Doanh nghiệp nội địa trở thành “nạn nhân” của Nghị định 20?
Cập nhật: 10/11/2020
Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 16/1
Nhận định chứng khoán 16/1: VN-Index có thể sẽ thử thách mức 1.240 điểm
VOV.VN - Nghị định 20 có hiệu lực, các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng nặng nề, vô hình chung gây tác động đến thị trường trong những năm gần đây.
Trước tình hình xói mòn cơ sở thuế nội địa và chuyển lợi nhuận là việc các doanh nghiệp đa quốc gia lợi dụng các lỗ hổng và sự không đồng bộ của hệ thống thuế của các quốc gia khác nhau để tránh thuế, các thành viên của OECD đã cùng nhau thống nhất Kế hoạch hành động về Chống xói mòn cơ sở và chuyển lợi nhuận nhằm loại trừ việc các doanh nghiệp đa quốc gia lạm dụng các lỗ hổng về thuế này.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ra đời có thể coi như là một “chính sách nhập khẩu” thực hiện theo khuyến nghị của Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD) và các nước phát triển G20 đưa ra trong Chương trình chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS gồm 15 hành động, trong đó hành động số 4 quy định về hạn chế xói mòn cơ sở tính thuế liên quan tới khấu trừ tiền lãi vay và các khoản thanh toán tài chính khác). Tuy nhiên, tổ chức này cũng khuyến nghị những nước không phải là thành viên không nhất thiết phải thực hiện toàn bộ 15 hành động, mà chỉ bắt buộc thực hiện 4 tiêu chuẩn tối thiểu được quy định tại các hành động số 5.6.13.14 (đây là những hành động đòi hỏi sự phối hợp cao giữa các quốc gia trong quá trình thực hiện Dự án BEPS và việc một quốc gia không thực hiện có thể gây ra tác động bất lợi đến các quốc gia khác), còn các hành động khác (bao gồm cả hành động số 4) BEPS đưa ra nhằm khuyến nghị các nước tham khảo có thể áp dụng tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước.
Tuy nhiên, kể từ thời điểm ban hành, Việt Nam chưa phải là thành viên chính thức của OECD và khi thực hiện triển khai Nghị định 20, chưa có doanh nghiệp đa quốc gia nào phản ảnh về việc bị ảnh hưởng của Nghị định 20 mà ngược theo số liệu thống kê cho thấy, các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng nặng nề, vô hình chung gây tác động đến thị trường trong những năm gần đây kể từ khi Nghị định 20 có hiệu lực. Mặt khác, các doanh nghiệp niêm yết là các doanh nghiệp nội địa và chỉ chỉ chiếm một phần nhỏ trong số hàng trăm ngàn doanh nghiệp nội địa không niêm yết và không báo cáo về việc ảnh hưởng của Nghị định 20.
Bên cạnh đó, Nghị định 20 không có cơ chế đặc thù để chống lại việc các doanh nghiệp đa quốc gia lợi dụng kẽ hở và sự không đồng bộ của hệ thống thuế giữa các quốc gia khác nhau để tránh thuế mà các doanh nghiệp nội địa lại trở thành “nạn nhân” của Nghị định 20.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Phúc cho rằng, Việt Nam nên tiếp tục nghiên cứu, tham khảo thêm các quy định và thông lệ quốc tế, đưa ra các hướng dẫn cụ thể hơn cho các mô hình hoạt động và ngành nghề đặc thù điển hình như hình thức huy động vốn thông qua mô hình công ty mẹ - con vì mục đích phát huy hiệu quả các hoạt động kinh tế hợp pháp của Tập đoàn, hoặc đối với các công ty phải sử dụng nguồn vốn rất lớn như lĩnh vực bất động sản. Việc áp dụng quy định nên có lộ trình và tham khảo thông lệ quốc tế BEPS, thực tiễn áp dụng ở các nước để quy định mang tính khả thi và thực sự đi vào đời sống của cộng đồng doanh nghiệp./.
Từ khóa: nghị định 20, sửa đổi nghị định 20, chống chuyển giá, BEPS, doanh nghiệp đa quốc gia, tránh thuế
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN