Đừng để sự im lặng trong sinh hoạt chi bộ gây hại cho Đảng
Cập nhật: 22/10/2019
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành công trình tái thiết khu dân cư Làng Nủ
Bộ đội Cụ Hồ - Điểm tựa vững chắc cho người dân biên giới Điện Biên
VOV.VN - Thực tế hiện nay, việc sinh hoạt chi bộ tại một số tổ chức cơ sở đảng vẫn còn bất cập, nhiều nơi còn hình thức, thiếu tính chiến đấu.
Chi bộ là hạt nhân chính trị lãnh đạo ở cơ sở, là nền móng đảm bảo sự vững mạnh của Đảng. Đây cũng là lý do để Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW và Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã tổ chức quán triệt, chỉ đạo các cấp ủy tập trung thực hiện. Song, thực tế hiện nay, việc sinh hoạt chi bộ tại một số tổ chức cơ sở đảng vẫn còn bất cập, nhiều nơi còn hình thức, thiếu tính chiến đấu.
Dù số lượng đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ đông, nhưng cả buổi sinh hoạt lại là sự độc diễn của Bí thư chi bộ buôn Sút M'grư |
8h sáng 6/9, tại Hội trường buôn Sút Mg’rư diễn ra buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ của chi bộ buôn Sút Mg’rư, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar. Đây là buổi sinh hoạt được Đảng ủy xã Cư Suê chọn làm mẫu và có sự tham gia của các Bí thư, Phó Bí thư của 17 chi bộ trong xã tham dự. Dù được chọn làm mẫu để kiểm tra chất lượng sinh hoạt chi bộ ở cơ sở, công tác chuẩn bị trước có lẽ đã được nhắc nhở, nhưng cả buổi sinh hoạt thực sự vẫn chỉ là cuộc độc diễn của Bí thư chi bộ.
Sau mỗi câu hỏi “Các đồng chí có ý kiến gì không?” của Bí thư Chi bộ buôn Sút Mg’rư vẫn là sự im lặng của các đảng viên. Việc im lặng hoặc luôn “nhất trí” tại một chi bộ được đánh giá là chi bộ trong sạch của Đảng bộ xã Cư Suê là điều đáng trăn trở.
Ông Trần Tấn Niên, Bí thư chi bộ thôn 6, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk là khách mời dự buổi sinh hoạt này đã thẳng thắn nhận xét:“Trên tinh thần đến đây để học hỏi, rút kinh nghiệm về để xây dựng chi bộ của mình, mặt nào mạnh thì mình học tập, mặt nào yếu thì mình tránh để không lặp lại. Như chi bộ đây sinh hoạt, chỉ một vài ý kiến như thế thì quá yếu. Bởi vì Đảng là phải có đấu tranh xây dựng, cái nào được, cái nào chưa được, phải có phân tích mổ xẻ tìm ra giải pháp. Chứ còn ở đây, đồng chí Bí thư nói, một ý kiến phát biểu bâng quơ như thế, tất cả đảng viên không phát biểu. Chi bộ mà sinh hoạt như thế thì quá yếu”.
Tại chi bộ tổ dân phố 6, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, nơi có 30 đảng viên, cũng sinh hoạt đơn điệu. Ông Nguyễn Tô Thêm, Phó Bí thư chi bộ tổ dân phố 6 cho rằng nhiều đảng viên còn ngại đấu tranh dẫn đến tính chiến đấu của Đảng ở chi bộ bị giảm sút.
“Sinh hoạt chi bộ thực trạng chung hầu hết tham gia sinh hoạt gọi là đi có mặt thôi, chứ họ chẳng tham gia góp ý gì cả. Đúng cũng không ủng hộ, mà sai cũng không đấu tranh”, ông Thêm chia sẻ.
Rõ ràng chất lượng sinh hoạt chi bộ phụ thuộc rất lớn vào trách nhiệm của đảng viên. Đảng viên có nhận thức đầy đủ, góp ý tâm huyết, trách nhiệm, thảo luận sôi nổi thì hoạt động sinh hoạt của chi bộ mới được nâng cao. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng mạnh là do các chi bộ tốt, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”, vì vậy nếu mỗi đảng viên không nêu cao tính đảng của mình sẽ kéo lùi sức mạnh của Đảng.
Theo ông Nguyễn Thế Dương, Phó Bí thư Đảng ủy xã Cư P’rao, huyện Ma Đrắk, tỉnh Đắk Lắk, để mỗi buổi sinh hoạt chi bộ không trở nên nhàm chán, hình thức, Bí thư chi bộ và chi ủy cần thảo luận kỹ những nội dung sinh hoạt, nhận thức được những hạn chế trong khâu tổ chức sinh hoạt, tìm cách làm mới, khơi gợi tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình từ các đảng viên.
“Vai trò của người đứng đầu chi bộ quyết định ít nhất 50%, bởi vì bí thư có đặt ra nội dung trong buổi sinh hoạt và định hướng cho đảng viên được tham gia ý kiến và thâu tóm được nhiệm vụ trong tháng trước hay không thì buổi sinh hoạt mới có giá trị”, ông Dương nhấn mạnh.
Đắk Lắk hiện có trên 74.600 đảng viên, sinh hoạt tại 803 tổ chức cơ sở Đảng. Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, nội dung sinh hoạt của nhiều chi bộ hiện còn hình thức, nghèo nàn. Ở một số chi bộ, việc tổ chức sinh hoạt chưa bảo đảm, nhiều chi bộ thôn, buôn, số đảng viên vắng mặt trong sinh hoạt còn nhiều (chỉ đạt khoảng 87,4% đảng viên tham gia). Trong sinh hoạt, một số đảng viên đã không tham gia phát biểu ý kiến còn mất trật tự, ý kiến còn thiếu tính xây dựng. Kiến thức, kỹ năng của một số chi ủy viên, bí thư chi bộ còn hạn chế, lúng túng trong công tác chuẩn bị nội dung trước khi họp chi ủy cũng như phương pháp điều hành sinh hoạt chi bộ…
Theo ông Lê Năng Hảo, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk, nguyên nhân của những hạn chế vừa nêu là do nhận thức về yêu cầu, nội dung sinh hoạt chi bộ chưa đầy đủ, chưa thực hiện đúng quy định.
“Một điểm yếu nhất mà chúng tôi thấy trong sinh hoạt chi bộ tức là chất lượng sinh hoạt chi bộ, việc chuẩn bị nội dung, tham gia góp ý để rồi ban hành được Nghị quyết nó sát đúng với tình hình thực tiễn của địa phương của từng loại hình chi bộ thì đây là vấn đề mấu chốt nhất. Thực chất mà nói, tôi thấy chất lượng thực sự để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao mới đạt 50% thôi. Vấn đề hiện nay là cần phải nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, ông Hảo thừa nhận.
Việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, để nội dung sinh hoạt thực sự phong phú, hấp dẫn, lôi cuốn đảng viên tham gia, khắc phục sự nhàm chán, nhất là bệnh hình thức trong sinh hoạt, là một yêu cầu cấp thiết hiện nay. Nhiệm vụ đó trước hết là trách nhiệm của chi ủy, đòi hỏi người đứng đầu là bí thư chi bộ cơ sở vừa phải nắm vững nguyên tắc vừa phải linh hoạt sáng tạo trong điều hành, tổ chức sinh hoạt./.
Chuyện về Bí thư chi bộ Bản Ón được dân quý dân tin
Phòng, chống tham nhũng từ chi bộ, đảng bộ cơ sở: Dĩ hòa vi quý
Mỗi chi bộ của Đảng cần luôn có tinh thần cầu thị, lắng nghe
Từ khóa: sinh hoạt Đảng, chi bộ, đảng viên, im lặng, Tỉnh ủy Đắk Lắk
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN