Chính sách của Biden với Trung Quốc: Đảo ngược hay kế thừa di sản của Trump?
Cập nhật: 18/08/2020
Apple lần đầu bán iPhone 15 Pro với giá thấp hơn
Lonely Planet picks out Hanoi of Vietnam among 10 dream trips in Asia
VOV.VN - Theo giới phân tích, chính quyền ông Biden sẽ ít đối đầu công khai với Trung Quốc, nhưng bản chất không thay đổi nhiều so với chính phủ tiền nhiệm.
Khi ứng cử viên Tổng thống Mỹ Joe Biden và đối tác tranh cử của ông, Thượng nghị sỹ Kamala Harris thực hiện các nỗ lực chạy đua vào Nhà Trắng, bản chất chiến dịch tranh cử của họ là tạo ra sự khác biệt hoàn toàn so với chính sách của Tổng thống Trump, theo mọi cách có thể.
Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: VOX. |
Tuy vậy, khi nói đến quan hệ với Trung Quốc - điều được cho là thách thức lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ, giới phân tích cho rằng nếu ông Biden đắc cử, chính quyền của ông có thể theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn gần giống lập trường của Tổng thống Trump hơn là chiến lược ít đối đầu của cựu Tổng thống Barack Obama.
Bản chất không thay đổi
Giới phân tích cho rằng, bề ngoài, ông Biden nhiều khả năng sẽ không quá vồn vã hoặc thể hiện sự nhiệt tình ngay từ ban đầu với Chủ tịch Tập Cận Bình và ứng cử viên này cũng không dùng các dòng Tweet để bày tỏ sự giận dữ hoặc đưa ra những lời đe dọa nhằm vào Trung Quốc. Ông Biden sẽ tìm cách hợp tác với các quốc gia khác, thay vì “gây mất lòng” đồng minh hoặc thực hiện các hành động đơn phương như những gì Tổng thống Trump đã làm trong suốt nhiệm kỳ của ông.
James Mann, chuyên gia về Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu quốc tế Cấp cao thuộc Đại học Johns Hopkins đánh giá: “Sự khác biệt về phong cách của họ quá lớn vì thế chính sách với Trung Quốc nhiều khả năng sẽ khác biệt”. Song chuyên gia này lưu ý: “Nếu ông Biden thắng cử, quan hệ Mỹ-Trung vẫn sẽ có xung đột, đôi khi là đối đầu nhưng chắc chắn xung đột sẽ xảy ra theo những cách chưa từng có hoặc không gay gắt như trước”.
Trong khi đó, ông Evan Medeiros - chuyên gia nghiên cứu quan hệ với Trung Quốc tại trường Đại học Georgetown đánh giá, nếu ông Joe Biden đắc cử, chính quyền tương lai của ông có khả năng giữ vững lập trường về các vấn đề an ninh liên quan đến Trung Quốc, mặc dù không áp dụng y hệt những chính sách như của chính quyền Tổng thống Trump.
Về vấn đề thương mại, quyết định của ông Biden có thể bị giới hạn bởi phe cấp tiến của đảng Dân chủ vốn hoài nghi về thương mại tự do và có xu hướng ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ giống Tổng thống Trump hơn những người ôn hòa trong đảng này. Áp lực đó có thể đè nặng lên các nỗ lực của ông Biden trong trường hợp ông muốn khôi phục Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương(TPP) được ký kết dưới thời Tổng thống Obama với sự tham gia của hơn 10 quốc gia, ngoại trừ Trung Quốc. Ông Trump đã từ bỏ Hiệp định này ngay từ những ngày đầu lên nắm quyền.
Hiệp định này là trung tâm của chiến lược xoay trục sang châu Á từ thời Tổng thống Obama– một nỗ lực địa chính trị nhằm củng cố vai trò lãnh đạo của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương và thúc đẩy Bắc Kinh “chơi theo luật” của Mỹ. Tuy vậy, Hiệp định chưa bao giờ giành được đủ sự ủng hộ của các nghị sỹ Dân chủ. Do đó, ông Biden cho biết ông sẽ không tham gia lại Hiệp định ở dạng thức hiện tại mà sẽ tìm cách tái đàm phán TPP.
Trong thời gian qua, cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã “chĩa mũi nhọn” vào cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc, chỉ trích việc áp thuế của ông Trump và các đòn phản công của Bắc Kinh đang làm tổn thương người nông dân và các nhà sản xuất của Mỹ, trong khi không thay đổi được hành vi của Trung Quốc đối với các chính sách công nghiệp cơ bản chẳng hạn như trợ cấp của chính phủ dành cho các doanh nghiệp nhà nước.
Tuy vậy, ông Biden có thể không vội vã hủy bỏ các mức thuế đã được Tổng thống Trump áp dụng với Trung Quốc, mà sẽ tận dụng chúng để gây sức ép với Bắc Kinh.
Ông Dean Cheng, chuyên gia tại Heritage Foundation, người cố vấn cho ông Trump về chính sách đối ngoại nhận xét: “Tôi cho rằng ông Biden sẽ ít đối đầu công khai với Trung Quốc, nhưng bản chất có thể không thay đổi nhiều”.
Khó xóa bỏ di sản từ chính phủ tiền nhiệm
Còn nhớ khi Tổng thống Mỹ Nixon thăm chính thức Trung Quốc vào năm 1972, các lãnh đạo của cả 2 đảng phái ở Mỹ đã tìm cách đưa Bắc Kinh xích lại gần Washington bằng cách khuyến khích hợp tác về thương mại và đầu tư. Nhưng ngày nay, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng cách tiếp cận như vậy quá “ngây thơ”.
Trung Quốc đã chuyển mình thành một cường quốc kinh tế trên toàn cầu và là đối thủ quân sự của Mỹ ở châu Á. Thay vì chấp nhận những cải cách giống phương Tây, Chủ tịch Tập Cận Bình tỏ ra táo bạo hơn trong mở rộng ảnh hưởng về kinh tế và áp dụng nhiều chính sách cứng rắn ở trong nước.
Các nghị sỹ của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa ngày càng gia tăng chỉ trích Trung Quốc, cáo buộc Bắc Kinh đánh cắp tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ và thực hiện các hành vi gây hấn ở Biển Đông. Trong bối cảnh mới này, sẽ rất khó nếu không muốn nói là không thể để ông Biden thực hiện lại chính sách với Trung Quốc mà ông đã áp dụng khi còn phục vụ dưới thời Tổng thống Obama.
Ông Daniel Russel, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương cho rằng: “Trung Quốc mà Joe Biden phải đối mặt vào tháng 1/2021, mạnh mẽ hơn và đáng gờm hơn so với Trung Quốc mà ông Biden và cựu Tổng thống Obama phải đối mặt vào năm 2016”.
Chuyên gia James Mann cho rằng, một điều mà chính quyền ông Biden sẽ thừa hưởng là quan điểm cứng rắn với Trung Quốc từ các cơ quan tình báo, Cục điều tra liên bang (FBI), Bộ Thương mại và Bộ Quốc phòng của Mỹ. “Thật sai lầm khi nghĩ rằng khi ông Trump ra đi, tất cả những người ủng hộ chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc sẽ biến mất. Trên thực tế các cơ quan và những lợi ích mà họ đại diện vẫn sẽ còn đó”.
Trong các cuộc phỏng vấn, các cố vấn về chính sách đối ngoại hiện tại và trước đây của ông Biden cho biết, họ đang thận trọng theo dõi Tổng thống Trump và chính quyền của ông gia tăng luận điệu và hành động chống Trung Quốc.
Tổng thống Trump đã đe dọa cấm các ứng dụng mạng xã hội TikTok và WeChat của Trung Quốc, áp đặt hạn chế đối với sinh viên nghiên cứu của Trung Quốc tại Mỹ, yêu cầu đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Houston và nhiều lần gọi SARS-CoV-2 là “virus Trung Quốc”.
Ông Trump tìm cách xoay chuyển tình thế trước liên danh Biden-Harris
Đối thoại không phải là nhượng bộ
Nhận xét về khả năng liệu ông Biden có thể đưa quan hệ Mỹ-Trung phát triển theo chiều hướng tích cực hơn hay không, một số ý kiến cho rằng ông Biden có thể quay trở lại đường lối ngoại giao thông thường, mở ra cánh cửa hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề như biến đổi khí hậu và sức khỏe cộng đồng.
Là cựu thành viên lâu năm của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ông Biden đã nhiều lần bày tỏ mong muốn khôi phục các liên minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á, cũng như vị thế của nước này trên trường quốc tế, với tư cách là người thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Cựu Phó Tổng thống Mỹ cho rằng đó là con đường tốt nhất để đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc.
“Cách hiệu quả nhất để đối phó với thách thức từ Trung Quốc là xây dựng một mặt trận thống nhất gồm các đồng minh và đối tác của Mỹ, mặt khác, chúng ta cần tìm cách hợp tác với Bắc Kinh về các vấn đề mà cả hai bên cùng quan tâm, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, không phổ biến vũ khí hạt nhân và an ninh y tế toàn cầu”, ông Biden viết trong một bài bình luận trên tờ Foreign Affairs vào đầu năm nay.
“Mỹ đại diện cho khoảng 1/4 GDP toàn cầu. Khi chúng ta hợp tác với các quốc gia khác, sức mạnh của chúng ta sẽ tăng lên gấp đôi. Trung Quốc sẽ không thể phớt lờ hơn một nửa nền kinh tế toàn cầu”.
Với quan điểm này, ông Biden có thể linh hoạt hơn trong cách tiếp cận với Bắc Kinh, một mặt duy trì quan điểm cứng rắn về một số vấn đề, mặt khác mở lại các kênh liên lạc mà Tổng thống Trump đã cắt đứt, ngoại trừ thương mại.
Chuyên gianghiên cứu châu Á Evan S.Medeiros, thuộc trường Đại họcGeorgetown(Mỹ) đánh giá: “Tôi cho rằng ông Biden sẽ có sự thay đổi về giọng điệu, có thể dành cho Trung Quốc sự đánh giá cao như những gì các Tổng thống Nixon và Kissinger đã làm. Nhưng đối thoại không phải là nhượng bộ và thương lượng không phải là thỏa hiệp”.
Vẫn cần phải xem xét liệu sức ép về ngoại giao và quốc tế có tác động đến giới chức lãnh đạo Trung Quốc hay không. Bắc Kinh đã gạt bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế bác yêu sách chủ quyền phi lý của nước này ở Biển Đông, tiếp tục áp đặt luật an ninh đối với Hong Kong bất chấp cảnh báo của Mỹ và nhiều quốc gia khác. Không có gì ngạc nhiên khi người Mỹ ngày càng hoài nghi và tỏ thái độ tiêu cực với Bắc Kinh. Một cuộc thăm dò dư luận của Pew cho biết, cứ 4 người Mỹ thì 3 người tỏ ra không tin tưởng Trung Quốc. Điều đó cũng có thể tác động đến việc lựa chọn chính sách đối ngoại của ông Biden.
“Bất kỳ Tổng thống nào của Mỹ cũng phải coi trọng phản ứng từ dư luận”, Hạ nghị sỹ Brad Sherman – người mong muốn ông Biden sẽ tái áp dụng chính sách đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông, cho biết.
Các trợ lý của ông Biden nêu rõ, họ sẽ tập trung vào một số mục tiêu như thương mại, tấn công mạng… thay vì những gì họ mô tả là cách tiếp cận phân tán của chính quyền ông Trump với Trung Quốc trong 4 năm qua.
Bonnie Glaser, một chuyên gia an ninh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ cho rằng: “Trung Quốc đang ở một vị thế rất mạnh. Theo quan điểm của tôi, chúng ta cần phải hồi sinh sức mạnh của nước Mỹ, không để Bắc Kinh trục lợi từ những gì được xem là điểm yếu của Washington”./.
Từ khóa: bầu cử Tổng thống Mỹ, ứng cử viên Joe Biden, Tổng thống Trump, chính sách đối ngoại, căng thẳng Mỹ Trung
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN