Doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường thông qua thực thi EPR

Cập nhật: 17 giờ trước

VOV.VN - Theo báo cáo của Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trước khi có quy định về thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (gọi tắt là EPR), phần lớn bao bì sau khi sử dụng được thải trực tiếp ra môi trường.

Đến ngày 31/03/2025, các nhà sản xuất, nhập khẩu phải đăng ký, kê khai kế hoạch tái chế và kê khai số tiền đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, hỗ trợ xử lý chất thải của năm 2024. Việc đăng ký, kê khai này sẽ được thực hiện trực tuyến. Đây là 1 trong những nội dung quan trọng được đưa ra tại Hội thảo tập huấn triển khai thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu do Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp cùng Báo Nông nghiệp và Môi trường tổ chức sáng nay (25/3) tại Hà Nội.

Theo Nghị định số 05 ngày 06/01/2025 của Chính phủ, trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu được quy làm 2 nội dung:

Đối với trách nhiệm tái chế, nhà sản xuất các sản phẩm săm lốp, dầu nhớt, pin, ắc quy và một số loại bao bì có trách nhiệm tái chế từ ngày 01/01/2024; nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện và điện tử có trách nhiệm tái chế từ ngày 01/01/2025; nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm phương tiện giao thông có trách nhiệm tái chế từ ngày 01/01/2027.

Đối với trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải, nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm pin dùng một lần, tã lót, kẹo cao su, thuốc lá,…một số sản phẩm nhựa tổng hợp và bao bì thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải từ ngày 01/01/2022. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn đang gặp khó khăn trong việc áp dụng và tuân thủ các quy định này.

Theo báo cáo của Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trước khi có quy định về thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (gọi tắt là EPR), phần lớn bao bì sau khi sử dụng được thải trực tiếp ra môi trường. Tuy nhiên, khi Việt Nam đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, nhất khi áp dụng các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, các nhà sản xuất bắt buộc phải tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường.

Bà Trương Thị Thanh Hoa, đại diện Công ty Coca Cola Việt Nam băn khoăn: "Coca Cola đóng trong chai thủy tinh và công ty có thực hiện thu hồi các vỏ chai đấy để xử lý và đóng rót lại chai và đưa ra thị trường thì có phải thực hiện tái chế cho sản phẩm này không? Nếu trong trường hợp vào ngày 30/03/2024 doanh nghiệp đã thực hiện đưa chai thủy tinh đó vào báo cáo kế hoạch tái chế cho năm 2024 thì khi báo cáo trước ngày 30/03/2025 có được sửa lại báo cáo năm 2024 để loại bỏ không, trong trường hợp chai thuỷ tinh đó không nằm trong đối tượng phải tổ chức tái chế?"

Ông Nguyễn Văn Phan, cán bộ văn phòng EPR cho biết, một trong những thay đổi quan trọng của Nghị định 05, đó là quy định rõ việc loại trừ trách nhiệm EPR đối với một số nhóm nhà sản xuất, nhập khẩu bao bì. Bao bì, pin sạc - ắc quy, dầu nhớt, săm lốp, sản phẩm điện, điện tử, phương tiện giao thông nằm trong nhóm danh mục bắt buộc phải đóng góp EPR. Trong đó, các nhà sản xuất, nhập khẩu bao bì chịu ảnh hưởng chính. Đây là các nhà sản xuất bao bì thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm tẩy rửa, xi măng…

"Nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì để xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm; Nhà sản xuất, nhập khẩu có doanh thu bán các sản phẩm thuộc nhóm bao bì dưới 30 tỷ đồng/năm; Nhà sản xuất bao bì mà bao bì đó được chính nhà sản xuất đó thu hồi, đóng gói để tiếp tục đưa ra thị trường với tỷ lệ bằng hoặc cao hơn tỷ lệ tái chế bắt buộc," ông Phan nêu rõ.

Theo quy định, thời điểm các nhà sản xuất, nhập khẩu phải đăng ký, kê khai kế hoạch tái chế và kê khai số tiền đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, hỗ trợ xử lý chất thải là trước ngày 31/3 hằng năm.

Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, cơ sở pháp lý đã quy định đầy đủ cho doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu lựa chọn hình thức tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế.

Theo ông Trung, việc đăng ký, kê khai, báo cáo việc thực hiện trách nhiệm sẽ được thực hiện trực tuyến trên Hệ thống thông tin EPR Quốc gia thay vì nộp bản giấy, giúp việc thực hiện chế độ kê khai, báo cáo thuận lợi, dễ dàng và tiết kiệm chi phí: "Với trách nhiệm của mình thì chúng tôi cam kết đồng hành với cả các doanh nghiệp để chúng ta hiểu rõ hơn và thực hiện trách nhiệm của mình tốt hơn trong thời gian sắp tới. Chúng tôi đang tham mưu với Bộ cũng như Chính phủ để làm sao chúng ta hoàn thiện thêm một bước nữa đối với những quy định của EPR cũng như hoàn thiện thêm thể chế, chế tài xử phạt liên quan đến những nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà sản xuất nhập khẩu bao bì cũng như sản phẩm của mình nếu như không thực hiện nghĩa vụ của mình."

Cũng tại hội thảo, Văn phòng EPR đã thông tin về quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu; cập nhật về hướng dẫn đăng ký, kê khai, báo cáo thực hiện EPR; cùng thảo luận với phía doanh nghiệp để triển khai thực hiện và đưa ra nhiều góc nhìn quan trọng và giải pháp thiết thực trong việc triển khai chính sách nhằm thúc đẩy thu gom, tái chế, giảm thiểu tác động đến môi trường.

Từ khóa: Bộ Nông nghiệp và môi trường, xuất khẩu,Bộ Nông nghiệp và Môi trường,trực tuyến

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: quang huy/ vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập