Chính thức động thổ tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng)
Cập nhật: 03/10/2020
Khẩn trương rà soát, xác minh, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm khai thác IUU
Kim Long Motor Huế hợp tác với tập đoàn ô tô Trung Quốc sản xuất xe du lịch
VOV.VN - Khi tuyến cao tốc hoàn thành không chỉ giúp an sinh xã hội, phát triển kinh tế và giúp Cao Bằng vươn lên đổi mới, mà còn thúc đẩy hành lang kinh tế vùng biên phát triển.
Sau 2 năm tích cực chuẩn bị dự án, sáng 3/10, UBND tỉnh Cao Bằng phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn cùng nhà đầu tư tổ chức Lễ động thổ tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) và khởi công 2 tiểu dự án kết nối tuyến cao tốc này.
Trước đó, ngày 10/8, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Biên giới năm 1950, 70 năm giải phóng Cao Bằng (3/10/1950 - 3/10/2020) và thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tuyến cao tốc có chiều dài khoảng 115km. Trong đó, đoạn trên địa phận tỉnh Lạng Sơn dài khoảng 52km, đi qua huyện Văn Lãng và huyện Tràng Định. Trên địa phận tỉnh Cao Bằng dài khoảng 63km, đi qua các huyện: Thạch An, huyện Quảng Hoà (huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên cũ), huyện Trùng Khánh (huyện Trà Lĩnh cũ), huyện Hòa An và thành phố Cao Bằng.
Trong đó, tuyến nối đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vào thành phố Cao Bằng có chiều dài khoảng 15,5km đi qua các huyện Quảng Hoà (huyện Quảng Uyên cũ), huyện Hòa An và thành phố Cao Bằng. Điểm đầu tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng kết nối vào đoạn nối cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam, tỉnh Lạng Sơn. Điểm cuối tại nút giao đường vào Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh và quốc lộ 34, thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng.
Ông Lại Xuân Môn, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cho biết, Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) được triển khai có ý nghĩa chính trị, xã hội quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn.
Bên cạnh đó, dự án thực hiện sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải kết nối trung tâm kinh tế, chính trị với các tỉnh miền núi phía Đông Bắc, các khu kinh tế, khu du lịch quốc gia, khu công nghiệp, phục vụ cho mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia; Tạo ra một tuyến cao tốc đối ngoại huyết mạch mới kết nối giao thương hàng hóa từ cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) qua Trung Quốc, Kazakhstan và sang các nước châu Âu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong nước.
Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cho biết, Cao Bằng là tỉnh nghèo với 95% dân số là người dân tộc. Tỉnh có 333 km đường biên giới nên đã được xác định là cửa ngõ của Asean với giá trị hàng hóa xuất qua cửa khẩu trên 3 tỷ USD. Tuyến cao tốc không chỉ giúp an sinh xã hội, phát triển kinh tế và giúp Cao Bằng vươn lên đổi mới. Đây cũng là nguyện vọng của bà con các dân tộc địa phương.
“Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng xác định kinh tế cửa khẩu là một trong những động lực quan trọng nhằm đẩy mạnh nhịp độ tăng trưởng kinh tế, tạo động lực lan tỏa cho các vùng kinh tế khác, việc sớm triển khai đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối, nhất là tuyến đường cao tốc từ Đồng Đăng đến cửa khẩu Trà Lĩnh là hết sức cấp thiết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng đất nước”, ông Lại Xuân Môn nói.
Ông Lại Xuân Môn khẳng định, đây là dự án nhóm A với tổng mức đầu tư dự kiến là 20.939 tỷ đồng, được phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ tập trung đầu tư khoảng 93km (từ Km0+00 tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn đến nút giao với quốc lộ 3 tại lý trình Km307+650, huyện Quảng Hòa - Cao Bằng với quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h. Trong giai đoạn 2, dự án sẽ đầu tư tiếp khoảng 22km (từ Km93+00 nút giao với quốc lộ 3 tại lý trình Km307+650 quốc lộ 3 xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa đến Km115+00 tại cửa khẩu Trà Lĩnh) với quy mô bề rộng nền đường 17m, mặt đường rộng 14m với 4 làn xe.
“Trong cơ cấu vốn đầu tư tuyến cao tốc, tỉnh Cao Bằng sẽ đóng góp khoảng 4.000 tỷ đồng, tỉnh sẽ trích nguồn thu của tỉnh và quỹ đất của tỉnh. Dự kiến diện tích thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Cao Bằng là trên 5.000ha, người dân đã sẵn sàng di chuyển sang nơi ở mới để nhường đất cho con đường cao tốc”, ông Lại Xuân Môn khẳng định.
Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, 2 năm qua, Tập đoàn Đèo Cả với vai trò là nhà đầu tư nghiên cứu dự án đã cùng tỉnh Cao Bằng nghiên cứu dự án giao thông cao tốc nêu trên một cách tổng thể và có những đề xuất rất quan trọng, hiệu quả với việc tối ưu hóa phương án tuyến bằng cách điều chỉnh hướng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh kết nối vào tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam có chiều dài 17,5km, xây dựng các công trình hầm giao thông xuyên núi, cầu cạn vượt địa hình nhằm giảm chiều dài tuyến cao tốc, giảm chi phí đầu tư và kết nối với tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn.
Do vậy, tổng chiều dài tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo khảo sát, nghiên cứu đề xuất của Tập đoàn Đèo Cả sẽ rút ngắn xuống còn 115 km so với 144 km theo quy hoạch (giảm 29 km); tổng vốn đầu tư dự án sẽ được kéo giảm còn hơn 20.000 tỷ đồng, giảm khoảng 50% chi phí đầu tư so với tổng vốn đầu tư dự kiến quy hoạch trước đó là 47.520 tỷ đồng).
Dự án với quy mô 4 làn xe, được thiết kế với tốc độ 80 km/h, cơ cấu nguồn vốn gồm vốn chủ sở hữu, vốn huy động của nhà đầu tư và phần vốn nhà nước. Giai đoạn 1 đầu tư khoảng 93 km từ cửa khẩu Tân Thanh đến xã Phúc Sen, huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng; Giai đoạn 2 (hoàn thiện) đầu tư tiếp khoảng 22km từ huyện Quảng Hoà đến cửa khẩu Trà Lĩnh và mở rộng hoàn thiện mặt đường hiện tại.
Giai đoạn 1 của dự án triển khai từ năm 2020 đến năm 2024 và giai đoạn 2 được thực hiện sau năm 2025.
Về phương án tài chính của dự án, Chủ trương đầu tư dự án của Chính phủ cũng chỉ ra nguồn vốn ngân sách Nhà nước tham gia trong dự án và Nhà đầu tư sử dụng vốn chủ sở hữu và vốn huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư; được hoàn vốn bằng thu phí kín trên toàn tuyến cao tốc và thu phí trên tuyến nối vào thành phố Cao Bằng.
“Tập đoàn Đèo Cả cũng đã mời đối tác từ Cộng hòa Liên bang Đức nghiên cứu, khảo sát triển khai thiết kế công trình gắn với nét văn hóa đặc trưng của tỉnh; phối hợp thực hiện kiến trúc cảnh quan một số công trình trên tuyến đường bộ cao tốc đảm bảo ít ảnh hưởng nhất đến Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng”, ông Hồ Minh Hoàng cho biết.
Việc triển khai trước 2 tiểu dự án của tuyến cao tốc sẽ góp phàn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng gồm đường giao thông Đoỏng Lẹng - thị trấn Đông Khê và Thuỵ Hùng - Vân Trình đều thuộc địa bàn huyện Thạch An sẽ đồng hộ kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu đi lại cũng như vận chuyển hàng hoá phục vụ đời sống, sản xuất của nhân dân, đồng thời phục vụ công tác xây dựng cơ sở hạ tầng khác được thuận lợi.
Kết nối vùng giúp ranh, tạo điều kiện giao lưu phát triể kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực hoàn thiện mạng lưới giao thông vận chuyển hàng hoá trên tuyến đường. Từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Cao Bằng với tầm nhìn đến năm 2030./.
Từ khóa:
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN