Đề xuất làm việc 44 giờ/tuần chưa được đồng thuận
Cập nhật: 25/09/2019
Thắp sáng cây thông ánh sáng bên sông Hàn Đà Nẵng
Nhiều thí sinh Campuchia, Lào tranh tài tại Hội thi Bàn tay vàng cao su năm 2024
VOV.VN - Việc đề xuất điều chỉnh giờ làm từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần lại khiến doanh nghiệp băn khoăn.
Hiện nay, các cơ quan chức năng đang lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi trước khi trình Quốc hội vào cuối năm 2019. Nhiều nội dung trong dự thảo bộ luật này còn có ý kiến khác nhau, nhất là dự định giảm giờ làm từ 48h/tuần xuống còn 44h/tuần.
Chị Nguyễn Thị Trang làm việc tại Công ty Chang Shin ở tỉnh Đồng Nai. Mỗi tuần chị chỉ được nghỉ vào Chủ Nhật, nên thiếu thời gian chăm sóc hai con đang “tuổi ăn, tuổi lớn”. Chị rất vui khi nghe nội dung Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi lần này giảm giờ làm cho người lao động. Khi đó, người lao động có thể nghỉ thêm được 2 ngày trong tháng, hoặc mỗi tuần chỉ làm thêm nửa ngày, thời gian còn lại giành cho gia đình.
Công nhân ở Đồng Nai trong giờ làm việc (Ảnh: Báo Đồng Nai) |
Chị Trang bày tỏ: “Giảm giờ làm thì doanh nghiệp có thể gặp khó khăn khi đơn hàng nhiều, nhưng doanh nghiệp thỏa thuận với chúng tôi tăng ca. Chúng tôi sẵn sàng tăng ca, nhưng với điều kiện ở mức thời gian cho phép đảm bảo sức khỏe cho người lao động".
Không chỉ chị Trang mà nhiều người lao động hiện nay rất ủng hộ phương án giảm giờ làm mà Dự thảo Bộ Luật lao động sửa đổi đưa ra, để có thêm thời gian học tập, chăm lo cho gia đình và tái tạo sức lao động.
Chuyên gia lao động Trần Văn Triều, người có 35 kinh nghiệm lĩnh vực này, cho rằng, việc giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ và tất yếu. Năm 1999, Chính phủ quy định thực hiện chế độ làm việc 40 giờ/tuần đối với khu vực hành chính sự nghiệp, còn lực lượng lao động ngoài nhà nước vẫn duy trì làm việc 48h/tuần, đây là khoảng cách không phù hợp trong điều kiện hiện nay. Lực lượng lao động trực tiếp, sản xuất theo dây chuyền chịu áp lực cao, lao động vất vả, dễ kiệt sức, trong khi việc bồi bổ sức lao động chưa được đảm bảo.
Ông Trần Văn Triều đồng ý với dự kiến giảm giờ làm của người lao động xuống còn 44 giờ/tuần và từng bước kéo giờ làm của người lao động gần với khối khu vực hành chính.
"Thời gian làm việc nhiều, sức khỏe người lao động giảm sút, thì năng suất lao động không thể tăng. Nếu có thời gian cho người lao động nghỉ ngơi, tái tạo sức khỏe, tình trạng tại nạn lao động giảm, bệnh nghề nghiệp sẽ giảm rất rõ. Khi thời gian làm việc của người lao động giảm, doanh nghiệp phải đổi mới máy móc, đào tạo lại nguồn nhân lực để dù làm việc còn 44 giờ/tuần thì năng suất lao động vẫn đảm bảo như 48 giờ/tuần", ông Triều phân tích.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh giờ làm từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần lại khiến doanh nghiệp băn khoăn, bởi năng suất lao động tại Việt Nam chưa cao. Ở nhiều nước có thu nhập bình quân đầu người cao hơn Việt Nam nhưng vẫn làm việc từ 48 giờ/tuần đến 52 giờ/tuần. Song song đó, để đáp ứng yêu cầu sản xuất thì buộc doanh nghiệp phải tuyển thêm lao động, còn muốn tăng ca lại vướng quy định thời gian tăng ca trong tháng.
Theo khảo sát của Vụ Pháp chế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội với 56 doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM và Đông Nam bộ về việc giảm giờ làm tiêu chuẩn cho thấy, nếu giảm giờ làm so với hiện nay thì các công ty này phải tuyển thêm 30.000 lao động.
Công ty TNHH Pouchen, 100% vốn Đài Loan, đặt tại huyện Bình Chánh (TPHCM) có 68.000 lao động và đang thiếu khoảng 1.000 người nhưng 6 tháng nay tuyển chưa đủ. Nếu giảm giờ làm theo dự thảo thì công ty phải tuyển thêm khoảng 5.000 lao động nữa.
Ông Kim Vĩnh Cường, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Pouchen kiến nghị: "Tháng cao điểm công nhân cũng có nhu cầu tăng ca, nhưng quy định 1 tháng giới hạn tăng ca 30 giờ là không phù hợp. Vì công ty có tháng đứt hàng thì muốn tăng ca cũng không có hàng. Theo tôi dự thảo luật nên quy định giới hạn ngày không tăng ca quá 4 giờ và chỉ giới hạn khống chế thời gian tăng ca trong năm".
Đối với những doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ thì tuyển thêm lao động lại càng khó khăn hơn. Cụ thể như Công ty TNHH Intel Products VietNam, sau khi tuyển dụng thì phải sau 6 tháng đào tạo, người lao động mới có thể bắt đầu công việc.
Bà Phạm Thị Hồng Yến, Trưởng phòng Nhân sự của doanh nghiệp này cho rằng: "Nếu giảm giờ làm mà không được tăng giờ tăng ca thì doanh nghiệp phải tuyển thêm lao động, mà tăng lao động thì kéo theo chí phí giá thành tăng theo. Việt Nam là nơi thu hút đầu tư một phần do lượng lao động thấp, nhưng bây giờ chi phí lao động tăng thì đó là câu hỏi rất lớn đối với nhà đầu tư”.
Để giải quyết hài hòa lợi ích giữa người lao động và doanh nghiệp, gỡ vướng mắc nếu giảm số giờ làm trong tuần, ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch Công đoàn Công ty Chang Shin (Đồng Nai) đề xuất cho tăng số giờ tăng ca trong năm và không quy định cứng nhắc giới hạn tăng ca trong tháng như hiện nay.
"Thời gian khốc liệt giao hàng thì cho phép doanh nghiệp có thể huy động lao động làm việc thêm ngày thứ 7 và trả lương ngoài giờ. Tôi đề nghị cho phép tăng ca trong năm 400-500 giờ và cho phép doanh nghiệp linh hoạt số giờ tăng ca trong tuần, trong tháng khi vào vụ mùa đơn hàng gấp", ông Tú nói.
Giảm giờ làm là một xu hướng tất yếu nhưng cũng cần phải nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích cho người lao động và doanh nghiệp, đảm bảo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, tạo được tính cạnh tranh và thu hút tốt đầu tư. Trước áp lực cạnh tranh hiện nay, doanh nghiệp phải đổi mới thiết bị, máy móc, cải tiến quy trình sản xuất, đào tạo tay nghề để nâng cao năng suất lao động./.
“Điểm nghẽn” nào khiến năng suất lao động Việt Nam mãi thấp?
Từ khóa: công nhân, làm việc 44 giờ/tuần, đề xuất giảm giờ làm, năng suất lao động
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN