Doanh nghiệp nỗ lực bảo đảm thưởng Tết cho lao động
Cập nhật: 17/01/2021
TP.HCM sẽ ra mắt “cẩm nang đầu tư” dành cho kiều bào
Phiên chợ đặc sản bản địa đem hương vị Tết mọi miền đến TPHCM
VOV.VN - Dù gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song hầu hết doanh nghiệp đều cố gắng đảm bảo mức thưởng Tết cho người lao động.
Năm 2020, dệt may là một trong những nhóm ngành chịu ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19. Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, do tác động tiêu cực của dịch, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 35,27 tỷ USD, giảm 3,6 tỷ USD so với năm 2019, tương đương giảm 9,29%.
Ảnh hưởng từ Covid-19 đã khiến nhiều đơn hàng bị đứt gẫy, hàng chục nghìn lao động trong ngành bị mất việc, giảm giờ làm, nhiều doanh nghiệp may mặc phải mở rộng thị trường để tìm kiếm khách hàng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, nhiều công ty đã cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn bằng cách chuyển đổi quy trình sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh… Cùng với đó là giảm chi phí để có nguồn phúc lợi chăm lo cho người lao động.
Bà Trần Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Công ty TNHH May William Win cho biết, dù năm qua, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực nhưng doanh nghiệp luôn xác định chỉ khi chăm lo cho người lao động có Tết, người lao động mới có thể yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
“Trong những tháng Covid-19 vừa qua thì lao động cũng chia sẻ với công ty rất nhiều. Tinh thần của người lao động rất đáng ghi nhận. Mọi năm như thế nào thì năm nay công ty cũng cố gắng duy trì, sẽ thưởng cuối năm là 1 tháng lương” - bà Mai nói.
Theo báo cáo nhanh của 325 doanh nghiệp, đối với thưởng Tết Âm lịch năm 2021, mức bình quân là 3,8 triệu đồng/người. Doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 30 triệu đồng/người và doanh nghiệp có mức thưởng thấp nhất là 650 nghìn đồng/người.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cho rằng, vận động doanh nghiệp chỉ trả các khoản thưởng để người lao động có Tết ấm no cũng là điều được nhiều Hiệp hội, doanh nghiệp quan tâm. Đây chính là cách để doanh nghiệp giữ chân người lao động. Từ đó đảm bảo hoạt động sản xuất được phục hồi và duy trì trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
“Chúng tôi trao đổi với các doanh nghiệp, nhìn chung các doanh nghiệp đang hoạt động luôn xác định việc bảo đảm thu nhập Tết, phúc lợi Tết cho mọi người lao động. Về phía Hiệp hội, chúng tôi đang đẩy mạnh các chương trình chăm lo Tết cho công nhân. Những người khó khăn thì chúng tôi năm nay sẽ đưa các chương trình chăm sóc đến công nhân trực tiếp của các doanh nghiệp” - ông Dũng cho biết.
Để tăng cường công tác hỗ trợ, giám sát thực hiện pháp luật về lao động, tiền lương, quan hệ lao động trong các doanh, nhất là trong điều kiện giáp Tết năm 2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các sở, địa phương chủ động phối hợp với Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, Liên đoàn Lao động và các cơ quan liên quan… nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, đời sống công nhân lao động.
Theo đó, địa phương chủ động hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các nội dung về tiền lương, tiền thưởng và các chế độ phúc lợi khác đối với người lao động trong dịp Tết. Cùng với đó là tuyên truyền, vận động để người lao động, người sử dụng lao động có những thỏa thuận, bảo đảm cùng nhau chia sẻ khó khăn trong bối cảnh bị tác động bởi đại dịch Covid 19./.
Từ khóa: doanh nghiệp, thưởng Tết, người lao động, dịch Covid-19
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN