Cuộc thi “Sống và hy vọng”: Một hành trình lan tỏa tin yêu
Cập nhật: 21/02/2022
VOV.VN - Đúng đêm Rằm tháng Giêng trong Ngày thơ Việt Nam, cuộc thi sáng tác thơ chủ đề “Sống và hy vọng” do Hội VHNT Thái Nguyên, Ban Văn học – Nghệ thuật (VOV6), diễn đàn văn chương Quán Chiêu Văn tổ chức đã tổng kết và trao giải. Đây cũng là hoạt động chủ điểm trong Ngày thơ tại Thái Nguyên.
Hành trình của “Sống và hy vọng”
Sau hơn một tháng phát động, hơn 500 tác giả và 1300 bài thơ gửi tới tham dự cuộc sáng tác thơ chủ đề “Sống và hy vọng”. Từ số lượng lớn các tác giả, tác phẩm dự thi, ban sơ khảo cuộc thi đã gấp rút làm việc với sự tập trung, kỹ lưỡng để không bỏ sót những tác giả, tác phẩm chất lượng. Có thể nói, để có 35 tác giả trình lên ban chung khảo cuộc thi đã ghi nhận nỗ lực làm việc khoa học, thống nhất của các thành viên ban sơ khảo.
Cũng với tinh thần của những người cầm cân nảy mực hết sức trách nhiệm, ban chung khảo cuộc thi thơ “Sống và hy vọng” đã cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng từng tác phẩm. Theo nhà thơ Hữu Việt, Trưởng ban chung khảo cuộc thi thơ “Sống và hy vọng” thì trên mặt bằng chung các sáng tác gửi tới tham dự cuộc thi phần ý mạnh hơn phần tứ. Các tác phẩm đoạt giải về cơ bản đáp ứng được những tiêu chí về nội dung, nghệ thuật nhưng do chưa có những sáng tạo nổi trội vượt lên nên ban giám khảo thống nhất không trao giải Nhất. Tuy nhiên, nói như Nhà Phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa, cũng là thành viên ban chung khảo, ấn tượng cuộc thi để lại về số lượng, các thành phần tham gia khiến anh bất ngờ và hài lòng với kết quả cuối cùng.
Nhà thơ Hữu Việt và Nhà Phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa đồng quan điểm khi đánh giá cao những tìm tòi trong nội dung, bút pháp của các tác giả đoạt giải như Lữ Mai, Lương Mỹ Hạnh, Ngô Bá Hòa, Trương Thị Bách Mỵ, Nguyễn Đức Hậu… Theo nhà báo Trần Nhật Minh – Trưởng ban Văn học – Nghệ thuật (VOV6) - Đài Tiếng nói Việt Nam – Thành viên ban chung khảo thì những tác giả, tác phẩm đoạt giải hãy còn được thử thách sang lọc qua thời gian.
Đồng hành sát sao cuộc thi sáng tác thơ “Sống và hy vọng” từ những bài dự thi đầu tiên đến khi cán đích, sát cánh cùng ban sơ khảo, ban chung khảo, hơn ai hết, Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh – Chủ tịch Hội VHNT Thái Nguyên là người đã khấp khởi nhiều cảm xúc, nhiều phát hiện về cuộc thi. Theo bà, nhiều tác giả là người khuyết tật, người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài gửi thơ tham dự cuộc thi “Sống và hy vọng”. Và điều ý nghĩa nhất là cuộc thi đã khơi dậy những giá trị nhân văn tốt đẹp trong đời sống hôm nay.
Dõi theo hành trình cuộc thi thơ “Sống và hy vọng” đồng thời có mặt tại đêm thơ Nguyên tiêu Thái Nguyên, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam xúc động ghi nhận tinh thần lan tỏa của cuộc thi. Ông cho rằng cuộc thi với uy tín của ba đơn vị tổ chức và cách thức hiện đại đã một lần nữa khơi dậy lòng tin yêu con người, tin yêu cuộc sống trong bối cảnh nhiều khó khăn, mất mát do dịch bệnh Covid-19 thời gian qua.
Những điểm sáng của cuộc thi
Giải Nhì – Giải thưởng cao nhất của cuộc thi sáng tác thơ chủ đề “Sống và hy vọng” đã được trao cho hai nữ nhà thơ Lương Mỹ Hạnh và Lữ Mai. Với Lương Mỹ Hạnh – Chị là Hội viên Hội Liên hiệp - Văn học Nghệ thuật Sơn La. Vài năm nay Lương Mỹ Hạnh liên tục được xướng tên ở một số giải thưởng sáng tác. Chùm thơ đoạt giải Nhì cuộc thi thơ “Sống và hy vọng” vẫn thuộc về miền cảm xúc tình yêu thiên nhiên, cảnh vật Tây Bắc của người Mường La nhưng trong một bối cảnh, tâm thế hiện tại. Hai sáng tác thơ: “Nhà sàn” và “Đời sông” của Lương Mỹ Hạnh ấm áp niềm tin yêu về cuộc sống.
Cũng là những suy tư, khắc khoải trong thời dịch bệnh, trong mỗi bài thơ thuộc chùm sáng tác đoạt giải Nhì của nhà thơ Lữ Mai – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đều thể hiện chiều sâu suy tưởng từ ánh nhìn diệu vợi với đời sống đang hiện diện. Đây cũng là ba trích đoạn trong trường ca “Hồi sinh” được tác giả sáng tác trong thời gian diễn biến dịch bệnh căng thẳng với những ám ảnh về số phận con người. Dự kiến trường ca “Hồi sinh” của Lữ Mai sẽ ra mắt độc giả trong năm nay.
Là tác giả trẻ tuổi nhất được xướng tên tại cuộc thi thơ “Sống và Hy vọng”, sinh năm 1997, mới 25 tuổi, Nguyễn Đức Hậu có những sáng tác nhuốm màu trầm tích làng quê. Bài “Sông đêm” – Sáng tác được trao giải Tư cuộc thi thơ “Sống và hy vọng” như một tiếng nói thấm đẫm tình quê của một người trẻ luôn sống với những ký ức về người quê, đất quê. Cũng như Nguyễn Đức Hậu, sáng tác của Trương Thị Bách Mỵ - Hội viên Hội Nhà văn TP Đà Nẵng tìm về với cảm thức quê hương. Tuy nhiên, thơ Bách Mỵ lại gần gũi, dung dị khi viết về những điều thân thuộc. Tương tự, trong mỗi sáng tác của tác giả Nguyễn Văn Song, một thầy giáo dạy Văn ở Hưng Yên đều đong đầy một tấm lòng với thơ ca.
Trong số đông đảo các tác giả gửi bài tham dự cuộc thi sáng tác thơ chủ đề “Sống và hy vọng” có những tác giả đang sống và làm việc ở nước ngoài. Có thể kể đến những cái tên như Nguyễn Thị Hương Giang (Ở Liên bang Nga) hay Quyên Gavoye (Từ Cộng hòa Pháp). Tác giả Quyên Gavoye với bài thơ “Nói với con về những vì sao” thuộc chùm thơ được trao giải Tư viết với tâm thế một công dân toàn cầu thử lý giải với con về những biến thiên của sự sống.
Rõ ràng Hội VHNT Thái Nguyên, Ban Văn học – Nghệ thuật (VOV6) và Diễn đàn văn chương Quán Chiêu văn đã bắt tay tổ chức được một hoạt động hưởng ứng ngày Thơ Việt Nam rất chất lượng, trang trọng và ý nghĩa. Các sáng tác đoạt giải và chất lượng của cuộc thi sẽ tiếp tục được sử dụng trong các chương trình Tiếng thơ tới đây tới đây của Ban Văn học – Nghệ thuật (VOV6) – Đài Tiếng nói Việt Nam. Kết thúc cuộc thi thơ “Sống và hy vọng”, mỗi đơn vị vẫn có những ý tưởng, hoạt động nhiều gợi mở cho người sáng tác hôm nay. Đó là cuộc thi viết ký đang diễn ra trên tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên, là cuộc thi viết Lời ru mà VOV6 chuẩn bị kết hợp cùng báo Nông thôn ngày nay và những hoạt động “chiêu mộ” người sáng tác mà Quán Chiêu Văn đang thực hiện./.
Từ khóa: sống và hy vọng, đêm thơ, ngày thơ việt nam
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN