Chuyển Kết luận thanh tra Dự án Thái Bình 2 đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Cập nhật: 06/08/2020
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN -Thanh tra Chính phủ chuyển Kết luận thanh tra đối với dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đến Ủy ban Kiểm tra TW để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Ngày 6/8, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra một số nội dung đối với Dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội.
Kết luận nêu rõ, Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển Kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm được nêu tại kết luận thanh tra.
Ngày 5/8, Văn phòng Chính phủ có Văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đối với Kết luận thanh tra, trong đó có nội dung "đồng ý với nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại Kết luận thanh tra về một số nội dung đối với Dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội".
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. |
Nhiều sai phạm tại dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2
Theo kết luận thanh tra, dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 được Hội đồng thẩm định của PVN thẩm định có tổng mức đầu tư 31.505,4 tỉ đồng tại thời điểm quý II/2010, trong đó vốn chủ sở hữu là 30% (trước ngày 1/8/2010). Đây là dự án công trình quan trọng quốc gia, do Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư.
Việc PVN và Bộ Công thương đề xuất Thủ tướng quy đổi tổng mức đầu tư dự án về mặt bằng giá năm 2006 là 18.496,5 tỉ để không trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và kiến nghị Thủ tướng giao HĐQT PVN quyết định đầu tư dự án là không đúng với nghị quyết 66 của Quốc hội.
Kết luận thanh tra nêu rõ, dự án này là công trình quan trọng quốc gia, do đó thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư thuộc Thủ tướng sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương. Trong khi dự án chưa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, HĐQT PVN đã căn cứ công văn do Phó Thủ tướng ký và hồ sơ thẩm định dự án của PVN để phê duyệt quyết định đầu tư dự án là không đúng quy định pháp luật.
Trách nhiệm để xảy ra những sai phạm trên thuộc về PVN, Bộ Công thương, các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong việc tham mưu, đề xuất, chỉ đạo đối với chủ trương đầu tư và quyết định phê duyệt đầu tư dự án.
Trong quá trình đầu tư dự án, PVN có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án lần 1 với tổng mức đầu tư từ 31.505,4 tỉ đồng lên 34.295,1 tỉ đồng và điều chỉnh lần 2 lên 41.799,1 tỉ đồng.
Quá trình thực hiện trình tự thủ tục điều chỉnh dự án lần 1, PVN chưa báo cáo Thủ tướng nhưng đã thẩm định và quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư là không đúng quy định pháp luật.
Đối với việc điều chỉnh tổng mức đầu tư lần 2, theo Thanh tra Chính phủ, quá trình thực hiện không đúng với quyết định của Thủ tướng nên việc điều chỉnh này cũng không đúng quy định. Trách nhiệm thuộc PVN, Bộ Công Thương, các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong việc tham mưu, đề xuất, chỉ đạo và quyết định điều chỉnh Dự án.
Kiến nghị Hà Nội phối hợp với PVN thu hồi "đất vàng"
Kết luận cũng nêu rõ, đối với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội, kết luận Thanh tra cho biết, cơ sở nhà, đất này là tài sản Nhà nước do Công ty quản lý và phát triển nhà thuộc Sở Xây dựng Hà Nội quản lý cho PVN thuê làm trụ sở, đến thời điểm 1/1/2008 hợp đồng thuê hết hạn sau đó chưa ký lại; PVC (công ty con của PVN) trước đó không trực tiếp thuê Cơ sở nhà, đất tại 69 Nguyễn Du.
Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước thì thẩm quyền quyết định việc bán tài sản ưên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất này thuộc UBND Thành phố Hà Nội. Việc PVC, PVN, UBND Thanh phố Hà Nội có văn bản gửi Bộ Tài chính trình Phó Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND thành phố Hà Nội bán chi định cơ sở nhà, đất tại số 69 Nguyễn Du cho PVC (đơn vị đang thuê) để xây dựng trụ sở làm việc là không đúng thực tế.
Sau khi mua, PVC không tiến hành đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mà đề xuất và được PVN đồng ý thông qua chủ trương cho phép PVC chuyển nhượng cơ sở nhà đất trên. Sau đó PVC thuê công ty CP Sông Đà Toàn cầu tư vấn đấu giá, phê duyệt giá khởi điểm và ủy quyền cho công ty Tư vấn bán đấu giá trong khi UBND TP Hà Nội chưa có quyết định giao đất cho PVC là không đúng quy định của pháp luật về đất đai và đấu giá.
“Ngày 31/12/2009 PVC ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành. Khi tổ chức đấu giá, công nhận kết quả trúng đấu giá, PVC chưa được UBND TP Hà Nội giao đất, vì vậy việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà nội như trên là không có cơ sở pháp lý, sai quy định tại Diêm a, Khoản 1, Điều 106 Luật đất đai 2003; Điểm a, Khoản 2, Điều 8; Điểm a, Khoản 2, Điều 9 Nghị định số 05/2005/NĐ -CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản” – kết luận nêu rõ.
Theo kết luận, trách nhiệm thuộc về PVC, PVN, UBND thành phố Hà Nội, Bộ Tài chính và cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc tham mưu, đề xuất, chỉ đạo và bán chỉ định tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại số 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND Thành phố Hà Nội phối hợp với PVN rà soát để thu hồi và xử lý các phát sinh trong quá trình thu hồi cơ sở nhà đất này; đến thời điểm 31/10/2020 chưa thực hiện được việc thu hồi thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật./.
Từ khóa: dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đất vàng Nguyễn Du
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN