Đồng bào Cơ tu ở miền núi Quảng Nam thoát nghèo nhờ cây ớt Ariêu
Cập nhật: 08/11/2024
Phụ nữ khởi nghiệp vì sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững (24/11/2024)
Mua sắm mùa Giáng sinh, khách hàng muốn trực tiếp “mắt thấy, tay cầm”
VOV.VN - Từ lâu, sản phẩm ớt Ariêu ở huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam được nhiều người biết đến bởi mùi vị rất riêng của núi rừng. Nhờ trồng ớt Ariêu một số hộ đồng bào Cơ Tu có cuộc sống tốt hơn, nhiều hộ đã thoát nghèo.
Gia đình chị A Lăng Thị Thảo, ở xã Mà Cooih, huyện miền núi Đông Giang đã chuyển đổi hơn 1 sào đất trồng bắp qua trồng ớt Ariêu. Sau 4 tháng ươm trồng và chăm sóc, cây ớt đã cho thu hoạch. Chị A Lăng Thị Thảo cho biết, mỗi năm, chị trồng 2 vụ, cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Sản phẩm được Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Mà Cooih bao tiêu với giá từ 250.000 đến 300.000 đồng/kg.
“Trước đây đời sống đồng bào Cơ Tu khó khăn, từ khi tham gia trồng ớt Ariêu đời sống được nâng lên. Chính quyền địa phương luôn đồng hành hỗ trợ giống cây trồng, kỹ thuật cho đồng bào dân tộc ở đây, đồng bào Cơ Tu ở đây vươn lên, có cuộc sống tốt hơn”, chị A Lăng Thị Thảo nói.
Xã Mà Cooih, huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam có 150 hộ dân là đồng bào Cơ Tu tham gia trồng ớt A Riêu, sản lượng khoảng 10 tấn mỗi năm. Nông sản này đã có mặt ở nhiều thị trường, giá cao gấp 4 đến 5 lần so với cây ngô, sắn. Các sản phẩm từ ớt Ariêu như: ớt ngâm muối, ớt ngâm măng chua, ớt bột tẩm gia vị giá từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng/hủ tùy loại. Còn giá ớt tươi từ 250.000 đến 300.000 đồng/kg.
Ông ALăng Diên, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Mà Cooih, huyện miền núi Đông Giang cho biết: ớt Ariêu thích nghi với thổ nhưỡng ở địa phương nên cây phát triển tốt, quả đẹp, có mùi vị đặc trưng của rừng. Hợp tác xã đang liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho người trồng. Đồng thời hỗ trợ bà con cây giống và hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng.
“Trước đây, cây ớt mọc ở trên rừng bà con hái về ăn thấy thơm, có mùi cay và hương vị đặc trưng mới đưa về trồng. Chúng tôi ký kết với bà con giúp đầu ra ổn định tăng thêm thu nhập. Hiện nay người dân nhân rộng diện tích trồng cây ớt Ariêu và phát triển tốt”, ông ALăng Diên cho biết.
Huyện miền núi Đông Giang đã triển khai dự án Bảo tồn và phát triển giống ớt Ariêu tại xã Mà Cooih theo quy hoạch giai đoạn 2022-2025 với diện tích 50 héc ta. Dự án này nhằm bảo tồn, nâng cao giá trị xây dựng thương hiệu đặc trưng giống ớt Ariêu, hình thành vùng chuyên canh sản xuất ớt Ariêu theo hướng hàng hóa, nâng cao năng lực sản xuất, thu nhập cho người dân.
Ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, huyện Đông Giang hỗ trợ kinh phí để mua cây giống cung cấp cho người dân trồng rộng rãi tại nhiều xã trong huyện.
“Sau khi tổ chức thành công lễ hội ớt Ariêu, có thể khẳng định rằng, du khách đến với khu du lịch sinh thái cổng trời Đông Giang biết đến nhiều hơn về sản phẩm ớt Ariêu này. Cùng với đó, đầu tư phát triển nhân rộng mô hình ớt Ariêu sản phẩm chủ lực được trồng bài bản và tập trung. Tại lễ hội ớt Ariêu Công ty Cổ phần khu du lịch sinh thái Hang Gợp-Tập đoàn FVG ký kết với Hợp tác xã bao tiêu sản phẩm ớt Ariêu tại xã Mà Cooih và xã Kà Dăng. Đây là cơ hội và hướng đi mới giúp bà con khi làm ra sản phẩm có được thu nhập và thoát khỏi cảnh nghèo khó. Chúng tôi tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị địa phương quảng bá truyền thông mạnh hơn sản phẩm ớt Ariêu, đưa đến những Hội chợ, ngày hội khởi nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh làm sao đó sản phẩm ớt có thêm thương hiệu”, ông Đỗ Hữu Tùng chia sẻ.
UBND huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cũng tổ chức Lễ hội ớt Ariêu. Qua đó, giới thiệu, quảng bá du lịch và nông sản địa phương, đặc biệt là sản phẩm ớt Ariêu. Từ một loại cây hoang dã, ớt Ariêu đã trở thành sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh, có mặt ở nhiều hội chợ nông sản trong và ngoài tỉnh.
Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Địa phương tăng cường xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu thụ để thương hiệu ớt Ariêu phát triển hơn nữa, giúp đồng bào vùng núi thoát nghèo.
“Quảng Nam là trong những địa phương có nhiều tiềm năng về phát triển cây dược liệu, cây bản địa rất đa dạng và phong phú, chủ yếu ở các huyện miền núi. Đặc biệt một sản phẩm 4 sao cấp tỉnh của huyện Đông Giang là ớt Ariêu được quảng bá giới thiệu đến đông đảo trong và ngoài nước. Huyện Đông Giang đã đưa sản phẩm đặc trưng quê nhà với các sản phẩm OCOP có giá trị kinh tế cao nhằm hướng đến xây dựng và phát triển, giải quyết việc làm thu nhập cho người lao động ở nông thôn. Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách cho phát triển nông nghiệp”, ông Lê Văn Dũng nói.
Từ khóa: Ớt Ariêu, Ớt Ariêu, đồng bào cơ tu, quảng nam, thoát nghèo,trồng Ớt Ariêu, thoát nghèo nhờ Ớt Ariêu
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: tuyết lê/vov-miền trung
Nguồn tin: VOVVN