Đa dạng hoạt động văn hóa cho thiếu nhi dân tộc thiểu số

Cập nhật: 19/08/2024

VOV.VN - Trong thời gian nghỉ hè, cùng với vui chơi, thiếu nhi các dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk được tham gia nhiều hoạt động như học đánh chiêng, múa xoang, sáng tác văn thơ hay thực hành giao tiếp tiếng nước ngoài. Những trải nghiệm này giúp các em có kỳ nghỉ hè thật sự thú vị, bổ ích và an toàn trước khi bước vào năm học mới.

 

Trong tháng 7 năm nay, đều đặn các buổi sáng thứ hai, thứ tư, thứ sáu mỗi tuần, gần 30 em độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở tập trung tại ngôi nhà dài của ama Jiwon, ở buôn Akŏ Dhông, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Tại đây có 2 lớp tiếng Anh miễn phí do các sinh viên tình nguyện của tỉnh mở trong thời gian nghỉ hè. Tham gia lớp các em được ôn luyện từ vựng và thực hành giao tiếp tiếng Anh thông qua các trò chơi, bài hát.

Em Đỗ Thanh Nhã Byă (10 tuổi), ở buôn Akŏ Dhông hào hứng: “Con được học lớp tiếng Anh miễn phí do các anh chị sinh viên dạy. Con thấy rất có ích cho mình. Và trong mùa hè này con còn học hỏi được thêm nhiều thứ nữa, đặc biệt là con mong con có thể nói được các thứ tiếng và con sẽ học được cách giao tiếp với mọi người xung quanh, hoặc là người nước ngoài”.

Còn với em H Da Rin Ênuôl (15 tuổi) ở buôn Alê B, phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột, những ngày hè càng thêm thú vị khi em được tiếp xúc với văn hóa Ê Đê thông qua lớp dạy múa xoang do Trung tâm Truyền thông, Văn hóa và Thể thao thành phố Buôn Ma Thuột tổ chức. H Da Rin cho biết: Trong 1 tháng qua, em và các bạn được tìm hiểu về truyền thống lễ hội của người Ê Đê, các lễ nghi, những hoạt động có sử dụng múa xoang và các bài múa xoang cơ bản. Qua đó giúp em hiểu hơn và thêm yêu văn hóa dân tộc.

H Da Rin Ênuôl nói: “Em đã học hỏi thêm được nhiều điều hơn về văn hóa của dân tộc mình. Em biết thêm nhiều động tác múa và có thể kết hợp bài học từ các thầy cô, biên đạo ra nhiều bài múa và cũng có thể truyền dạy lại cho các em ở những lớp sau. Từ đó thì trong các lễ hội hoặc là có dịp nào đấy trong buôn, trong phường tổ chức thì chúng em sẽ rất tự tin trình diễn trước mọi người”.

Một hoạt động khác cũng thu hút sự tham gia của nhiều thiếu nhi dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk mỗi dịp hè. Đó là “Trại bồi dưỡng sáng tác văn học nghệ thuật” do Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk tổ chức. Năm nay, hoạt động này có gần 40 học sinh tham gia. Đây là những học sinh được tuyển chọn từ các cuộc thi học sinh giỏi, thi viết thư quốc tế (UPU), những học sinh có năng khiếu tại 24 trường THCS và THPT trong tỉnh.

Cùng với được các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ hướng dẫn sáng tác các thể loại văn học, hội họa, các em còn được đi thực tế và giao lưu với các chiến sĩ Biên phòng; tìm hiểu văn hóa rừng, văn hóa voi tại Vườn quốc gia Yok Đôn; giao lưu với thiếu nhi ở vùng biên giới; trải nghiệm thực tế tại Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn, Công an tỉnh Đắk Lắk… Qua đó, giúp các em bồi đắp cảm xúc, tích lũy tài liệu cho việc sáng tác văn thơ và vẽ. Em Bế Thị Thu Uyên (13 tuổi, dân tộc Tày) ở xã Ea Hđing, huyện Cư Mgar chia sẻ, những ngày tham gia trại bồi dưỡng giúp em có những trải nghiệm mới mẻ, từ đó thêm trân trọng và biết ơn những gì bản thân đang được thụ hưởng.

“Chúng em đã được trải nghiệm rất nhiều hoạt động, ví dụ như là tìm hiểu Bảo tàng Thế giới cà phê, Bảo tàng Ama H’Mai, đến nới biên giới Việt Nam - Campuchia, Đồn biên phòng Bô Heng và rất nhiều hoạt động khác nữa. Trong đó em ấn tượng nhất là đi đến Đồn biên phòng Bô Heng và chạm tay vào cột mốc biên giới Việt Nam - Campuchia. Đây là lần đầu tiên mà em được đặt chân đến biên giới, được chạm tay vào cột mốc biên giới thì đem lại một cái cảm xúc rất lạ cho em”, Uyên nói.

Bà Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk đánh giá, dù thời gian trải nghiệm không quá dài nhưng các em đã thể hiện sự quan tâm, hứng thú với mỗi hoạt động. Qua mỗi năm, chương trình luôn có sự thay đổi, không lặp lại để các trại sinh luôn cảm thấy hấp dẫn, mới mẻ, kể cả với những em đã từng tham gia.

Bà Mai cho biết: “Chúng tôi thấy rằng các em vô cùng thích thú khi nghe các cô chú thuyết minh về truyền thống văn hóa các dân tộc và về lịch sử, các em đều chăm chú ghi chép và rất tập trung. Bắt đầu từ những điều nhỏ nhất như từng chuyến đi, những cuộc gặp gỡ với các chú bộ đội, các chú cảnh sát phòng cháy chữa cháy, những người đang dành cả cuộc đời và tuổi thanh xuân của mình để cống hiến và đóng góp cho quê hương”.

Ông Mai Văn Chuyền, ở xã Ea Mdroh, huyện Cư Mgar, có con tham gia trải nghiệm cho rằng, các hoạt động đã đem lại những hiệu quả tích cực. Trở về sau các hoạt động, ông nhận thấy con đã có những thay đổi rõ rệt, trở nên mạnh dạn, tự tin và chủ động giao tiếp với mọi người xung quanh nhiều hơn.

“Trong quá trình cháu tham gia và khi trở về nhà thì thấy cháu ngoan hơn, khả năng nói chuyện, sinh hoạt có nhiều thay đổi tích cực. Quan sát tương tác và  trao đổi với ban tổ chức trong quá trình tham gia trên nhóm Zalo thì thấy rằng ban tổ chức và các thầy cô hướng dẫn rất chi tiết, rất cụ thể nên có tác động tích cực đến các cháu. Đó cũng là một trải nghiệm rất bổ ích cho cháu trong kỳ nghỉ hè”, ông Chuyền chia sẻ.

Mùa hè đang dần khép lại, nhưng với các em thiếu nhi dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk, những trải nghiệm văn hóa đã mở ra cơ hội tìm hiểu nhiều hơn về những nét độc đáo, hấp dẫn của các dân tộc. Qua đó bồi đắp thêm ở các em tình yêu với văn hóa, nuôi dưỡng tâm hồn, để kỳ nghỉ hè có thêm nhiều điều lý thú, bổ ích.

Từ khóa: văn hóa, hoạt động, thiếu nhi, dân tộc thiểu số, văn hóa

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả: h xíu/vov-tây nguyên

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập