Day dứt từ các vụ án xử cựu quan chức
Cập nhật: 27/01/2020
Tổ quốc luôn dang rộng vòng tay để kiều bào gánh vác việc nước (22/1/2025)
Ngày cuối cùng của Tổng thống Biden ở Nam Carolina trước khi kết thúc nhiệm kỳ
VOV.VN - Gián tiếp đẩy cấp dưới vào cảnh tù tội, trong số các bị cáo có nhiều người đã tỏ ra ân hận trước tòa.
Người đứng đầu sai, một loạt cấp dưới vào tù
Cuối năm Kỷ Hợi, chốn pháp đình lại “nóng lên” với hai vụ đại án: Vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG, đưa ra xét xử hai cựu Bộ trưởng TT&TT và vụ án Phan Văn Anh Vũ thâu tóm đất công sản, đưa ra xét xử hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng. Các bị cáo trong hai vụ án này đều từng giữ những chức vụ cao, từng quyền lực một thời và cấp dưới của họ cũng đứng đầu các sở, ngành hoặc các vụ, cục.
Cựu Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son được dẫn giải đến tòa phiên xử AVG. (Ảnh: Trọng Phú) |
Trong cả hai vụ án, nổi bật lên là vai trò dẫn dắt đến sai phạm của những người đứng đầu. Trong vụ AVG, cựu Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son đã quyết liệt chỉ đạo cấp dưới thực hiện thương vụ mua bán 95% cổ phần AVG với giá “trên trời”, gây thiệt hại cho Nhà nước 6.590 tỷ đồng. Dù ông Son và dàn lãnh đạo Mobifone biết rõ AVG kinh doanh yếu kém, khó có khả năng sinh lời.
Động lực nào khiến ông Son làm như vậy? Dư luận có câu trả lời ngay là chiếc va li hối lộ 3 triệu USD của Phạm Nhật Vũ. Chính ông Son thừa nhận: “Tội danh tôi đã nhận thì luật sư không cần bào chữa nữa”. Nghĩa là ông Son đã “đề cao” tư lợi cá nhân trong việc chỉ đạo cả một bộ máy, cả một quy trình làm theo cái sai.
Nhìn lại một loạt vụ án xảy ra gần đây tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Thành phố Đà Nẵng hay Bộ TT&TT đều có một đặc điểm chung là: Khi cấp trên vi phạm thì cấp dưới ít khi dám đấu tranh. Phần vì nể nang, sợ bị trù dập, hoặc do biểu hiện cơ hội, muốn lấy lòng cấp trên để thăng tiến và hưởng lợi ích vật chất.
Thiếu tinh thần đấu tranh là điều đáng phê phán, song cũng cần có cơ chế cho việc này. Với việc người đứng đầu có nhiều quyền như hiện nay, “trên đe dưới phải sợ” thì việc kiểm soát quyền lực là một bài toán cấp thiết đặt ra. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế, pháp luật”.
Những giọt nước mắt vì làm “đúng quy trình”
Trở lại phiên tòa xử Phan Văn Anh Vũ cùng hai cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng, bị cáo Phan Xuân Ít (Cựu Phó Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng) đã bật khóc nức nở. Ông Ít trình bày: “Bị cáo chỉ là người có trách nhiệm trình lên lãnh đạo UBND thành phố theo quy trình. Xem xét các văn bản của Sở, ban ngành gửi lên chứ không tham mưu nên không thể là đồng phạm giúp sức cho các bị cáo trong vụ án này”.
Ông Ít chỉ là một trong những mắt xích phải làm theo quy trình hành chính. Và khi những chủ trương, chỉ đạo từ cấp trên sai thì tất cả các mắt xích trong quy trình ấy phải nhận hậu quả. Với hai tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát lãng phí” và tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, ông Phan Xuân Ít bị tuyên phạt 6 năm tù.
Cựu Phó Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng - Phan Xuân Ít khóc nức nở tại tòa. |
Không ít cán bộ đã phải đứng trước ngã ba đường: Không chấp hành chỉ đạo của cấp trên thì không hoàn thành nhiệm vụ được giao, bị kỷ luật. Còn chấp hành thì có nguy cơ đứng trước tòa. Và người dự tòa không khỏi xót xa khi thấy những kỹ sư, những bộ óc hàng đầu của Mobifone hay Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, những con người từng làm nên “thành phố đáng sống” Đà Nẵng, nay quyền công dân cũng chẳng còn.
Gián tiếp đẩy cấp dưới vào cảnh tù tội, trong số các bị cáo có nhiều người đã tỏ ra ân hận trước tòa. Điển hình như ông Nguyễn Bắc Son. Trong phần tự bào chữa, cựu Bộ trưởng TT&TT tự nhận trách nhiệm là người đứng đầu, xin giảm án cho các thuộc cấp.
“Bản thân tôi có vị trí là người cao nhất, đứng đầu. Nên đối với các thành viên trước đây là cấp dưới, tôi xin đề nghị tòa khoan hồng. Đối với bị cáo Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phạm Đình Trọng là những người rất tâm huyết với nghề. Tôi xin xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo nói trên. Đối với các bị cáo Hoa Mai, Hồ Tuấn, Đăng Nguyên, tôi đề nghị với tư cách công dân là mong tòa khoan hồng với họ. Xử án treo với bị cáo Phương Anh, Bảo Long, Mạnh Hùng là phù hợp.” - Ông Son ân hận trước tòa.
Cựu Chủ tịch Đà Nẵng - Trần Văn Minh. (Ảnh: TTXVN) |
Ở mặt khác, có những bị cáo như cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh đến phút cuối vẫn cho rằng, mình làm việc vì sự phát triển chung của thành phố, không có tội và không vụ lợi. Họ làm như vậy vì “mong muốn tạo cơ chế đặc thù, thu hút đầu tư” cho Thành phố đáng sống. Song, pháp luật rất rõ ràng, không thể có sự nhầm lẫn.
Những phiên tòa xử cựu quan chức luôn gây chú ý với dư luận xã hội. Người ta thấy ở đó hình ảnh một thời của họ khi còn đương chức, đương quyền và khi đã “ngã ngựa”. Dư luận cũng thấy được cả nhân cách của họ trong ứng xử với cấp dưới khi không còn “anh anh- tôi tôi”. Những phiên tòa như vậy cũng để lại những lời cảnh tỉnh cho những ai nếu biết trước sẽ có ngày phải “vạch tội” nhau trước tòa./.
Cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh bị tuyên án 17 năm tù
Ông Nguyễn Bắc Son làm đơn kháng cáo, xin giảm nhẹ án vì sức khỏe
Từ khóa: AVG, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, tòa tuyên án, xử cựu Chủ tịch Đà Nẵng
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN