“Cuộc sống giống như giải một đề toán”
Cập nhật: 29/05/2021
Bắt giữ hai thanh niên vận chuyển pháo lậu
Giám đốc Công an Hà Nội chỉ đạo điều tra vụ 2 người tử vong nghi do ngộ độc
[VOV2] - Năm 1975, Phan Vũ Diễm Hằng là nữ thí sinh duy nhất trong 8 thí sinh Việt Nam lên đường sang Bungari dự thi Olympic Toán Quốc tế. Để “tri thức toán học ứng dụng được vào cuộc sống và vì cộng đồng” là lựa chọn theo đuổi suốt cuộc đời bà.
Toán học và hành trình chinh phục huy chương Quốc tế
Phan Vũ Diễm Hằng bắt đầu hành trình theo đuổi toán học từ lớp 6 dưới mái trường Trưng Vương, Hà Nội. Học giỏi đều cả Toán và Văn nhưng chính cách thức dạy học gợi mở của thầy giáo Lê Ngọc Mậu đã khiến cô học trò Phan Vũ Diễm Hằng dứt khoát trong lựa chọn đi theo toán học.
“Có những đề toán tôi tìm được vài cách giải, thầy giáo khích lệ thành ra mình hứng thú. Mình cứ thế học tiếp, như kiểu bản năng. Thích thú đến nỗi có những lời giải mình tìm thấy trong giấc mơ”, bà Diễm Hằng nhớ lại.
Là cháu nội của cụ Phan Kế Toại, Phó Thủ tướng lúc đó nhưng bà Hằng không cảm thấy áp lực phải học giỏi. Bà đến với Toán học tự nhiên như hơi thở.
Và rồi tình yêu Toán học dẫn bà đến với lớp Chuyên Toán A0, Đại học Tổng hợp (nay là trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên- ĐH Quốc gia Hà Nội). 21 học sinh lớp Chuyên toán A0 năm đó chỉ có Diễm Hằng và một bạn nữ nữa. Bà được chọn là 1 trong 8 thí sinh dự thi Kỳ thi Olympic Toán quốc tế năm 1975 và là thí sinh nữ đầu tiên của Việt Nam tham dự kỳ thi này. Đây là kỳ thi Olypic Toán quốc tế thứ 2 mà Việt Nam tham dự.
Kỳ thi Olympic Toán quốc tế năm 1975 diễn ra tại Bun-ga-ri, đoàn 8 thí sinh Việt Nam do hai thầy Phan Đức Chính và Lê Hải Châu dẫn đầu. Bà Hằng nhớ lại đó là lần đầu tiên bà được đi máy bay, đoàn quá cảnh ở Mat-xơ-cơ-va rồi mới di chuyển sang Bun-ga-ri bằng tàu.
Suốt cả tháng trời, qua hàng ngàn ki-lô-mét đường, không thiết bị thông tin liên lạc về nhà, cả đoàn chỉ một mình mình là nữ nhưng thí sinh Diễm Hằng không lo lắng gì, “chắc cuộc sống quen với không có thông tin, ở nhà vẫn quen chiến tranh phải đi sơ tán biền biệt, vả lại dân toán khá khô khan nên mới vậy”.
“Thực ra mình nghĩ so với cuộc sống khó khăn trong nước khi ấy, bọn mình đã thấy được ưu tiên hơn rồi”- bà Hằng bồi hồi nhớ lại.
Phan Vũ Diễm Hằng đã giành tấm Huy chương Đồng cho đội tuyển Việt Nam. Nhớ lại thời điểm đạt giải thưởng đúng vào năm lịch sử đất nước thống nhất, nữ thí sinh thuở nào cho rằng: “Đó là sự tình cờ may mắn góp cho niềm vui chung của dân tộc. Còn bản thân chúng tôi khi ấy chỉ nghĩ đơn giản là một việc được giao và mình hoàn thành”.
-ThS. Phan Vũ Diễm Hằng, cựu học sinh trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội là nữ thí sinh Việt Nam đầu tiên dự thi IMO 17 năm 1975 tại Bungari và giành huy chương Đồng.
- Bà là cháu nội của cụ Phan Kế Toại, Phó Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giai đoạn 1955 - 1973.
-Sau khi đoạt giải Olympic toán năm 1975, Ths. Phan Vũ Diễm Hằng học ĐH ở Liên bang Nga, tại MGU sau đó về công tác tại Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư trong 16 năm.
-Năm 1997, ThS. Phan Vũ Diễm Hằng chuyển sang làm cho chương trình phòng chống AIDS của Liên Hợp Quốc, rồi cho những chương trình, dự án khác nhau.
-Nghỉ hưu, bà là người sáng lập nhóm Ong Chăm với những hoạt động thúc đẩy sự phát triển của vùng đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc, trong đó, đặc biệt quan tâm tới trẻ em ở phương diện học tập và phát triển toàn diện.
Cuộc đời là những lựa chọn
Sau khi đạt giải, Phan Vũ Diễm Hằng được Nhà nước cử sang Nga học chuyên ngành toán. Bà đã chọn học toán ứng dụng, ngành Điều khiển tối ưu. Ngành học này với các ứng dụng trong lĩnh vực y tế là tiền đề để Diễm Hằng làm trong lĩnh vực dịch tễ và y học cộng đồng.
Ngay sau khi tốt nghiệp về nước, bà công tác tại Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương. Ở đây, bà nhớ nhất việc tham gia vào chương trình Tiêm chủng mở rộng từ những ngày đầu tiên. Khi đó, tài liệu vắc- xin chỉ đưa được xuống cấp huyện và thường dưới dạng sách dày khó đọc, in ấn đắt đỏ. Trong khi y tế xã, đơn vị trực tiếp và cuối cùng thực hiện việc tiêm chủng lại không có tài liệu hướng dẫn cụ thể và chính xác.
Bà Diễm Hằng đã đề xuất với lãnh đạo Viện, sau đó cùng các bác sỹ trẻ trích lược thông tin làm thành cuốn sổ tay chỉ hơn 10 trang để in và đưa về tất cả các xã. Cho đến giờ, dù vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã tăng về số lượng nhưng cuốn sổ tay hướng dẫn vẫn là cẩm nang được y tế xã sử dụng hiệu quả.
Hai vợ chồng làm trong ngành vệ sinh dịch tễ, kinh tế lúc ấy không ít khó khăn. Năm thứ 16 công tác, bà Diễm Hằng buộc phải lựa chọn việc rời Viện Vệ sinh dịch tễ để làm cho Dự án phòng chống HIV/AIDS của Liên Hiệp Quốc. Đó là thời điểm HIV/AIDS đang là nỗi sợ hãi với nhiều người.
Nhưng hiểu rõ cơ chế lây bệnh, bà Diễm Hằng sẵn sàng cùng ăn, cùng ở với người nhiễm HIV trong những chuyến đi công tác, bà Hằng tận mắt chứng kiến những khổ cực, đau đớn của phụ nữ, trẻ em trong những gia đình có người nhiễm HIV. Những đứa trẻ bị kỳ thị không dám đến trường, không được chơi chung với trẻ khác, bị xa lánh…thực sự đã tác động đến suy nghĩ của bà.
Cách thức làm việc ở một tổ chức Quốc tế cùng với ngành học và những trải nghiệm cá nhân cho bà Hằng cái nhìn về việc xây dựng mạng lưới, nâng cao ý thức năng lực từng cá nhân trong việc giải quyết một vấn đề của cộng đồng.
Phan Vũ Diễm Hằng- “Ong chúa” của đàn “Ong Chăm”
“Nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc”, tiếp nối công việc từ thiện vẫn làm đều đặn từ khi còn đi làm, bà Hằng đã cùng các bạn thực hiện thêm những phần việc nho nhỏ vì cộng đồng.
Nhóm “Ong Chăm” đã ra đời từ ý tưởng mô hình cấu trúc tổ và cách làm việc chuẩn mực, tự giác phân công rõ ràng và hiệu quả của loài ong.
Chọn khu vực miền núi và hướng tới giáo dục để đầu tư theo bà Hằng sẽ góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng hơn, đồng thời giảm việc phân tán nguồn lực. Khởi đầu, các “Ong Chăm” tổ chức việc đan mũ đa năng cho trẻ em- học sinh vùng cao, rồi tập hợp áo ấm, đồ dùng học tập gửi về các nhà trường.
Năm 2018, trong một chuyến từ thiện về Hoàng Su Phì, Hà Giang, nhận thấy nhà ở nội trú của các em học sinh vùng cao thường tận dụng các khu nhà cấp 4 cũ, tăm tối và xuống cấp, Bà Diễm Hằng đã quyết định hỗ trợ địa phương triển khai dự án xây kí túc xá.
Từ nguồn đầu tư 400-500 triệu do Ong Chăm huy động, chiếm khoảng 50% kinh phí xây dựng cho mỗi nhà kí túc xá, chính quyền huyện, xã sẽ đầu tư thêm, nhân dân đóng góp công sức và thầy cô duy trì hoạt động, Hoàng Su Phì đã có 3 kí túc xá mang dáng dấp nhà sàn với diện tích trên 200m2 mỗi sàn. Trong đó tầng 1 làm không gian sinh hoạt chung gồm ăn, chơi, học tập…tầng 2 làm nơi ở cho học sinh nội trú.
Hiệu quả từ mô hình đã thúc đẩy chính quyền huyện Hoàng Su Phì xây dựng được 15 kí túc xá nhà sàn dựa vào phương thức kết hợp nhiều bên. Theo ông Nguyễn Tuân, Trưởng phòng Văn hóa, thông tin huyện Hoàng Su Phì, mô hình kí túc xá nhà sàn của Ong Chăm phù hợp với văn hóa, lối sống của đồng bào dân tộc, huy động sức mạnh tổng hợp, ý thức trách nhiệm của chính quyền, nhân dân và cả thầy cô giáo trong việc duy trì. “Chúng tôi gọi cô Diễm Hằng là “Ong Chúa” khi điều hành hiệu quả hoạt động của đàn “Ong Chăm”-ông Tuân chia sẻ.
Những mô hình KTX nhà sàn đã được Ong Chăm nhân ra ở các địa phương miền núi khác như Trường THCS Mường Vy, huyện Bát Xát, Lào Cai. Nhưng không chỉ có thế, việc nuôi lợn từ ngân hàng lợn “Ong Chăm” từ tháng 4/2021 đem lại thu nhập cho nguồn quỹ của kí túc xá nhà sàn bằng việc tận dụng thức ăn thừa từ bếp nội trú đồng thời khuyến khích các em thực hành việc nhà nông.
Năm 2020, trong chuyến đi từ thiện về Than Uyên, Lai Châu, Ong Chăm đã quyết định huy động sự chung tay của cộng đồng bảo trợ trẻ em mồ côi theo hình thức cha mẹ, ông bà đỡ đầu. Bà Lê Thị Kim Lan, cán bộ phòng Giáo dục huyện Than Uyên cho biết những hỗ trợ này tưởng nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn. Các thầy cô, người trực tiếp nhận khoản tiền nhỏ từ ông bà, cha mẹ đỡ đầu hàng tháng để nuôi các em sẽ ý thức hơn, trách nhiệm hơn, quan tâm và yêu thương hơn những học trò thiếu may mắn.
“Cô Diễm Hằng là người quyết đoán, tâm huyết với công việc thiện nguyện, huy động được sức mạnh tập thể để mỗi chương trình của nhóm đều có cách làm riêng biệt, tạo được sự đồng thuận và vào cuộc của tập thể và không khiến người dân ỷ lại, tạo điều kiện để con em dân tộc khó khăn được đi học và có tương lai tươi sáng”- Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó hiệu trưởng Trường THCS Mường Vy, huyện Bát Xát, Lào Cai tâm đắc với cách làm của Ong Chăm và bà Phan Vũ Diễm Hằng.
Xuất phát từ một nữ sinh giỏi Toán và đam mê toán học, giờ niềm đam mê là công việc từ thiện giúp ích cho cộng đồng, bà Phan Vũ Diễm Hằng đúc kết những lựa chọn của cuộc đời mình: “Mỗi vấn đề đặt ra của cuộc sống giống như giải một đề toán. Có nhiều phương thức khác nhau để tìm ra kết quả.”
Mời thính giả nhấn nút nghe cuộc trò chuyện cùng nữ thí sinh đầu tiên đoạt giải Toán Quốc tế năm 1975 tại đây:
Phan Vũ Diễm Hằng
Từ khóa: Phan Vũ Diễm Hằng, vắc xin, viện vệ sinh dịch tễ, tcoán học, Olympic, Toán, Diễm Hằng, Ong Chăm
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2