Giao lưu chủ nhân các giải thưởng VinFuture: Người làm khoa học là phụng sự nhân loại

Cập nhật: 22/01/2022

VOV.VN - Chủ nhân các giải thưởng VinFuture đã có dịp chia sẻ những câu chuyện vui buồn phía sau từng công trình được giải…

Tối 20/1, tác giả của các công trình nghiên cứu: Công nghệ gốc vaccine mRNA; Vật liệu khung cơ – kim (MOFs); vật liệu điện tử hữu cơ có tính năng như da người và công trình nghiên cứu giúp ngăn nguy cơ lây nhiễm HIV và giảm gánh nặng bệnh AIDS đã được vinh danh tại Lễ trao giải VinFuture lần thứ nhất. Đây là những thành tựu khoa học xuất chúng, có khả năng tạo ra ảnh hưởng tích cực và rộng rãi nhất đến cuộc sống của hàng tỷ người trên khắp thế giới trong hiện tại và tương lai.

Sau lễ trao giải thưởng VinFuture, sáng 21/1, chủ nhân các giải thưởng VinFuture đã có buổi giao lưu mang tên Talk Future với giới khoa học Việt Nam, sinh viên trường Đại học VinUni về những câu chuyện đằng sau từng công trình được giải.

Nhà khoa học không thể thiếu giấc mơ lớn

Là chủ nhân của Giải đặc biệt trị giá 500.000 USD của hạng mục dành cho nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới”, Giáo sư Omar M. Yaghi đến từ Đại học California-Berkeley (Mỹ) với công trình tiên phong khám phá ra vật liệu khung cơ – kim (MOFs) là loại vật liệu mới bao gồm các liên kết hữu cơ tích điện và các ion kim loại có độ xốp vĩnh viễn, sự ổn định ấn tượng trên diện tích bề mặt lớn. Với kích thước lỗ xốp có thể điều chỉnh tạo thành mạng lưới  3D, cho phép hấp thụ và lưu trữ các phân tử khí và nước, MOFs tạo ra giải pháp thu nhận, lưu trữ, phân tách và kiểm soát thành phần hóa học của nhiều loại khí và phân tử có khả năng làm sạch môi trường, mang lại bầu không khí, nguồn năng lượng và nguồn nước sạch hơn.

Chia sẻ quá trình đi đến thành công, Giáo sư Omar M. Yaghi cho rằng, thói quen quan sát và để ý tất cả những gì xung quanh cuộc sống sẽ hình thành ý tưởng khoa học. Dù từ thủa bé ông vẫn không nghĩ rằng đến một ngày nào đó sẽ tạo ra được 1 vật liệu mới, vì thế thành quả to lớn của ngày hôm nay thực sự như một giấc mơ.

“Cuộc sống không bao giờ dễ dàng nhưng tình yêu thương của cha mẹ luôn khích lệ để tôi cố gắng học hỏi, nghiên cứu và thành công trong con đường phía trước. Trước muôn vàn sự việc của cuộc sống toàn cầu, điều quan trọng của mỗi người làm khoa học không chỉ có việc đặt ra câu hỏi, cần mày mò tìm ra câu trả lời. Trong bất kì nghiên cứu nào, mỗi nhà khoa học cần có suy nghĩ vật liệu đó sẽ được tạo ra từ đâu, ứng dụng vào lĩnh vực gì và sau đó sẽ đi về đâu. Nhà khoa học luôn sẵn sàng tư duy phản biện để từ những ý tưởng của mình không làm ảnh hưởng đến tương lai”, Giáo sư Omar M. Yaghi bày tỏ.

Phấn khích với Giải đặc biệt của VinFuture lần nay, nhưng Giáo sư Omar M. Yaghi cũng cho rằng, đây là sự vinh danh tuyệt vời nhưng nếu chỉ làm 1 mình sẽ rất khó khăn nên cần có sự chung tay của cả cộng đồng. “Tôi chỉ là người mở ra cánh cửa mới nhưng các nhà khoa học luôn phải có ước mơ lớn. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, song các nhà khoa học cần xác định tâm thế không để điều gì cản trở bản thân, cản trở đam mê trên con đường đi đến cùng thực hiện ước mơ khoa học”, Giáo sư Omar M. Yaghi chia sẻ.

Cảm hứng sáng tạo không bao giờ ngừng

Là chủ nhân của công trình đoạt Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ, nghiên cứu các vật liệu điện tử hữu cơ có đặc tính của da người của Giáo sư Zhenan Bao đến từ Đại học Standford (Mỹ) sẽ giúp người khuyết tật có cảm giác như người bình thường khi chạm vào mọi vật thể.

Xúc động khi chứng kiến tỷ lệ rất lớn người khuyết tật trên thế giới, Giáo sư Zhenan Bao cho biết, thực tế vẫn còn rất nhiều người dân, các bệnh nhân đang mong muốn lấy lại cảm xúc của làn da do bị khuyết tật hoặc bị tai nạn…họ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Từ thức tế này nên bà đã có suy nghĩ cần nghiên cứu để tạo ra làn da nhân tạo, giúp người khuyết tật, bệnh nhân tìm lại được cảm xúc chạm, cầm nắm đồ vật thông qua các cảm biến có tính đàn hồi cao được kết nối với não bộ.

“Vật liệu điện tử hữu cơ có đặc tính của da người thực chất là bộ cảm biến có độ bền cao, tính đàn hồi cơ lý học nhưng lại giúp cơ thể cảm nhận và có cảm xúc khi chạm hay tiếp xúc. Từ những ý tưởng khởi đầu, nay chúng tôi đã tạo ra những thế hệ mới về da nhân tạo có thể co kéo, gập linh hoạt tiến đến thành công như những sản phẩm da nhân tạo ngày nay”, Giáo sư Zhenan Bao đến từ Mỹ chia sẻ.

Là người di cư đến Mỹ năm 20 tuổi, từ chỗ còn là 1 sinh viên nhút nhát của Đại học Chicago nhưng Giáo sư Zhenan Bao đã từng bước vượt qua những khó khăn, những yếu điểm của bản thân. Để có được thành công ngày hôm nay, Giáo sư Zhenan Bao cho rằng điều quan trọng của mỗi nhà khoa học là cần có cảm hứng sáng tạo đối với những công trình mới.

“Do có cơ hội hợp tác với các đồng nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực y học, công nghệ, cơ khí... đã khích lệ tôi nghiên cứu về những lĩnh vực mới có tính ứng dụng cao, đặc biệt là áp dụng các kiến thức về công nghệ phân tử sẵn có để tạo ra những công trình mang tính tầm cỡ”, Giáo sư Zhenan Bao nói.

Khoa học là truyền cảm hứng…

Tại Lễ trao giải VinFuture lần thứ nhất, Giải thưởng chính trị giá 3 triệu USD đã được trao cho 3 nhà khoa học Katalin Kariko, Drew Weissman (Mỹ) và Pieter Cullis (Canada) với công nghệ mRNA, mở đường tạo ra các loại vaccine ngăn ngừa Covid-19 hiệu quả. Dựa trên khám phá của Kariko và Weissman cùng với việc tạo ra hạt nano lipid của Cullis, các công ty dược phẩm như Pfizer-BioNTech, Modena đã sản xuất được các loại vaccine chống Covid-19 hữu hiệu trong thời gian kỉ lục.

Chia sẻ tại buổi giao lưu, Giáo sư Katalin Kariko khiêm tốn cho rằng, khó khăn để đi đến thành công ngày hôm nay còn rất nhỏ so với những đồng nghiệp khác đang trên con đường chinh phục khoa học của nhân loại. Để nghiên cứu thành công công trình này, Giáo sư Katalin Kariko cùng các cộng sự đã vượt qua rất nhiều căng thẳng mà mấu chốt chính là ở chỗ những suy nghĩ và mục tiêu hướng đến những điều tích cực cho con người.

“Tôi bước vào nghiên cứu với tất cả tình yêu và sự đam mê của mình. Trước đại dịch của nhân loại là đòi hỏi cấp bách của mỗi nhà khoa học trong đó có tôi nên tôi đã dành hết tâm trí và cảm xúc cho dự án này. Trong các nghiên cứu mang tính đột phá cần có suy nghĩ hãy cứ thành công từ những gì nhỏ nhất, bước đầu bao giờ cũng thành công và phải có khó khăn mới có lúc đầy đủ. Khó khăn sẽ không khi nào hết khi không có các cộng sự luôn hỗ trợ, sát cánh với mình”, Giáo sư Katalin Karikochia sẻ.

Cũng theo Giáo sư Katalin Kariko, là những nhà khoa học luôn mong muốn một ngày nào đó trong cuộc đời mình, những thành tựu của mình sẽ mang lại lợi ích chung cho nhiều người.

“Thật vui mừng khi những khám phá của chúng tôi đã đặt nền móng cho các loại vaccine mRNA. Cũng cần lưu ý rằng, các loại vaccine này đã được phát triển dựa trên thành quả của hàng trăm nghìn nhà khoa học, bác sỹ, kỹ sư và các chuyên gia để tạo nên tính hiệu quả và độ an toàn. Chúng tôi hy vọng rằng cuộc phiêu lưu khoa học của mình sẽ truyền cảm hứng cho thế hệ các nhà nghiên cứu tiếp theo, để những đóng góp của họ sẽ nâng cao các kiến thức khoa học của nhân loại, chăm sóc và cải thiện cuộc sống con người”, Giáo sư Katalin Kariko nêu rõ.

Gửi lời cảm ơn đến các nhà khoa học đã tham dự Lễ trao giải thưởng VinFuture lần thứ nhất, Tiến sĩ Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup tin tưởng rằng, khoa học sẽ giúp thế giới làm được những điều không tưởng, lớn lao và trở nên tươi đẹp hơn. Thành công bước đầu của giải thưởng VinFuture đã tạo lập nền móng cho việc mở rộng tầm ảnh hưởng của giải thưởng trong những năm tiếp theo, cổ vũ và thúc đẩy các nhà khoa học tìm kiếm giải pháp cho các thách thức của nhân loại, góp phần mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người, kiến tạo môi trường sống bền vững cho các thế hệ mai sau./.

Từ khóa: giải thưởng VinFuture, chủ nhân giải thưởng, giải đặc biệt, nhà khoa học nữ, nghiên cứu khoa học, khám phá khoa học, truyền bá đam mê, người làm khoa học, cống hiên cho nhân loại

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập