Đại biểu dân cử: Giám sát hình thức sẽ làm dân bức xúc
Cập nhật: 28/03/2021
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Rõ ràng là, vai trò giám sát của HĐND ở địa phương rất lớn, nhưng vẫn tồn tại những bức xúc của người dân trong lĩnh vực đất đai; cho thấy ở nhiều địa phương HĐND chưa làm hết trách nhiệm.
Nhiệm kỳ qua, công tác giám sát của HĐND tại địa phương đã có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức giám sát, tập trung vào các vấn đề “nóng” mà người dân quan tâm. Song những kết quả đạt được vẫn còn hạn chế cần phải thay đổi để hoạt động giám sát không còn là hình thức.
Vi phạm quản lý đất đai vì thiếu giám sát?
Chưa bao giờ vấn đề vi phạm pháp luật về đất đai lại nóng như thời gian qua, nó tồn tại kéo dài, công khai như thách thức dư luận. Điển hình như vụ việc 500 biệt thự xây chui ở trung tâm TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; tình trạng kênh rạch ở Bình Dương bị lấn chiếm để xây dựng nhà hàng, tiệc cưới hơn 3 năm nay mà không ai hay biết; hay trên một xã đảo Long Sơn tồn tại hơn 90 công trình trái phép nhưng tới gần đây chính quyền TP.Vũng Tàu mới xử lý. Theo ý kiến của nhiều cử tri thì việc xử lý đối với sai phạm này như “bắt cóc bỏ đĩa” là bởi pháp luật về đất đai còn nhiều kẽ hở; chính quyền nhiều nơi chưa quyết liệt và nhất là chưa thấy được vai trò giám sát của HĐND ở các địa phương.
Cử tri Nguyễn Thị Thu Hương, phường 8, TP.Vũng Tàu kiến nghị: "Là một cử tri tôi thấy rằng, trong thời gian vừa qua TP. Vũng Tàu xử lý người đứng đầu địa phương khi để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép, sử dụng đất chưa nhiều và thiếu quyết liệt. Thành ủy Vũng Tàu đưa nội dung này vào nghị quyết để thực hiện và hành động, tuy nhiên với tôi nên đưa vấn đề này vào nội dung giám sát thời gian tới".
Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân năm 2003, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định và đã trao quyền cho HĐND các cấp trong giám sát việc tuân theo hiến pháp, pháp luật ở địa phương; giám sát hoạt động, giám sát quyết định của UBND... Rõ ràng là, vai trò giám sát của HĐND ở địa phương rất lớn, nhưng vẫn tồn tại những bức xúc của người dân trong lĩnh vực đất đai; cho thấy ở nhiều địa phương HĐND chưa làm hết trách nhiệm, hoặc là có thực hiện giám sát nhưng chỉ mang tính chiếu lệ.
Cử tri Trần Quang Bảo, ngụ ở phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cho rằng, để phát huy được vai trò của HĐND trong giám sát pháp luật ở địa phương thì người đại biểu của nhân dân phải thực sự gần dân: “Chúng tôi đề nghị, HĐND phải kiên quyết trong vấn đề giám sát để nắm được tâm tư nguyện vọng của dân. Đại biểu HĐND được giao nhiệm vụ cần sát dân hơn nữa, phát huy dân chủ cơ sở. Có như vậy, HĐND sẽ làm tốt trách nhiệm cùng với chính quyền thực hiện tốt Nghị quyết của Đảng đề ra”.
Đổi mới và đi sát thực tế
Nếu so với trước đây, hoạt động giám sát của HĐND các cấp ở địa phương nhiệm kỳ này đã có nhiều đổi mới. Thay vì chỉ ngồi nghe báo cáo thì nay đại biểu HĐND ở các địa phương như: Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu đã chủ động tiến hành giám sát, khảo sát thực tiễn, thu thập thông tin để phát hiện những vấn đề phát sinh để đưa ra giải pháp khắc phục. Việc chất vấn tại các kỳ họp HĐND cũng đã nêu lên được nhiều vấn đề nóng, liên quan đến quyền, lợi ích của nhân dân. Song, thực tế thì việc giám sát vẫn còn một số hạn chế.
Đó là, trong quá trình giám sát còn ngại va chạm dẫn đến chưa phản ánh đúng hết thực trạng. Việc theo dõi kết quả, đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau giám sát đôi khi chỉ dừng lại ở mức theo dõi để phản ánh tình hình chung. Chính những hạn chế này dẫn tới hiện tượng “con voi chui lọt lỗ kim” như những câu chuyện vi phạm pháp luật về đất đai xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Đồng Nai hay Bà Rịa Vũng Tàu thời gian qua.
Phải thấy rằng, giám sát không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của HĐND và các đại biểu HĐND. Bởi vậy để hoạt động này đi vào thực chất, hiệu quả, theo ông Nguyễn Hữu Lộc - Phó Chủ tịch HĐND huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trước hết phải xác định vấn đề giám sát, vai trò của tổ đại biểu và các đại biểu HĐND nơi ứng cử. Phải dành thời gian cho cử tri phát biểu, biết lắng nghe nguyện vọng của cử tri, từ đó giải quyết vấn đề đến nơi đến chốn.
Phó Chủ tịch HĐND huyện Xuyên Mộc - Nguyễn Hữu Lộc cho rằng: "Phải thể hiện vai trò, đạo đức, bản lĩnh của đại biểu HĐND. Phải đặt lợi ích của cử tri lên trên hết, đặt lợi ích chung lên trên hết thì đại biểu mới có đủ dũng khí có tiếng nói. Khi đặt vấn đề tại các kỳ họp thì với vai trò là truyền tải nguyện vọng của cử tri thì đại biểu đề xuất những nội dung giám sát để trình ra kỳ họp, từ đó HĐND mới xem xét nội dung đưa ra quyết định giám sát".
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc đại biểu kiêm nhiệm cũng tạo nên hạn chế trong công tác giám sát. Tiến sĩ Đinh Đức Duy- Phó trưởng khoa phụ trách khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Chính trị tỉnh Bình Dương cho rằng, HĐND cần nghiên cứu, đổi mới hình thức hoạt động theo hướng sát với thực tế, gắn liền với tâm tư, nguyện vọng cử tri; nâng cao chất lượng đại biểu HĐND.
Tiến sĩ Đinh Đức Duy cho biết: “Tăng cường đại biểu chuyên trách. Thật sự công việc rất nhiều, họ phải tập trung công việc chuyên môn nên không có thời gian nghiên cứu sâu, nghiên cứu kỹ để đưa ra những tham mưu, đề xuất. Mỗi vấn đề cũng phải có cách nhìn đa diện, đa chiều thì mới hiệu quả, vấn đề sáng hơn, rõ hơn”.
Với vai trò, trọng trách mà nhân dân giao phó, mỗi đại biểu cần tự trau dồi kiến thức, nâng cao kỹ năng giám sát, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND, xứng đáng là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri của nhân dân./.
Từ khóa: Đồng Nai, đất đai, cử tri, hội đồng nhân dân, Nhà nước và Pháp luật, cử tri
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN