Ukraine đứng trước thời khắc khó khăn nhất trong xung đột vũ trang với Nga
Cập nhật: 1 giờ trước
Bầu cử Mỹ 2024: 10 lý do bà Harris và ông Trump có thể giành chiến thắng
Ukraine đứng trước thời khắc khó khăn nhất trong xung đột vũ trang với Nga
VOV.VN - Giới tình báo đưa ra những đánh giá ảm đạm về tình hình Ukraine trong cuộc xung đột vũ trang hiện nay với Nga. Theo họ, Ukraine đang đối mặt thời khắc khó khăn nhất trên nhiều phương diện.
Tâm lý bi quan về xung đột Ukraine đang ngập tràn tại thủ đô Kiev và Washington khi Tổng thống Ukraine Zelensky đang cố gắng dẫn dắt đất nước mình đi qua năm thứ 3 của cuộc đối đầu quân sự với Nga.
Đó là đánh giá của giới chức tình báo, được New York Times dẫn lại, sau khi Nga đạt nhiều bước tiến mới ở tỉnh Donetsk và nhiều người lo ngại rằng kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11/2024 có thể sẽ làm giảm sự ủng hộ của Washington dành cho Kiev.
Bối cảnh ở đây còn bao gồm việc Ukraine sẽ trải qua mùa đông lạnh giá trong những tháng tới vì cơ sở hạ tầng năng lượng của họ hứng chịu nhiều hư hại do các cuộc tập kích UAV và tên lửa của Nga. Các tỉnh Sumy và Poltava của Ukraine đã rơi vào tình trạng mất điện vào tuần trước do các cuộc không kích của Nga.
Oleksii Brekht - quyền Tổng giám đốc điều hành của mạng lưới điện quốc gia Ukrenergo, cảnh báo: Những đợt pháo kích ồ ạt của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng, mạng truyền tải và cơ sở sản xuất điện, có nghĩa rằng hạn mức tiêu thụ điện hàng ngày tại Ukraine vào mùa đông 2024-205 chỉ còn là 8 tiếng đồng hồ.
Viktor Kovalenko - một nhà phân tích địa chính trị và cựu binh Ukraine, nói với tờ Newsweek: “Mùa đông sắp tới dự kiến là thử thách lớn nhất đối với dân chúng Ukraine kể từ khi Nga tiến công quân sự Ukraine vào năm 2022. Mức độ hư hại mà những cuộc tập kích tên lửa của Nga gây ra cho các nhà máy điện Ukraine nghiêm trọng đến mức không thể sửa chữa chúng trong tương lai gần, và một số nhà máy có thể không xây lại được nữa”.
Ông Kovalenko cho biết thêm: “Chúng tôi dự kiến cuộc sống ở những khu vực đô thị lớn như Zaporizhzhia và Kharkov có thể bị ảnh hưởng mạnh trong mùa đông này, với tình trạng di dời chỗ ở và đói khát trầm trọng. Tại những nơi này, không loại trừ có cả những thị trấn ma, không còn người sinh sống”.
Ngoài những diễn biến trên, tình hình của Ukraine còn ảm đạm hơn nữa khi trong những tháng gần đây, Nga đều đặn chiếm thêm đất ở tỉnh Donetsk. Còn tại tỉnh Kursk của Nga, quân đội Nga cũng giành lại đáng kể lãnh thổ mất vào tay Kiev sau cuộc đột kích vào đầu tháng 8, đến mức một viên thiếu tá Ukraine phải thốt lên rằng “tình hình căng thẳng”.
Cuộc tiến công của Nga ở khu vực Đông và Nam Donetsk, trên một chiến tuyến rộng 48-64km đang tạo áp lực dồn dập lên thị trấn Pokrovsk - trung tâm hậu cần quan trọng. Nga nếu chiếm được thị trấn này sẽ có lợi thế lớn để chiếm toàn bộ vùng Donbass.
Simon Schlegel - nhà phân tích cao cấp tại International Crisis Group (“Nhóm khủng hoảng quốc tế”) nói với Newsweek: “Những gì đang diễn ra tại Donbass thực sự khiến quân đội Ukraine mất nhuệ khí. Đà tiến của quân Nga lớn hơn so với hồi đầu năm 2024 hoặc trong năm 2023”.
Schlegel nhận xét thêm: “ Ukraine đang đối diện với khó khăn tổng hợp. Họ vừa không tập hợp được đủ quân để chiến đấu tại mặt trận, vừa thiếu vũ khí do nguồn cung chậm”.
Cựu Tổng thống Mỹ Trump cam kết chấm dứt xung đột Ukraine một cách nhanh chóng. Nếu ông đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử 2024 này, dòng chảy viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine có thể giảm đột ngột.
Nhà phân tích Schlegel nói: “Ông Trump đã tuyên bố rất rõ ràng rằng Ukraine chịu trách nhiệm về việc để nổ ra xung đột với Nga và ông ấy muốn giải quyết cuộc xung đột này một cách chóng vánh”.
Tuy nhiên, ông Schlegel không rõ liệu tình hình sẽ ra sao nếu ứng viên Harris đắc cử tổng thống Mỹ.
Schlegel phân tích thêm: “Bà Harris không rõ lắm về việc liệu bà có tiếp tục theo đuổi hành trình thận trọng của Tổng thống Biden hay không, hoặc là bà sẽ trở nên cương quyết hơn hay không”.
Tổng thống Ukraine Zelensky đi Mỹ hồi tháng 9 để trình bày “Kế hoạch chiến thắng” của mình, trong đó có đề xuất với Mỹ để Kiev được sử dụng tên lửa tầm xa của phương Tây nhằm tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Hiện nay Mỹ và Anh đều hạn chế quyền của Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây do lo ngại làm leo thang xung đột Ukraine.
Mark Montgomery - nghiên cứu viên cao cấp tại “Quỹ Phòng thủ dân chủ”, nói: “Tôi rất lo lắng, không chỉ về cuộc bầu cử mà còn về thực tế là chính quyền Mỹ hiện nay đang áp các hạn chế quá mức lên cách sử dụng vũ khí”.
Ông Montgomery lo ngại: “Phương Tây không cho phép người Ukraine sử dụng đến mức tối đa các hệ thống vũ khí họ nhận được - điều này sẽ ảnh hưởng đến an ninh Ukraine”.
Trong lúc tình hình bộn bề như vậy, phía Ukraine còn tuyên bố rằng lực lượng binh lính Triều Tiên đã hỗ trợ cho các nỗ lực chiến sự của Nga. Tổng thống Ukraine tuyên bố lực lượng Triều Tiên đã nằm sát biên giới Nga - Ukraine.
Bên cạnh đó, ông Montgomery còn cáo buộc Triều Tiên cung cấp đạn dược cho Nga, với 6 triệu quả đạn pháo, từ đó tạo thêm lợi thế lớn hơn nữa cho Nga, đặc biệt trong mùa đông sắp tới.
Xem thêm:
>> Hàn Quốc lo ngại Nga chuyển giao công nghệ quân sự cho Triều Tiên
>> Ông Zelensky cảnh báo yếu tố Triều Tiên đẩy xung đột Ukraine vượt giới hạn
>> Mỹ cho phép Ukraine dùng vũ khí không giới hạn nếu quân Triều Tiên tham chiến
>> Giữa xung đột Ukraine, kinh tế Nga tăng trưởng nóng đủ sức tiếp tế quân đội
Từ khóa: ukraine, khó khăn, thời khắc khó khăn, giờ khắc đen tối, ukraine gặp khó khăn, ukraine bế tắc, chiến tranh nga ukraine, xung đột ukraine nga, đánh giá tình báo về ukraine, cục diện ukraine, ukraine ảm đạm, đối đầu nga ukraine, mặt trận donetsk, tình hình ukraine đen tối, đà tiến của quân nga, bầu cử mỹ, viện trợ ukraine, tập kích nga, vũ khí tầm xa
Thể loại: Tin tức sự kiện
Tác giả: trung hiếu/vov.vn biên dịch
Nguồn tin: VOVVN