhà nước về Khoa học và Công nghệ với công trình Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam.
Từ khóa: Giáo sư, nhà giáo nhân dân,nhà sử học, nhà giáo,đinh xuân lâm, Giáo sư
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả: phương thúy/vov6
Nguồn tin: VOVVN