Chiến sự Libya: Đàm phán chưa đột phá, lệnh ngừng bắn thất bại

Cập nhật: 14/01/2020

VOV.VN - Mất 8 tiếng đồng hồ nỗ lực trung gian hòa giải song cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã không thể giúp các bên đối địch Libya ký 1 thỏa thuận ngừng bắn lâu dài.

Tuy nhiên, một số tiến bộ đã đạt được giữa các bên.

Cùng đến Nga, song Người đứng đầu của 2 lực lượng đối địch chính tại Libya đã không có 1 cuộc gặp trực tiếp nào. Các cuộc đàm phán giữa các bên đã diễn ra 1 cách “gián tiếp”, kéo dài 8 giờ đồng hồ, thông qua sự trung gian của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng chỉ có 1 bên ký vào thỏa thuận ngừng bắn, đó là Chính phủ đoàn kết Dân tộc Libya được Liên Hợp Quốc công nhận, do Thủ tướng Fayez al-Sarraj lãnh đạo. Trong khi đó, Tướng Khalifa Hafta – chỉ huy các lực lượng vũ trang miền Đông đã rời Moscow mà không ký vào văn bản này, sau khi đã yêu cầu 1 khoảng thời gian “thêm” tại Moscow để xem xét kỹ văn bản này.

chien su libya: dam phan chua dot pha, lenh ngung ban that bai hinh 1
Thủ tướngFayez al-Sarraj (trái) và tướngKhalifa Hafta. Ảnh: Aawsat.

Theo hãng tin Interfax của Nga, lý do mà Tướng Hafta không chịu ký vào thỏa thuận ngừng bắn vì nó không bao gồm các điều khoản về thời hạn để giải tán các lực lượng của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya tại thủ đô Tripoli.

Việc 2 bên đối địch chính tại Libya không đạt được thỏa thuận ngừng bắn có thể khiến tình hình Libya thêm phần phức tạp, bất chấp việc Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trước đó cùng ngày đã lên tiếng bày tỏ tin tưởng vào việc các bên đạt được tiến bộ: “Một số tiến bộ đã đạt được. Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội chính phủ Đoàn kết Libya đã ký vào văn bản. Trong khi Tướng Hafta và Chủ tịch Quốc hội Libya tại Tobruk đã yêu cầu thêm thời gian để xem xét trước khi ký. Tôi hi vọng thỏa thuận sẽ được các bên ký kết”.

Đây cũng là kỳ vọng của Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia có ảnh hưởng tại Libya, Tổng thống Erdogan đưa ra ngày hôm qua: “Hiện chúng tôi đã cố thiết lập 1 thỏa thuận ngừng bắn. Các đại diện của chúng tôi đang tiếp tục đàm phán với tất cả các bên. Tôi hi vọng 1 thỏa thuận ngừng bắn sẽ được ký kết ngay trong vòng đàm phán này”.

Dù 2 bên đối địch chính tại Libya không ký vào thỏa thuận ngừng bắn, song cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vẫn tiếp tục các nỗ lực để tìm ra 1 giải pháp chính trị cho vấn đề.

Dự kiến vào ngày 19/1 tới, Đức sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về Libya với sự tham dự của Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ kỳ Erdogan và Thủ tướng Italy Giuseppe Conte. Theo giới phân tích, hội nghị là cơ hội để các bên tìm kiếm 1 giải pháp toàn diện cho tình hình Libya.

Libya vẫn trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Hiện nước này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) do Thủ tướng Fayez al-Sarraj đứng đầu hoạt động ở thủ đô Tripoli và được Liên hợp quốc công nhận – Thổ Nhĩ Kỳ và Ca-ta hỗ trợ; trong khi chính quyền miền Đông do Tướng Khalifa Hafta lãnh đạo, được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp./.

Từ khóa: Đàm phán Libya, thỏa thuận ngừng bắn, Thổ Nhĩ Kỳ, trung gian hòa giải, các phe Libya

Thể loại: Thế giới

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập