VOV.VN - Theo kết quả cuộc thăm dò cuối cùng của New York Times/Siena, Phó Tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris dẫn trước với biên độ rất nhỏ hoặc ngang bằng với cựu Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump ở tất cả các tiểu bang chiến địa.
Cuộc chay đua giành ghế tổng thống Mỹ đang nóng lên từng giờ trước Ngày bầu cử. Nhiều cuộc thăm dò dư luận cho thấy, tỷ lệ ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris vô cùng sít sao, trên toàn nước Mỹ nói chung và tại các bang chiến địa nói riêng như Pennsylvania, Michigan, Wisconsin ở vùng công nghiệp trung tây, Nevada và Arizona ở phía tây, cùng với Georgia, Bắc Carolina ở phía nam.
Theo kết quả cuộc thăm dò cuối cùng của New York Times/Siena, Phó Tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris dẫn trước với biên độ rất nhỏ hoặc ngang bằng với cựu Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump ở tất cả các tiểu bang chiến địa. Ngoại trừ Arizona, nơi Trump dẫn trước với một vài phần trăm.
Mặc dù chưa xác định được ứng cử viên nào sẽ có cơ hội giành chiến thắng rõ ràng, nhưng có một số yếu tố quan trọng sẽ thúc đẩy quyết định của cử tri vào Ngày bầu cử. Dưới đây là những yếu tố chính.
Những cử tri Cộng hòa quay lưng với ông Trump
Trong các cuộc thăm dò trên toàn quốc, tỷ lệ ủng hộ ông Trump vẫn ở quanh mức 43%. Trong hai cuộc bầu cử tổng thống trước, ông Trump đã không giành được 50% số phiếu phổ thông trên toàn quốc. Khi còn đảm nhiệm vai trò tổng thống, ông chưa bao giờ đạt được mức ủng hộ trên 50%. Và con số này cũng chưa vượt qua được 50% kể từ khi ông rời nhiệm sở. Điều này có nghĩa là ông đã chạm đến ngưỡng ủng hộ và rất khó để giành được đa số phiếu phổ thông trên toàn quốc vào 5/11, một số nhà phân tích lưu ý.
Trong cuộc bầu cử sơ bộ để giành được đề cử chính thức của Đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Trump đã dẫn đầu cuộc đua, đánh bại Thống đốc Florida Ron DeSantis, cựu Đại sứ Liên hợp quốc Nikki Haley và một số nhân vật khác. Nhưng trong hầu hết các cuộc bầu cử sơ bộ đó, có khoảng 15 đến 20% số cử tri Cộng hòa đã không bỏ phiếu cho ông Trump.
Những cử tri Cộng hòa này cuối cùng sẽ ủng hộ ai trong Ngày bầu cử? Có lẽ một nửa muốn bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa và sẽ ủng hộ Trump. Những người khác có thể chuyển sự ủng hộ của họ sang bà Harris. Theo kết quả một số cuộc thăm dò dư luận, chưa bao giờ có sự ủng hộ lớn đến vậy từ các thành viên của một đảng đối lập để ủng hộ ứng cử viên tổng thống của đảng kia như trong cuộc bầu cử này.
Bà Harris cần những lá phiếu của "những người Cộng hòa". Ngoài ra, bà sẽ cần phải sao tập hợp liên minh gồm các cử tri trẻ, cử tri da màu và phụ nữ đã ủng hộ Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đánh bại ông Trump vào năm 2020 tại các tiểu bang dao động và trên toàn quốc.
Tỷ lệ ủng hộ của bà Harris hiện ở mức khoảng 46%, cao hơn ông Trump một chút. Theo giới phân tích, ứng cử viên tổng thống nào càng gần với tỷ lệ ủng hộ 50% thì càng có nhiều cơ hội giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Vấn đề kinh tế và nhập cư
Trong các cuộc thăm dò dư luận, khi trả lời câu hỏi đất nước đang đi đúng hướng hay đang đi sai hướng? Khoảng 60 đến 70% người Mỹ tin rằng đất nước đang đi sai hướng.
Đó là một tín hiệu cho thấy cử tri mong đợi cuộc bầu cử này sẽ mang đến sự sự thay đổi. Với câu trả lời trên, nhiều cử tri dường như không ủng hộ tổng thống đương nhiệm tại Nhà Trắng về vấn đề kinh tế. Với tư cách là phó tổng thống của ông Biden, bà Harris đang trực tiếp đối mặt với “cơn gió ngược” này.
Có rất nhiều vấn đề lớn trong cuộc bầu cử. Nhưng kinh tế được cho là vấn đề quan trọng nhất vì liên quan đến ngân sách hộ gia đình, áp lực chi phí sinh hoạt và mối quan tâm của cử tri về an ninh kinh tế trong tương lai.
Kể từ khi Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Harris nhậm chức cách đây gần bốn năm, chi phí thực phẩm, đồ gia dụng, tiện ích và dịch vụ như bảo hiểm đã tăng từ 10 đến 40%. Giá xăng thậm chí còn tăng cao hơn nữa.
Mặc dù lãi suất đã giảm, các hộ gia đình Mỹ vẫn đang chịu áp lực lớn. Khi được hỏi ai sẽ là người quản lý nền kinh tế hiệu quả nhất, các cử tri ở các tiểu bang dao động đã lựa chọn ông Trump với biên độ cao hơn bà Harris 15 điểm phần trăm.
Vấn đề lớn tiếp theo là nhập cư. Kể từ khi ông Trump lần đầu tiên trở thành ứng cử viên tổng thống vào năm 2015, ông đã liên tục tìm giải pháp cho bài toán nhập cư bất hợp pháp. Ông từng tuyên bố biên giới giữa Mỹ - Mexico đang ngoài tầm kiểm soát với tỷ lệ tội phạm và cướp bóc gia tăng. Nhưng nhập cư có lẽ là điểm yếu của chính quyền Tổng thống Biden.
Ba năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông Biden cũng được đánh dấu bằng làn sóng người nhập cư ồ ạt vượt biên vào Mỹ. Điều này đã khiến chính quyền của ông phải chịu sự chỉ trích mạnh mẽ. Hầu hết cử tri coi ông Trump là người có vị thế tốt nhất để quản lý vấn đề này, với tỷ lệ ủng hộ cao hơn bà Harris gần 15 điểm phần trăm.
Tự trung lại, ông Trump được coi người xử lý hiệu quả hơn hai vấn đề chính sách quan trọng nhất trong cuộc bầu cử này.
VOV.VN - Phó Tổng thống Kamala Harris đã tận dụng các điểm dừng chân trong chiến dịch tranh cử của bà tại Michigan vào ngày 3/11 để nhắc lại thông điệp rằng bà sẽ là tổng thống của tất cả người Mỹ. Trong khi ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump tiếp tục mô tả ông là người có thể làm thay đổi tương lai của nước Mỹ trở nên tươi sáng hơn.
Tỷ lệ ủng hộ của nữ giới
Quyền phá thai và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản là vấn đề lớn thứ ba. Nhiều phụ nữ trên khắp nước Mỹ phản đối quyết định của Tòa án Tối cao tước bỏ quyền phá thai theo hiến pháp lâu đời của họ. Hiện tại, chính sách này được quyết định ở cấp tiểu bang. Một số tiểu bang Cộng hòa – trong đó có Ohio và Kansas – đã bỏ phiếu khôi phục quyền phá thai.
Bà Harris được coi là người bảo vệ các vấn đề này. Nhiều cuộc thăm dò cho thấy cử tri tin tưởng bà hơn ông Trump khi đề cập đến quyền sinh sản. Kết quả các cuộc thăm dò cho thấy bà Harris đang dẫn trước ông Trump về tỷ lệ ủng hộ của nữ giới ở các tiểu bang dao động, với sự chênh lệch hơn 15 điểm phần trăm.
Quyền phá thai cũng là vấn đề được quyết định trong lá phiếu ở hai tiểu bang chiến địa là Nevada và Arizona, điều này sẽ giúp bà Harris gia tăng tỷ lệ ủng hộ ở cả hai bang này.
Tương lai của nền dân chủ Mỹ là vấn đề lớn thứ tư mà cử tri quan tâm. Theo một cuộc thăm dò mới, một nửa số cử tri tỏ ra thiếu tin tưởng đối với cựu Tổng thống Trump về vấn đề này. Trong khi bà Harris cam kết sẽ “đưa đất nước sang trang mới, hàn gắn sự chia rẽ và đưa đảng Cộng hòa với đảng Dân chủ làm việc cùng nhau.
Ai sẽ chiến thắng?
Đội ngũ tranh cử của ông Trump cho biết đã nhìn thấy chiến thắng trong các cuộc thăm dò dư luận. Vị thế của ông trên toàn quốc và ở mọi tiểu bang chiến địa đều tốt hơn đáng kể so với 4 năm trước. Họ cho rằng, các cuộc thăm dò cũng có thể không tính đủ số lượng cử tri ủng hộ của Trump, như trường hợp năm 2016 và 2020.
Còn Jen O'Malley Dillon, giám đốc chiến dịch tranh cử của Harris cho biết, đội ngũ của họ hoàn toàn “có thể tiếp cận được” những cử tri chưa quyết định.
Bà Harris đã tập hợp một lực lượng riêng để tiếp cận cử tri ở các tiểu bang dao động - thông qua tiếp xúc cá nhân. Chỉ riêng vào cuối tuần qua, lực lượng này đã thực hiện ba triệu cuộc gọi điện thoại và gõ cửa từng nhà ở Michigan, Pennsylvania và Wisconsin. Nếu biện pháp của họ hiệu quả thì sẽ tạo động lực lớn cho bà Harris vào Ngày bầu cử.
Cuối tuần qua, chiến dịch của Harris cũng thông báo rằng những cử tri quyết định muộn, đặc biệt là phụ nữ, đang bứt phá với tỷ lệ ủng hộ bà lên đến hai con số. Một số thành viên Dân chủ cho rằng, tỷ lệ ủng hộ bà Harris sẽ đạt đỉnh khi chiến dịch tranh cử kết thúc.
Nếu bà Harris giành chiến thắng, đó có thể là vì bà đã thành công trong việc chốt thỏa thuận với những cử tri còn đang do dự và biến cuộc bầu cử thành cuộc trưng cầu ý dân về ông Trump.
Nếu ông Trump giành chiến thắng, điều đó có nghĩa là cử tri tin tưởng ông sẽ quản lý được lạm phát và giúp làm giảm chi phí sinh hoạt đối với các hộ gia đình, cũng như xử lý được tình trạng nhập cư và tội phạm ngoài tầm kiểm soát. Những thông điệp này có thể sẽ được tô đậm bằng sự lo lắng về vai trò của bà Harris.
Từ khóa: Trump, Donald Trump, Kamala Harris, bầu cử Mỹ, cử tri Mỹ, bang chiến địa, đảng cộng hòa, đảng dân chủ, thăm dò dư luận, tỷ lệ ủng hộ, kinh tế, cử tri cộng hòa