"Giảm 30% thuế cho doanh nghiệp năm 2020 không giải quyết được vấn đề"
Cập nhật: 16/06/2020
VOV.VN - Theo nhiều đại biểu Quốc hội, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 mang tính chất động viên còn không có quá nhiều ý nghĩa.
Thảo luận tại hội trường sáng nay (16/6) về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, nhiều đại biểu cho rằng việc giảm thuế này mang tính chất động viên nhiều hơn là ý nghĩa thực tế.
Giảm thuế cần thực chất chứ không phải chỉ động viên
Theo đại biểu Nguyễn Văn Thân, đoàn Thái Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cần mở rộng đối tượng thụ hưởng gồm cả doanh nghiệp vừa thay vì chỉ dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân, đoàn Thái Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Ảnh: Quốc hội) |
Hiện Việt Nam có 760.000 doanh nghiệp, trong đó có 93% là doanh nghiệp nhỏ, 4% là doanh nghiệp vừa và 3% là doanh nghiệp lớn, đóng góp rất lớn cho lao động và đảm bảo lớn nhất cho an sinh xã hội cộng đồng.
“Nghị quyết lần này xác định là giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ có doanh thu không quá 50 tỷ, số lượng lao động không quá 100 lao động. Trong khi đó tiêu chí xác định của doanh nghiệp nhỏ là doanh thu không quá 100 tỷ và số lao động đóng bảo hiểm xã hội không quá 50 lao động. Như vậy chỉ 50% số lượng doanh nghiệp nhỏ được hưởng cái nghị quyết này, thì tôi thấy không hợp lý”, đại biểu Nguyễn Văn Thân nêu ý kiến.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng cho rằng, việc giảm 30% thuế cho doanh nghiệp năm 2020 không giải quyết được vấn đề thực sự. Việc giảm thuế cho năm 2019 sẽ tốt hơn cho doanh nghiệp.
“Năm 2020 này, doanh nghiệp còn giữ hoạt động được là tốt lắm rồi, lấy đâu ra có lãi. Như vậy, giảm thuế cho những doanh nghiệp vẫn có lãi năm 2020 thì doanh nghiệp rất khó tiếp nhận được cái cái ưu đãi này. Tôi đề nghị chuyển ưu đãi giảm thuế cho năm 2019 sẽ có ý nghĩa thực tế hơn cho cộng đồng doanh nghiệp”, đại biểu Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh.
Đại biểu Phùng Văn Hùng, đoàn Cao Bằng (Ảnh: Quốc hội) |
Đại biểu Phùng Văn Hùng, đoàn Cao Bằng cũng cho rằng nên mở rộng đối tượng tượng thụ hưởng giảm thuế ra toàn bộ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi lẽ số lượng loại hình doanh nghiệp này chiếm tới 97%, đóng vai trò rất quan trọng cho nền kinh tế.
Theo tờ trình, nếu giảm tập trung cho doanh nghiệp nhỏ sẽ giảm thu ngân sách trên 17.000 tỷ đồng; nếu giảm thêm cả cho doanh nghiệp vừa sẽ giảm thu ngân sách thêm 22.000 tỷ đồng.
“Đây chỉ là con số sơ bộ. Nếu năm 2020 doanh nghiệp không có doanh thu thì lấy đâu ra tiền để nộp thuế cho ngân sách mà giảm. Như vậy, thực chất nếu giảm cho toàn bộ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến nguồn thu ngân sách. Còn nếu ảnh hưởng, nhưng lại cứu được doanh nghiệp thì tôi cho rằng cũng xứng đáng”, đại biểu Phùng Văn Hùng nhấn mạnh./.
Từ khóa: giảm thuế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuế thu nhập doanh nghiệp, Quốc hội, đại biểu Quốc hội
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN