Bức tranh trái ngược giữa ông Trump và bà Harris trước giờ G bầu cử Mỹ

Cập nhật: 6 giờ trước

VOV.VN - Khi bà Kamala Harris đến thăm một nhà thờ ở Detroit vào Chủ nhật cuối cùng của chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump đã nói với những người ủng hộ của mình rằng ông "lẽ ra không nên rời" Nhà Trắng sau cuộc bầu cử năm 2020.

Đó là Chủ Nhật cuối cùng của chiến dịch tranh cử tổng thống. Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump tiếp tục chạy đua ở các bang chiến địa để tìm kiếm sự ủng hộ. Tuy nhiên, về thông điệp và thái độ, ứng viên đảng Dân chủ Harris và ứng viên đảng Cộng hòa Trump rất khác nhau.

Bà Harris bắt đầu ngày làm việc của mình tại một nhà thờ ở Detroit và nói với các giáo dân rằng đất nước "đã sẵn sàng để bẻ cong vòng cung lịch sử hướng tới công lý", dẫn lời của Martin Luther King Jr. Trong khi đó, ông Trump bắt đầu với một cuộc mít tinh ngoài trời tại sân bay ở Pennsylvania - nơi ông tuyên bố với những người ủng hộ rằng ông "lẽ ra không nên rời" Nhà Trắng sau khi thua Tổng thống Biden vào năm 2020.

Những cảnh tượng như vậy đã cho thấy sự tương phản trong cách hai ứng viên sử dụng những ngày cuối của chiến dịch sau khi một vòng thăm dò dư luận gần đây cho thấy chênh lệch về tỷ lệ ủng hộ giữa hai ứng viên vẫn rất sít sao, tương tự thời điểm bắt đầu cuộc đua vào tháng 8.

“Tôi lẽ ra không nên rời Nhà Trắng”

Ông Trump đã đến Lititz, Pennsylvania sau khi thông báo ông sẽ hủy bài phát biểu đã chuẩn bị trước để "sự thật" có thể phơi bày. Ông đưa ra những phát biểu tiêu cực và đôi khi có phần giận dữ, chỉ trích các cuộc thăm dò dư luận cũng như công kích đảng Dân chủ và ám chỉ rằng ông sẽ không bận tâm nếu các phóng viên bị bắn.

"Để hiểu được tôi, các bạn sẽ phải nhìn xuyên qua những tin tức giả mạo. Tôi không bận tâm nhiều đến điều đó", ông Trump nói, chỉ vào những rào chắn bằng kính chống đạn bao quanh ông tại các cuộc mít tinh ngoài trời kể từ khi ông bị ám sát vào tháng 7 ở Butler, Pennsylvania.

Ông Trump lập luận rằng đất nước đã suy thoái kể từ sau nhiệm kỳ tổng thống của ông khi chỉ ra các vấn đề về kinh tế và nhập cư, đồng thời nói rằng ông không nên rời Nhà Trắng vào năm 2020.

"Chúng ta đã có biên giới an toàn nhất trong lịch sử đất nước cho đến ngày tôi rời đi. Tôi lẽ ra không nên rời đi", ông Trump nói.

Khơi dậy sự lạc quan và đoàn kết

Chiến dịch của bà Harris đã lựa chọn một nhà thờ ở Detroit khi bà thực hiện một lộ trình vận động tranh cử quen thuộc hơn vào Chủ nhật cuối cùng của cuộc đua, cố gắng khơi dậy sự lạc quan và đoàn kết.

"Thật tuyệt khi được cầu nguyện cùng các bạn hôm nay", bà Harris nói sau khi được giới thiệu trong tiếng reo hò của mọi người như là "tổng thống tiếp theo của Mỹ".

"Trong hai ngày tới, chúng ta sẽ được thử thách", bà Harris, người đã bay đến Detroit sau khi xuất hiện bất ngờ trên Saturday Night Live ở New York cho hay. Theo bà: "Những ngày này sẽ đòi hỏi mọi thứ mà chúng ta có. Nhưng khi tôi nghĩ về những ngày sắp tới và Chúa, tôi cho rằng chúng ta được sinh ra cho một thời điểm như thế này".

Bà Harris đã ca ngợi "Người Mỹ từ các bang đỏ đến các bang xanh là những người sẵn sàng bẻ cong vòng cung lịch sử hướng tới công lý". Bà cũng kêu gọi mọi người "sang trang và viết chương tiếp theo cho lịch sử của chúng ta".

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Trump đã lôi kéo được một vài sự ủng hộ từ các cử tri da đen, những người có truyền thống bỏ phiếu cho đảng Dân chủ. Một cuộc thăm dò của New York Times/Siena College công bố vào 3/11 cho thấy bà Harris đang trong cuộc đua sít sao với ông Trump tại Michigan - một bang chiến trường quan trọng.

Bà Harris tung "tuyệt chiêu" vào phút cuối, ông Trump quyết lật ngược thế cờ

VOV.VN - Phó Tổng thống Kamala Harris đã tận dụng các điểm dừng chân trong chiến dịch tranh cử của bà tại Michigan vào ngày 3/11 để nhắc lại thông điệp rằng bà sẽ là tổng thống của tất cả người Mỹ. Trong khi ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump tiếp tục mô tả ông là người có thể làm thay đổi tương lai của nước Mỹ trở nên tươi sáng hơn.

Cuộc bám đuổi quyết liệt trong chặng nước rút

Trong những giờ cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, cả hai ứng viên đều chạy đua với nhau bằng các cuộc mít tinh và sự xuất hiện ngẫu hứng tại các bang chiến trường.

Ngay cả khi chiến dịch tranh cử của ông Trump tuyên bố tự tin giành chiến thắng thì ông đã sử dụng cuộc vận động tranh cử ở Pennsylvania để phàn nàn về các cuộc thăm dò ý kiến, đặc biệt là cuộc thăm dò trên tờ The Des Moines Register cho thấy ông đang tụt lại ở Iowa - một tiểu bang mà ông được cho là sẽ có khả năng cao dẫn trước. Chiến dịch tranh cử của ông Trump đã nhanh chóng phản đối tính chính xác của cuộc thăm dò đó.

Theo New York Times, ông Trump, người tiếp tục là chủ đề chính trong các lần xuất hiện của mình tuần qua, đã đưa ra những nhận định không có căn cứ về gian lận bỏ phiếu trong giai đoạn cuối của cuộc bầu cử, làm dấy lên những câu hỏi về tính toàn vẹn của một kết quả vẫn chưa được xác định. Bằng động thái như vậy, ông đã củng cố nỗi lo sợ của đảng Dân chủ rằng ông và những người ủng hộ ông đang cố gắng gieo rắc sự nghi ngờ về cuộc bầu cử hiện nay để ông có thể phản đối kết quả như ông đã làm vào năm 2020 nếu ông thua.

Trong khi đó, bà Harris tỏ ra lạc quan hơn tại một cuộc biểu tình vào tối 3/11 tại East Lansing, Michigan.

"Michigan, còn 2 ngày nữa", bà Harris nói với đám đông. Bà cho biết đây là "một trong những cuộc bầu cử có ý nghĩa quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta và chúng ta đang có động lực. Động lực này đứng về phía chúng ta".

Bà Harris đã mở đầu bài phát biểu của mình tại East Lansing, một tiểu bang có đông người Mỹ gốc Arab bằng cách thừa nhận sự tàn phá của cuộc chiến ở Gaza. Đó là một vấn đề có ảnh hưởng đến nhiều cử tri người Mỹ gốc Arab và người Hồi giáo sống tại Michigan khi mà nhiều người trong số họ tức giận về sự ủng hộ của chính quyền Tổng thống Biden với Israel.

"Tình hình năm nay thật khó khăn khi xét đến quy mô tử vong và sự tàn phá ở Gaza cũng như tình trạng thương vong và rời bỏ nhà cửa ở Lebanon", bà Harris nói và cho rằng, "với tư cách là tổng thống, tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để chấm dứt xung đột ở Gaza".

Như thường lệ, bà nhắc lại quan điểm của mình rằng cuộc xung đột phải kết thúc với việc trao trả con tin từ Israel sau cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10, theo cách mà cả người Israel và Palestine đều được đảm bảo an toàn.

Vào cuối tuần trước, một số người ủng hộ nổi bật nhất của bà Harris cũng đã lên đường, đáng chú ý là cựu tổng thống Barack Obama. Phát biểu tại Milwaukee, ông Obama đã kêu gọi các cử tri còn do dự ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ, đặc biệt là các cử tri da đen và người Mỹ Latin, với lập luận rằng tình hình của họ sẽ tệ hơn nếu ông Trump thắng cử.

"Nếu bạn là người da màu hoặc người Mỹ Latin, bạn sẽ cảm thấy rằng cộng đồng của mình thường bị các chính trị gia bỏ qua, ngoại trừ trong thời gian bầu cử. Tôi hiểu cảm giác ấy. Tại sao bạn nghĩ cách giải quyết sẽ là bỏ phiếu cho một người từ lâu đã hạ thấp và coi thường cộng đồng của mình?", ông Obama nói.

Ông Trump và bà Harris hiện đang chuẩn bị cho ngày cuối của cuộc bầu cử. Và dĩ nhiên, cả hai đều ở Pennsylvania - nơi mà cả hai chiến dịch đều coi là bang quyết định thành bại của cuộc đua năm 2024.

Con đường có thể dẫn đến chiến thắng của bà Harris trước ông Trump

VOV.VN - Nhóm cử tri da trắng vẫn chiếm số đông trong mọi cuộc bầu cử Mỹ, quyết định lớn đến kết quả bỏ phiếu tháng 11. Trong trường hợp không thể mở rộng sức ảnh hưởng tới đông đảo nhóm này, bà Harris sẽ phải tính đến kịch bản thứ hai: tạo lập một liên minh ủng hộ đa chủng tộc.

Từ khóa: bầu cử mỹ, giờ g bầu cử mỹ, trump và harris, bầu cử tổng thống mỹ, bức tranh trái ngược, ông trump, bà harris, kết quả bầu cử mỹ

Thể loại: Tin tức sự kiện

Tác giả: kiều anh/vov.vn (biên dịch)

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập