Du lịch xứ dừa “ chuyển mình” sau đại dịch

Cập nhật: 25/01/2023

VOV.VN - Năm qua, tình hình kinh tế- xã hội ở tỉnh Bến Tre có mức tăng trưởng khá ở khu vực ĐBSCL, trong đó ngành du lịch có bước phát triển vượt bậc. Sau khi dịch bệnh covid-19 lắng dịu, hoạt động phục vụ khách tham quan, du lịch của xứ dừa có chuyển động mạnh, du khách ngày càng tăng.

Năm qua, hoạt động kinh doanh du lịch của công ty truyền thông du lịch C2T (tại thành phố Bến Tre) đạt khá ngoạn mục. Chủ trương của doanh nghiệp này là không chạy theo số lượng mà tập trung nâng cao chất lượng, đổi mới các sản phẩm du lịch để thu hút khách "vip" (tức là khách có thu nhập khá).

Hoạt động phục vụ khách tham quan của công ty truyền thông du lịch C2T chủ yếu là ở các tuyến sông chính của Bến Tre; tham quan các khu di tích văn hóa lịch sử, trải nghiệm tại các nhà dân, xem và bắt đom đóm, trồng cây xanh trên đất bãi bồi, chứng kiến hoạt động đánh bắt thủy sản trên sông; thưởng thức các món ăn dân gian, đặc sản tại Bến Tre. Tùy theo nhu cầu của du khách mà mỗi tour du lịch diễn ra từ 1-2 ngày. Năm qua, công ty đón tiếp hơn 3.000 du khách trong và ngoài nước. Riêng dịp Tết cổ truyền Quý Mão, du khách đã đăng ký mua vé qua mạng đến hết ngày mùng 10 Tết. 

Ông Võ Văn Phong, Giám đốc công ty truyền thông du lịch C2T chia sẻ: "Chúng tôi luôn thay đổi và nâng cấp sản phẩm cũ để khách cũ có thể trải nghiệm lại những cái mới và tìm những sản phẩm mới phù hợp với nhóm khách hàng mục tiêu của mình mong muốn. Cái thứ ba là luôn thay đổi và trải nghiệm dịch vụ của mình để thu hút khách hàng mới. Trong du lịch tôi có tư duy tìm khách hàng mới và bán sản phẩm mới cho khách hàng cũ và gia tăng số lần mua trong một năm. Từ đó luôn tạo cảm giác, trải nghiệm mới lạ, cảm xúc mới dựa trên văn hóa, bản địa cộng với tài nguyên môi trường ở đó".

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre cho biết, năm qua tổng lượng khách đến tham quan, du lịch tại địa phương hơn 1,2 triệu lượt người, tăng 445% so cùng kỳ năm ngoái; trong đó, khách nội địa đạt 1,1 triệu lượt người, tăng 18% so kế hoạch năm, khách quốc tế trên 91.500 lượt người. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 1.558 tỷ đồng.  So với nhiều tỉnh trong khu vực thì lượng khách đến Bến Tre năm qua đạt cao, địa phương có nhiều sản phẩm du lịch mới mẽ, mang tính đặc trưng, rất độc đáo để thu hút du khách.

Về với Bến Tre là đến với vùng đất “địa linh- nhân kiệt”,  vùng quê cách mạng, nơi có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời gắn với cái nôi của quê hương Đồng khởi. Trong năm qua, hoạt động du lịch Bến Tre có sự phục hồi với những tín hiệu tích cực, thu hút được nhiều du khách đến tham quan trải nghiệm, nhất là vào các dịp lễ, Tết. 

Đặc biệt, tỉnh Bến Tre đã tổ chuỗi các hoạt động chào mừng nhân Lễ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Thông qua các chuỗi hoạt động văn hóa này, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong và ngoài tỉnh cũng đã kết nối, tổ chức nhiều chương trình cho du khách đến tham quan trải nghiệm du lịch tại Bến Tre. Từ đó, lượng khách tăng cao, công suất sử dụng phòng tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt 80 - 90%.

 Để phát triển ngành du lịch, Bến Tre triển khai thực hiện kịp thời các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương, quan tâm, hỗ trợ hoạt động du lịch; tổ chức hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố Thành phố Hồ Chí Minh; thu hút các dự án đầu tư. Nhờ vậy, hoạt động kinh doanh du lịch tại xứ dừa như có thêm luồng gió mới, thúc đẩy phát triển. Chủ trương của tỉnh Bến Tre là đẩy mạnh hoạt động du lịch theo hướng cộng đồng, sinh thái, thân thiện với môi trường.

Nhiều điểm, khu du lịch sinh thái, du lịch xanh ở ven các con sông rạch, tại huyện Châu Thành, thành phố Bến Tre, huyện Chợ Lách hay du lịch ven biển của huyện Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại đã được hình thành và thu hút nhiều du khách xa gần tìm đến. 

Ông Võ Minh Trí, du khách đến từ Tp. Hồ Chí Minh sau khi tham quan, du lịch huyện biển Ba Tri, tỉnh Bến Tre chia sẻ: “Tôi đến Bến Tre du lịch rất nhiều lần, khoảng 10 lần rồi nhưng hôm nay được trải nghiệm chỗ mới là huyện Ba Tri. Mấy lần trước chỉ di tham quan ở huyện Giồng Trôm hoặc thành phố Bến Tre. Ở đây vùng biển rất là hoang sơ nhưng người dân rất nhiệt tình,nhưng có những dịch vụ tương đối mới lạ rất tốt".

Từ khi dịch bệnh Covid-19 lắng dịu, các đơn vị kinh doanh du lịch ở Bến Tre đều quan tâm, đầu tư, chỉnh trang, nâng cấp cơ sở, quan tâm, chú trọng xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới lạ, hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu của du khách; chất lượng phục vụ của đội ngũ quản lý, nhân viên cũng được cải thiện. Ngành du lịch xứ dừa tích cực tham gia các hoạt động, sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài tỉnh, từ đó tăng cường kết nối tuyến điểm du lịch với các tỉnh, thành trên cả nước.

Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nên Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bến Tre  rất quan tâm, chú trọng lĩnh vực này, phát huy tiềm năng lợi thế của xứ dừa, điều kiện sông nước, cây xanh tươi mát, cảnh quan thơ mộng, hiền hòa với các sản phẩm đặc sản mà ít nơi nào có được. Nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch đã và đang được đầu tư. Hiện tại có 4/5 dự án phát triển du lịch hoàn thành đưa vào sử dụng, với tổng vốn đầu tư hơn 350 tỷ đồng. Bên cạnh đó Bến Tre còn triển khai  29 dự án đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật kinh doanh du lịch với tổng số vốn đầu tư trên 3.300 tỷ đồng...

Để tạo nét đặc trưng riêng cho ngành du lịch, Bến Tre còn hoàn thiện và phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch chủ đạo gồm: sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng. Đặc biệt, tiếp tục tập trung phát triển du lịch 8 xã ven sông Tiền, du lịch 3 xã phía Nam thành phố Bến Tre; đề án Làng Văn hóa Du lịch Chợ Lách...

Tại cồn Ngoài thuộc xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri tuy mới phát triển hoạt động du lịch nhưng mỗi ngày cũng có trên dưới 100 du khách. Riêng các ngày lễ và ngày Tết cổ truyền như hiện nay, các điểm du lịch tại đây cũng đón tiếp trên 500 du khách. 

Ông Khổng Minh Tặng, Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận nói: “UBND xã đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn, tập trung phát triển điểm du lịch cồn ngoài. Để thực hiện vấn đề này, xã đã rà soát lại quy hoạch, xác định diện tích đất phát triển du lịch, nơi nào mình sẽ hình thành các điểm du lịch như thế nào. Tập trung tuyên truyền từ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tạo sự đồng thuận để thực hiện. Thời gian tới, địa phương tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài để đầu tư cơ sở hạ tầng; đặc biệt là giao thông đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân thuận lợi hơn, phát triển hình thành các khu dịch vụ tạo điểm nhấn, chỉnh trang lại các điểm, các khu để thu hút du khách”.

Có thể nói, từ khi có cầu Rạch Miễu ngành du lịch của tỉnh Bến Tre đã chuyển mình, lượng du khách mỗi năm ngày càng tăng. Người dân xứ dừa vốn hiền hòa, mến khách, giá cả, chi phí trong hoạt động du lịch ổn định, phải chăng đã tạo ấn tượng tốt đẹp để giữ chân khách tham quan.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và du lịch tỉnh Bến Tre cho biết, sau đại dịch các doanh nghiệp du lịch địa phương đã đi đúng hướng, từng bước đáp ứng nhu cầu du khách. Bến Tre tiếp tục đổi mới, nâng chất hoạt động, hướng du lịch sinh thái, du lịch biển. 

Bà Dung cho biết thêm: “Bây giờ sản phẩm du lịch phải mang nét riêng hiện có của Bến Tre khai thác từ hình ảnh cây dừa. Bến Tre có chính sách phát triển du lịch cộng đồng. Năm sau có sản phẩm du lịch gắn với sản phẩm Ocop bên du lịch khai thác trên tài nguyên bản địa với cái nông sản của địa phương. Bến Tre khuyến khích đầu tư phát triển mạnh mô hình du lịch cộng đồng trên toàn địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó  đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư các nhà đầu tư  vào đầu tư phát triển du lịch sinh thái biển tại 3 huyện ven biển”.

Năm nay, tỉnh Bến Tre phấn đấu thu hút hơn 1,4 triệu lượt du khách; trong đó khách quốc tế phấn đấu đạt 334.000 lượt người; doanh thu ngành du lịch đạt 1.647 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, toàn ngành du lịch tỉnh Bến Tre tiếp tục nỗ lực, tìm hướng đi riêng, tạo nét đặc trưng, khác biệt để du lịch xứ dừa ngày càng hấp dẫn du khách.

Trong những ngày ấm áp của Tết cổ truyền Quý Mão này, người dân xa gần qua cầu Rạch Miễu đổ về tỉnh Bến Tre để vui Xuân; các điểm tham quan du lịch đều đông khách với những chương trình, nội dung phục vụ quí khách đa dạng, phong phú trên tinh thần vui lòng khi đến, hài lòng khi ra về và sẽ sớm trở lại Bến Tre những lần tiếp theo./.

Từ khóa: xứ dừa, du lịch, du lịch xứ dừa, du lịch sau đại dịch

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập