Dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư tuyến giáp

Cập nhật: 05/09/2023

VOV.VN - Ung thư tuyến giáp là một bệnh ác tính hình thành từ các tế bào phát triển bất thường ở tuyến giáp.

Dấu hiệu ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu thường không rõ ràng và rất khó phát hiện. Do đó, người bệnh phần lớn là phát hiện ra khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc đang thực hiện các biện pháp chẩn đoán một loại bệnh khác.

Dấu hiệu ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu: 

Phần lớn các trường hợp ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng, thường bị bỏ sót. 

Một số dấu hiệu ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu cần hết sức lưu ý đó là người bệnh xuất hiện các hạch và khối u bất thường ở cổ, cổ bị sưng. Những khối u này thường cứng, thấy rõ bờ, chuyển động theo nhịp mỗi khi người bệnh nuốt. Ngược lại, các hạch lại mềm, nằm cùng bên với khối u và có thể di chuyển được. 

Những biểu hiện khác của ung thư tuyến giáp:

  • Bệnh nhân bị khàn tiếng, thay đổi giọng nói;
  • Cơ thể mệt mỏi;
  • Các tuyến ở cổ bị sưng;
  • Ho kéo dài mãi không khỏi, nguyên nhân không phải là do cảm lạnh;
  • Khó thở hoặc gặp các vấn đề khác liên quan tới hô hấp;
  • Cổ đau. Vị trí đau có thể là phía trước cổ hoặc ở sau tai;
  • Khó nuốt.

Bên cạnh các dấu hiệu ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu, chúng ta cũng cần nhận biết các triệu chứng của căn bệnh này khi tiến triển sang các giai đoạn tiếp theo để lựa chọn phương án điều trị sao cho phù hợp.

Ung thư tuyến giáp giai đoạn phát triển sẽ nghiêm trọng hơn, bao gồm:

  • Khối u ác tính trở nên to và cứng hơn, nằm cố định tại vị trí trước cổ;
  • Khi gia tăng kích thước, khối u sẽ chèn ép vào dây thanh quản và khí quản khiến cho bệnh nhân bị khó thở, khàn giọng, khò khè;
  • Cổ họng luôn có cảm giác nghèn nghẹn, khó nuốt;
  • Vùng da ở cổ bị thâm đỏ hoặc chảy máu.
  • Ung thư tuyến giáp khi tái phát:
  • Khó thở, khó nuốt gia tăng;
  • Cổ sưng và khối u xuất hiện lại ở cổ. Khi tái phát khối u thường phát triển rất nhanh;
  • Ho liên tục, ho kéo dài;
  • Cổ đau từ đằng trước lên đến tai.

Ung thư tuyến giáp có tỷ lệ tái phát lên tới 30%, đặc biệt là ở vùng cổ có thể chiếm 80%. Những trường hợp còn lại là khi ung thư tuyến giáp đã di căn xa, tức là khi khối u lan rộng và xuất hiện ở các cơ quan, tổ chức khác trong cơ thể như xương, gan hoặc phổi,...

Ung thư tuyến giáp bất kể là nguyên phát hay tái phát đều có cơ hội điều trị được nếu được chẩn đoán sớm. Đối với các bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp và đã từng tiếp nhận điều trị thì cần theo dõi bệnh chặt chẽ và thường xuyên, đồng thời thực hiện tái khám theo theo lịch hẹn của bác sĩ. Việc này giúp người bệnh có thể phòng ngừa được tình trạng ung thư tái phát và hạn chế được các triệu chứng nghiêm trọng của bệnh.

Khi phát hiện các dấu hiệu của ung thư tuyến giáp, người bệnh cần làm những gì? 

Một số phương pháp chẩn đoán bệnh nhân có thể được chỉ định để kiểm tra các dấu hiệu ung thư bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: giúp đo lường nồng độ calcitonin có trong máu;
  • Dùng kim nhỏ chọc hút tế bào vùng tuyến giáp nghi ngờ để xác định đó là nhân giáp lành tính hay ác tính;
  • Siêu âm tuyến giáp: nhằm phát hiện và đánh giá được tính chất, đặc điểm, số lượng các hạch ở cổ;
  • Sinh thiết: đây là kỹ thuật để phát hiện các tế bào ung thư hiện diện trong tuyến giáp

Cách giúp phòng bệnh ung thư tuyến giáp

Lưu ý tới các dấu hiệu ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu:

Khi ở giai đoạn sớm, ung thư tuyến giáp thường bộc lộ các triệu chứng như khàn tiếng, đau cổ, sút cân, mệt mỏi,... Vì vậy bệnh nhân rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác nên thường có tâm lý chủ quan không đi khám sớm. Do đó khi bệnh đã ở giai đoạn tiến triển thì mới được phát hiện ra, gây nên nhiều khó khăn cho việc điều trị và giảm tỷ lệ sống sót cho bệnh nhân. 

Để phòng ngừa ung thư tuyến giáp, mỗi người bên duy trì lịch thăm khám sức khỏe định kỳ thường xuyên, nhất là khi cảm nhận được những dấu hiệu bất thường cảnh báo ung thư tuyến giáp.

Chế độ ăn uống lành mạnh, ít chất béo:

Ít ai biết rằng việc tiêu thụ chất béo nhiều quá mức cho phép sẽ khiến chúng ta gia tăng nguy cơ bị ung thư tuyến giáp. Chính vì vậy, để ngăn ngừa tình trạng này, mỗi người cần thực hiện chế độ ăn cắt giảm chất béo như đồ chiên rán, thức ăn nhanh, ngoài ra nên bổ sung thêm nhiều rau xanh, các loại hoa quả và thực phẩm chứa nhiều khoáng chất, vitamin cho cơ thể.

Tránh tiếp xúc thường xuyên với tia bức xạ:

Tia bức xạ có khả năng khiến con người dễ mắc ung thư hơn. Ngoài tia bức xạ từ ánh sáng mặt trời, các xét nghiệm hình ảnh trong y khoa cũng không có lợi cho sức khỏe con người nếu lạm dụng quá nhiều. Do đó nên nếu trẻ em cần phải tiến hành sử dụng những xét nghiệm này trong chẩn đoán bệnh thì các bậc phụ huynh cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa. 

Duy trì khối lượng cơ thể một cách hợp lý:

Không riêng gì bệnh ung thư tuyến giáp mà đối với cả những bệnh lý khác, nếu chúng ta biết cách duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý theo phương pháp khoa học, lành mạnh thì sẽ góp phần phòng ngừa được rất nhiều bệnh ung thư. Mỗi người nên ngủ đủ giấc, ăn đủ bữa, đúng giờ, thường xuyên luyện tập, vận động thể dục thể thao điều độ.

Cân bằng lượng iot trong cơ thể:

Dư thừa hay thiếu hụt iot đều gây ảnh hưởng tới chức năng hoạt động của tuyến giáp. Nếu tuyến giáp gặp tình trạng mất cân bằng thì cơ thể sẽ gặp tình trạng kháng thuốc, thậm chí sản sinh ra các tế bào ung thư.

Từ khóa: tuyến giáp, ung thư tuyến giáp, dấu hiệu ung thư tuyến giáp, biểu hiện, ho, khó thở, hô hấp, triệu chứng ung thư

Thể loại: Y tế

Tác giả: ctv vũ gia/vov.vn (biên dịch)

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập